Thứ hai, 20/03/2017 16:08 GMT+7

Đào tạo về thủ tục pháp lý, mô hình quản trị và mô hình gọi vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 18/3/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (NTBIC), Viện Ứng dụng Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo về thủ tục pháp lý, mô hình quản trị và mô hình gọi vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Các diễn giả trong phiên thảo luận

 
Tham dự Hội thảo có TS. Chử Đức Hoàng – Phó trưởng phòng tài trợ đề tài và hoạt động đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF); bà Nguyễn Thị Thúy Hiền – Điều phối viên “Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP); bà Đỗ Phương Lan – Phó Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED); bà Nguyễn Thị Hồng Lan – Tập đoàn GFS, cùng đại điện một số cá nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Trần Vũ Tuấn Phan – Giám đốc NTBIC cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu cho các đại biểu tổng quan về một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); giới thiệu và các vấn đề cần chú ý khi xin hỗ trợ từ Quỹ InnoFund; hướng dẫn xây dựng và quản trị tài chính cho các dự án xin tài trợ; xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing cho các đơn vị khởi nghiệp.

Nói về vai trò của đổi mới công nghệ, TS. Chử Đức Hoàng cho biết, đổi mới công nghệ được xem là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm “lõm” như sự sẵn sàng về công nghệ, sức sáng tạo, các thể chế, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của thị trường tài chính và giáo dục – đào tạo bậc cao. 

Sự ra đời của NATIF là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng để phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới. Theo đó, NATIF sẽ tài trợ, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới; ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền đã giới thiệu về Quỹ InnoFund và mời nộp hồ sơ đề xuất tài trợ. Quỹ InnoFund là một trong ba hợp phần chính của Dự án BIPP. Mục tiêu của Qũy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong nước. Cụ thể, Quỹ InnoFund sẽ tài trợ cho các dự án thử nghiệm hoặc nâng cao năng lực của các cơ quan nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp và các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Đối tượng lựa chọn của Quỹ InnoFund là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, là khách hàng của một cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam; có các dự án hướng tới chuyển giao các khái niệm đổi mới sáng tạo thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa; là một cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ đáp ứng các tiêu chí đối với cơ sở ươm tạo được quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13/06/2014”, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền cho hay.

Quỹ InnoFund sẽ hỗ trợ tối thiểu 15.000 EUR và tối đa là 25.000 EUR cho các dự án. Các dự án được lựa chọn sẽ nhận tài trợ từ Quỹ InnoFund, do Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm (SATI-TECH) triển khai, theo quy định đề ra trong Sổ tay Quản lý Quỹ InnoFund (IOM) và trong phạm vi ngân sách sẵn có. Việc tuyển chọn cuối cùng sẽ dựa vào sự đánh giá của Hội đồng tuyển chọn Dự án Quỹ InnoFund và quyết định của Trưởng ban Chỉ đạo Dự án. Hạn cuối nộp hồ sơ đề xuất xin tài trợ là 21/4/2017. Các dự án nhận được tài trợ sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 15/7/2017. Dự án sẽ thực hiện từ 06 - 12 tháng kể từ ngày nhận tài trợ và thực hiện trong phạm vi trong nước.

Nhằm giải đáp một số vướng mắc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải, bà Đỗ Phương Lan (NAFOSTED) đã có hướng dẫn việc xây dựng dự toán tài chính, từ căn cứ pháp lý, các chi phí hợp lệ và những nội dung liên quan đến quy trình quản trị tài chính.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Lan đến từ Tập đoàn GFS đã có bài tham luận về xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing cho các đơn vị khởi nghiệp. Bà Hồng Lan nhấn mạnh rằng, thương hiệu có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Thương hiệu là lời hứa và thực hiện lời hứa với khách hàng mục tiêu. Nếu như không có thương hiệu thì doanh nghiệp không thể tồn tại trên thị trường. Thương hiệu giúp doanh nghiệp khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Đối với một thương hiệu mạnh sẽ tạo ra xu hướng thị trường… Do vậy, việc xây dựng thương hiệu là thực sự cần thiết đối với một doanh nghiệp…


Hội thảo thu hút sự tham gia của một số nhà nghiên cứu và doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong phiên thảo luận chung tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở những khó khăn, thách thức với các diễn giả và được các diễn giả giải đáp kỹ càng xoay quanh nội dung về các khoản tài trợ, tư cách pháp nhân khi xin hỗ trợ, thực hiện hồ sơ đề xuất xin tài trợ, …

Hội thảo thực sự là cầu nối, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các thông tin để xây dựng hồ sơ đề xuất tài trợ từ các quỹ một cách hiệu quả.

 

Nguồn: Viện Ứng dụng công nghệ

Lượt xem: 2835

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)