Thứ năm, 16/03/2017 10:43 GMT+7

Sở KH&CN thành phố Hải Phòng: Trao tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, giải thưởng Thành phố về Khoa học và Công nghệ năm 2016

Nhằm khích lệ và tôn vinh các trí thức có nhiều thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tại thành phố Hải Phòng, sáng 16/3/2017, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, long trọng tổ chức “Hội nghị gặp mặt đại diện trí thức KH&CN và Trao tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giải thưởng Thành phố về KH&CN”. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Nghiêm Vũ Khải - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng đại diện các trí thức KH&CN trên địa bàn Thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Hoàng Văn Kể - Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố Hải Phòng báo cáo tình hình đội ngũ tri thức KH&CN, những đóng góp của trí thức KH&CN đối với phát triển KT-XH Thành phố, và các kiến nghị, đề xuất của trí thức KH&CN với Thành phố.

Hội nghị cũng được nghe đồng chí Nguyễn Văn An - Giám đốc Sở KH&CN báo cáo tình hình hoạt động KH&CN thành phố và quá trình tổ chức và kết quả xét tặng Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, giải thưởng thành phố về KH&CN năm 2016.

Tham góp ý kiến tại hội nghị còn có tham luận của trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Y dược Hải Phòng, Viện Tài nguyên và môi trường biển; Viện Y học Biển; Hội Xây dựng; Hội cơ khí về những đóng góp cho hoạt động KH&CN của thành phố.
 

Đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng trao tặng Giải thưởng tác giả, đồng tác giả các công trình, cụm công trình 


Tại Hội nghị, Phó Bí thư thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam trao tặng và chúc mừng các tác giả đạt giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, giải thưởng Thành phố về KH&CN. Các công trình đạt giải thuộc 3 lĩnh vực: Y tế (3 công trình), Thủy sản (2 công trình), Nông nghiệp (1 công trình). Trong đó, có 1 công trình là sản phẩm khoa học của trường đại học (Đại học Y dược Hải Phòng), 2 công trình là sản phẩm khoa học của tổ chức KH&CN Trung ương (Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Y học biển), 1 công trình là sản phẩm khoa học của tổ chức KH&CN địa phương (Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư) và 1 công trình là sản phẩm khoa học của doanh nghiệp KH&CN (Công ty Cổ phần Y dược Khánh Thiện).

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu được theo dõi phóng sự giới thiệu về Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giải thưởng thành phố về KH&CN năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, để KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ tri thức KH&CN thành phố cần tập trung hơn nữa trong công tác nghiên cứu các luận cứ khoa học, tham gia đóng góp cho thành phố bằng các công trình, đề tài nghiên cứ ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN; Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực để doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ; Liên hiệp các Hội KH& KT thành phố tăng cường đổi mới các hoạt động để thu hút và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức…
 

6 công trình đoạt giải thưởng về khoa học - công nghệ

Các công trình đoạt giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm

1. Công trình ứng dụng phác đồ giảm mẫn cảm đặc hiệu đường dưới lưỡi trong điều trị hen phế quản do Dermatophagodes Pteronyssinus tại Hải Phòng của GS.TS. Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Hải Phòng.

Kết quả nghiên cứu của công trình là thành tựu khoa học nổi trội, tiêu biển, lần đầu tiên ở nước ta, làm thay đổi nhận thức về phương pháp điều trị trong hen phế quản. Công trình được công bố, trích dẫn 6 lượt trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước .

Việc ứng dụng phương pháp điều trị của công trình góp phần mang lại hiệu quả kinh tế theo hướng phòng bệnh hạn chế cơn hen phế quản xẩy ra, ít tốn kém.

Số lượng người bệnh được điều trị bằng phương pháp này hiện nay trên 1000 ca.

2. Công trình nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi cá bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất 5 tấn/ha của nhóm tác giả (Đặng Minh Dũng, Trần Văn Đan, Phạm Thành Công, Đỗ Minh Dũng) – Viện nghiên cứu Hải sản.

Kết quả của cụm công trình tạo thêm được một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao cho vùng nước lợ ven biển, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thực hiện dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho 6 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.

3. Công trình nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo Vietgap tại Hải Phòng của Trịnh Thị Kim Anh - Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng.

Kết quả nghiên cứu của công trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất theo chuỗi và bảo đảm được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt của thành phố; đề xuất 11 quy trình sản xuất rau tuân thủ theo quy trình Vietgap và thực hiện quản lý theo mô hình sản phẩm sản xuất đạt yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Góp phần thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của nông dân, cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và khu vực.

Các công trình đạt giải thưởng thành phố

1. Công trình nghiên cứu thực trạng sức khỏe, cơ cấu bệnh tật và công tác tổ chức bảo đảm sức khỏe cho nhân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ của tác giả Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam.

Là công trình nghiên cứu đầu tiên về hệ thống y tế biển đảo. Kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng sức khỏe của người dân, môi trường trên đảo, điều này giúp người dân yên tâm sinh sống, làm việc trên đảo góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày 25-2016 UBND thành phố ban hành Quyết định số 1456/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ theo mô hình đề xuất của công trình. Đến nay, một số huyện ven biển và hải đảo của các địa phương ven biển cũng đã áp dụng mô hình này.

2. Công trình máy cứu ngải và viên thuốc ngải của tác giả Phạm Thị Chẵn, Công ty cổ phần Y Dược Khánh Thiện.

Công trình tạo ra sản phẩm mới: thiết bị cứu ngải hiện đại đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Sản phẩm được sản xuất và kinh doanh ra thị trường trong và ngoài nước và tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động.

3. Công trình đánh giá hiện trạng, đề xuất cải tiến nhằm khai thác có chọn lọc và nâng cao hiệu quả nghề khai thác lưới rê ở Hải Phòng của tác giả Lê Trung Kiên - Trung tâm Khuyến ngư Hải Phòng.

Kết quả nghiên cứu của công trình áp dụng vào thực tiễn góp phần làm tăng sản lượng đánh bắt thủy sản (đặc biệt là có khả năng đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ). Góp phần quan trọng thúc đẩy nghề khai thác thủy sản bằng lưới rê ở Hải Phòng

Đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ tăng hiệu quả khai thác của lưới rê 3 lớp (gấp 2, 9 lần) và lưới rê 1 lớp (gấp 1,15 lần). Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng trên 40% tàu khai thác thủy sản của thành phố.

 

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 3094

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)