Thứ hai, 13/03/2017 10:12 GMT+7
Nghiên cứu phát triển mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa thành phố Hải Phòng đến năm 2020
Sáng 10/3/2017, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố với đề tài: “Nghiên cứu giải pháp phát triển mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020”. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố làm chủ tịch Hội đồng tư vấn, đánh giá chủ trì Hội nghị.
PGS.TS. Đan Đức Hiệp phát biểu tại Hội nghị
Hoạt động thương mại và thương hiệu hàng hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian qua đã từng bước củng cố, góp phần thúc đẩy kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa phát triển chưa mang tính hệ thống, còn manh mún, tự phát, thiếu bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh cũng như yêu cầu phát triển đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đứng trước thực trạng đó, Tiến sĩ Đỗ Minh Thụy – Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng đã tiến hành nghiên cứu, đề ra các giải pháp phát triển mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
TS. Đỗ Minh Thụy - Chủ nhiệm đề tài thuyết trình tại hội nghị
Qua việc nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm có liên quan; đánh giá thực trạng hoạt động thương mại và thương hiệu hàng hóa trên địa bàn thành phố; và những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, nhóm tác giả đề tài đã đề xuất một số định hướng và 2 nhóm giải pháp cơ bản nhằm phát triển mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa thành phố Hải Phòng.
Trong đó, giải pháp phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn thành phố bao gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết giữa thị trường Hải Phòng với thị trường các địa phương khác; Thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại; Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới một số loại hình thương mại chủ yếu. Với nội dung xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa trên địa bàn, tác giả đề xuất tập trung vào các giải pháp: Biện pháp từ phía doanh nghiệp; Biện pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước; Tổ chức triển khai.
Với nghiên cứu có giá trị khoa học, mang tính mới, khách quan và tương đối phù hợp với điều kiện của địa phương, đề tài đã cho thấy khả năng ứng dụng trong thực tế. Kết quả của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo phục vụ công tác giảng dạy; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển mạng lưới thương mại và thương hiệu hàng hóa thành phố Hải Phòng trong tương lai.
TS. Đỗ Minh Thụy - Chủ nhiệm đề tài chụp hình lưu niệm cùng đồng nghiệp
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng
Lượt xem: 2543