Thứ ba, 11/04/2017 15:01 GMT+7

Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo bộ điều khiển đầu đốt tang sấy cốt liệu trong trạm trộn bê tông nhựa nóng

Cho đến nay, sản phẩm dầu đốt công nghiệp mà trong nước 100% đều là sản phẩm nhập ngoại và hầu hết đều theo nguyên lý làm việc truyền thống. Lý do không có sản phẩm trong nước vì các cụm thiết bị cơ khí đòi hỏi phải được tính toán thiết kế và chế tạo chính xác, nên ngành cơ khí trong nước chưa đáp ứng được. Vì vậy, các công trình nghiên cứu chỉ rải rác tập trung vào chế tạo vài mẫu dầu đốt chuyên dụng theo kiểu truyền thống.

Hiện nay, với nguyên lý dầu đốt VFR với kết cấu cơ khí đơn giản hơn, hoàn toàn có thể cho phép chế tạo trong nước các cấu kiện cơ khí, thì việc đầu tư nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm bộ điều khiển cho dầu đốt kiểu VFR là rất cần thiết để làm tiền đề cho việc sản xuất sản phẩm thương mại để đáp ứng nhu cầu rất lớn trong nước và thay thế hàng nhập ngoại. Nhu cầu đầu đốt riêng cho mảng trạm trộn bê tông nhựa nóng là hàng trăm bộ/năm.

Do vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa do ThS. Trần Văn Hùng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo bộ điều khiển đầu đốt tang sấy cốt liệu trong trạm trộn bê tông nhựa nóng” để giải quyết một vấn đề cụ thể là hiệu quả sử dụng nhiên liệu đầu vào trong quá trình làm việc của các bộ đầu đốt trạm trộn bê tông nhựa nóng.

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo đủ 10 bộ điều khiển đầu đốt kiểu mới với các tính năng:

+ Ổn định nhiệt độ vật liệu theo giá trị đặt thông qua: điều khiển quạt gió hướng trục 11kW bằng biến tần; điều khiển bơm phun dầu 2,2 kW bằng biến tần.

+ Mức điều chỉnh ngọn lửa >= 1:10

+ Giám sát nhiệt độ và áp suất dầu, nhiệt độ khí thải

+ Chế độ Auto/Manual

Ngoài ra, đề tài đã xây dựng và hoàn chỉnh 1 bộ tài liệu thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo và 1 bộ tài liệu hướng dẫn lắp đặt, vận hành và sử dụng. Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại từ việc bán 5 bộ điều khiển dầu đốt là 638 triệu đồng.

Việc chế tạo thành công các sản phẩm của dự án mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước vì sẽ không cần nhập ngoại các thiết bị nên tiết kiệm được nhiều ngoại tệ. Hơn nữa, giá thành của thiết bị chỉ bằng từ 2/3 thiết bị tương tự của nước ngoài, do đó, người sử dụng sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao khi sử dụng sản phẩm của dự án. Một lợi ích nữa là ta làm chủ hoàn toàn công nghệ nên việc bảo trì, bảo dưỡng ta sẽ tự làm, không phải thuê chuyên gia nên tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người sử dụng.

Các kết quả nghiên cứu của dự án có thể được mở rộng và áp dụng không chỉ riêng cho một đối tượng cụ thể là đầu đốt trạm trộn mà có thể ứng dụng cho nhiều đối tượng khác trong công nghiệp đốt.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12163/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2588

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)