Thứ bảy, 15/04/2017 09:48 GMT+7

Tập đoàn Viettel: Tư duy và cách tiếp cận phát triển thông qua KH&CN

Coi Viện nghiên cứu như một doanh nghiệp, chỉ có vay chứ không đầu tư, mạnh dạn đặt các bài toán khó để tự gây áp lực tìm người giỏi... là những cách nghĩ khác, làm khác của Viettel trong câu chuyện phát triển KH&CN.

Những vướng mắc của KH&CN nói chung và địa phương nói riêng được Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng lý giải thông qua câu chuyện thực tiễn phát triển KH&CN của Tập đoàn này tại tọa đàm với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng 63 lãnh đạo các Sở KH&CN toàn quốc. Đây là một những hoạt động bên bề của Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN 2017 được tổ chức tại Hòa Lạc từ ngày 14 - 15/4/2017.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã dành lời cảm ơn đặc biệt trân trọng đến Tập đoàn Viettel và đặc biệt đến cá nhân đồng chí TGĐ Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương đã tạo cho Hội nghị cơ hội được tổ chức trong một không gian rất đặc biệt, đậm chất Viettel, tinh thần Viettel. Thông điệp của Ban tổ chức cũng muốn gửi gắm đến những người đứng đầu ngành KH&CN các tỉnh/thành trên toàn quốc đó là: KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội (KTXH)- đúng như tinh thần của Nghị quyết TW6, khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ phát triển KTXH. Đây cũng là thông điệp của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành KH&CN 2016 được tổ chức đầu năm nay: KH&CN phải có mặt kịp thời ở những điểm nóng phát triển KTXH, nhận dạng và từ đó xác định những ưu tiên phát triển, để KH&CN tham gia cùng giải quyết.



TGĐ Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm

Dám nghĩ, dám làm

Mở đầu cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá: 10 năm vừa qua, Viettel có các phát triển thần kỳ nhưng thần kỳ hơn là tư duy và cách tiếp cận phát triển thông qua KH&CN. Nhìn lại 10 năm trước, Viettel còn khó so sánh với nhiều doanh nghiệp khác trong nước, nhưng hiện giờ Viettel đã vươn lên là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Gần đây nhất, việc đầu tư thần tốc vào phát triển hạ tầng hệ thống 4G chỉ trong 6 tháng của Viettel  cho thấy sức mạnh phát triển của tập đoàn này. Viettel đã thử nghiệm giăng mạng diện rộng ở các quốc gia đang đầu tư. Chia sẻ về cách tư duy, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và phát triển dựa trên KH&CN của Viettel, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: đó chính là phải mạnh dạn, dám nghĩ khác, làm khác.

Câu chuyện đầu tư hạ tầng 4G cũng là minh chứng cho sự dám nghĩ, dám làm. Chúng ta phải mất 20 năm để dựng nên một mạng 2G rộng khắp trên toàn quốc. Chúng ta cũng phải mất 10 năm để dựng nên mạng 3G hiện nay. Nhưng với 4G, Viettel đã chỉ mất 6 tháng để dựng nên một mạng rộng tương đương với mạng 2G hiện nay. Vì sao lại phải dựng mạng 4G trong một thời gian ngắn như vậy? Bởi vì, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng cấp phép triển khai mạng 4G. Nếu chúng ta cũng cần phải mất 10 – 20 năm để triển khai xây dựng hạ tầng thì chắc chắn Việt Nam sẽ còn tụt lùi rất xa. Bởi vậy, không có cách nào khác là phải dám làm và đặt mục tiêu cho mình. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Viettel đặt mục tiêu cao cho mình. Khi triển khai mạng 2G, năm 2004, mật độ người dùng di động của Việt Nam khi ấy mới chỉ có 4%. Viettel đã đặt mục tiêu mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc điện thoại di động. Và sau 4 năm, mật độ người dùng di động ở Việt Nam đã đạt 100%, đưa Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất, có hạ tầng viễn thông tốt nhất trên thế giới. Đến ngày hôm nay, Viettel cũng có thể tự hào rằng chúng tôi đã xây dựng một hệ thống 4G được phủ sóng cả nước với chất lượng tốt nhất thế giới.

Có một câu chuyện khá thú vị được nhắc đến trong cuộc trao đổi, mạng 4G mới phủ sóng chưa đầy 1 tháng nhưng ở một số bãi biển đã xuất hiện dịch vụ Karaoke di động dùng công nghệ sóng 4G phát bài hát từ  ipad ra loa. Một sự hiện hữu của công nghệ rất rõ trong đời sống. Qua câu chuyện 4G cũng có thể thấy được vai trò của KH&CN đối với việc phát triển hạ tầng để làm nền tảng cho các dịch vụ tiện ích xã hội khi mà bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang được nhắc đến như một lẽ phát triển tất yếu.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và TGĐ tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại buổi tọa đàm
 

Cho vay chứ không đầu tư

Chia sẻ về vấn đề chuyển giao công nghệ, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: tri thức nhân loại là vô tận, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nhờ thế giới phẳng. Thực tế từ nhiều năm làm nghiên cứu sản xuất, Viettel nhận ra rằng, không ai muốn chuyển giao công nghệ cho mình. Viettel còn nhận ra một điều rằng, công nghệ có được là do quá trình lao động. Vậy nên, việc đầu tiên là chúng ta phải tự nghiên cứu, nắm vững được 70 – 80% công nghệ. Quá trình này thường không mất nhiều thời gian. Phần còn lại là những vấn đề cốt lõi và khó. Nhưng nếu đã nắm vững công nghệ thì việc tìm ra vấn đề cốt lõi có khi lại chỉ thông qua một câu nói, một tham số thông qua việc trao đổi với các chuyên gia. Đó chính là con đường để Viettel rất tự tin bước vào nghiên cứu khoa học.

Về vấn đề phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách cho KH&CN, câu chuyện thường trực của người làm quản lý KH&CN trung ương và địa phương được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt câu hỏi cho TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng thông qua kinh nghiệm sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của Tập đoàn này. Không ngần ngại, ông Hùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Viettel không có khái niệm đầu tư mà là cho vay.  Các Viện nghiên cứu của Viettel bản chất là công ty. Viettel không từ chối bất cứ đề xuất nào cho nghiên cứu mà chỉ đưa ra điều kiện, sau 3 năm phải thu hồi vốn. Thế nên, bất cứ chủ nhiệm đề tài nào cũng phải cân nhắc rất kỹ đề tài và đưa ra đề xuất. Cách làm này áp dụng cho nghiên cứu ứng dụng, còn với nghiên cứu cơ bản thì chỉ cần trả bằng các bài báo khoa học. Từ cách làm này, sau 5 năm bước chân vào nghiên cứu, Viettel đã thu về được 4000 tỷ đồng sau khi trả hết các khoản chi.

Đặt hàng các Viện nghiên cứu thông qua Quỹ Phát triển KH&CN của Tập đoàn

Câu chuyện về phương thức đầu tư thông qua Quỹ cũng được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn được Viettel chia sẻ để các địa phương học tập. Đánh giá về phương thức này, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng rất tâm đắc và cho biết, chính từ đề xuất trích lập 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động nghiên cứu mà Bộ KH&CN đề xuất đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có được nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là cứu cánh cho Viettel trong việc cấp tiền cho nghiên cứu. Tuy nhiên, TGĐ Hùng cũng thừa nhận, hiện Quỹ Phát triển KH&CN của Tập đoàn vẫn còn thừa khá nhiều. Hiện tại, với thị trường sẵn có từ 12 quốc gia với tổng số khách hàng lên đến hơn 300 triệu người thì nhu cầu sản phẩm là rất nhiều. Hiện tại, nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu của Viettel không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giải quyết vấn đề này, Viettel đã sử dụng chính sách đặt hàng các Viện nghiên cứu. Đây là mô hình của Boeing đang triển khai với hơn 10.000 công ty làm thuê cho họ. Boeing chỉ làm thị trường.

“Theo mô hình này thì Viettel có nhiều cơ hội cho các Viện nghiên cứu của Việt Nam và không bị bỏ lỡ nhiều nguồn lực tốt của xã hội. Chúng ta vốn dĩ không là người vĩ đại, những chúng ta trở nên vĩ đại bởi vì được làm việc vĩ đại. Viettel mong muốn được làm việc đó”- TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ chân thành.

Rất đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thẳng thắn: các Sở KH&CN chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực từ xã hội cho KH&CN. Bộ trưởng cũng gợi ý, các Sở KH&CN nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm nguồn vốn cho KH&CN, bài toán vốn rất đau đầu của nhiều địa phương.

Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, từ những chia sẻ giản dị nhưng rất hữu ích của Tập đoàn Viettel có những gợi mở rất hữu ích cho những người làm công tác quản lý khoa học. Bộ trưởng khẳng định, với vai trò dẫn dắt của một tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu, Viettel cũng như nhiều tập đoàn kinh tế khác đã và đang chú trọng đến hoạt động KH&CN là tín hiệu đáng mừng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học đi lên.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5917

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)