Tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) xuất hiện ngày càng phổ biến, với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi. Không ít đơn vị đầu tư chất xám để thiết kế, sản xuất và phát triển sản phẩm đã nhanh chóng bị làm giả. Thực thi quyền SHTT trở thành vấn đề cấp thiết đối với xã hội, tạo áp lực cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm quyền, việc xác định chứng cứ làm cơ sở kết luận luôn là việc khó khăn đối với các cơ quan thực thi. Hầu hết các vụ việc được cơ quan thực thi trưng cầu giám định từ cá nhân, tổ chức giám định hoặc yêu cầu cung cấp ý kiến chuyên môn từ cơ quan xác lập quyền SHCN. Nhưng hiện nay, cả nước chỉ có một tổ chức giám định SHTT là Viện Khoa học SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), khó có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định đa dạng của các cơ quan thực thi và các chủ thể quyền. Chính vì vậy mà một số nội dung giám định chưa thể thực hiện được, như việc giám định lại khi các chủ thể có liên quan không đồng ý với kết luận giám định. Người yêu cầu giám định lại khó có thể yêu cầu tổ chức khác, giám định viên khác tiến hành việc giám định lại theo đúng quy định của pháp luật. Việc chỉ có một tổ chức duy nhất giám định đã cản trở người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định thực hiện quyền xem xét lại kết quả giám định. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay lĩnh vực giám định mới chỉ giới hạn ở bốn nội dung là: xác định tình trạng pháp lý, khả năng bảo hộ đối tượng và phạm vi quyền SHTT được bảo hộ; xác định các chứng cứ để tính mức độ thiệt hại; Xác định yếu tố xâm phạm quyền, sản phẩm/dịch vụ xâm phạm; xác định khả năng chứng minh tư cách chủ thể quyền, chứng minh xâm phạm… Nhưng trên thực tế, nhu cầu xã hội về giám định nhãn hiệu có rất nhiều lĩnh vực như là cần giám định đánh giá khả năng tự do sử dụng với tư cách là nhãn hiệu của một dấu hiệu cụ thể; đánh giá sự thỏa đáng của một quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ… Bởi vậy, chung quanh việc giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật về SHCN còn có hoạt động cung cấp ý kiến chuyên môn, tương tự như các nội dung giám định. Mặt khác, hiện nay năng lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế, chưa đủ khả năng chuyên môn để đưa ra các kết luận đánh giá vụ việc xâm phạm. Chính vì vậy kết luận giám định, ý kiến chuyên môn được xem là căn cứ pháp lý để đưa ra kết luận vụ việc có vi phạm hay không. Một số trường hợp khi xảy ra tranh chấp, chủ thể quyền cung cấp kết luận giám định, cơ quan thực thi đưa ra kết luận chuyên môn có ý kiến trái ngược nhau về vụ việc xâm phạm cũng khiến cơ quan thực thi khó đưa ra quyết định cuối cùng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định, theo Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng, cần nhanh chóng phát triển mạng lưới các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ giám định. Việc có từ hai tổ chức giám định trở lên sẽ giúp chủ thể quyền, những bên liên quan có cơ hội lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, được yêu cầu giám định lại, qua đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình xử lý xâm phạm và các tranh chấp. Có giải pháp nâng số lượng giám định viên, tạo cơ chế để họ có thể tiến hành hoạt động giám định độc lập, theo vụ việc. Ngoài ra, cần mở rộng nội dung giám định để bất kỳ cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm ý kiến chuyên môn liên quan đến nhãn hiệu có thể được thỏa mãn. Cần hoàn thiện nhiều nội dung trong Luật SHTT nhằm phục vụ việc giám định nhãn hiệu như: Các quy định về xác định phạm vi bảo hộ nhãn hiệu; xác định yếu tố loại trừ; xác định hình thức sử dụng nhãn hiệu… Việc ban hành đồng bộ, thống nhất các nội dung liên quan SHTT đến hoạt động giám định nhãn hiệu, công nhận kết quả giám định giữa các luật sẽ giúp hoạt động của các giám định viên được chuyên nghiệp hơn, dễ dàng hơn trong quá trình giải quyết các tranh chấp.
Trong bối cảnh tài sản trí tuệ đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong giá trị tài sản của cá nhân, tổ chức thì việc bảo vệ tài sản trí tuệ càng trở nên cấp thiết. Trong đó, nhãn hiệu là đối tượng SHTT dễ bị xâm phạm nhất, cho nên nhu cầu được bảo vệ đối với nhãn hiệu ngày càng cao của xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định nhãn hiệu sẽ góp phần tạo điều kiện hỗ trợ các bên có liên quan xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh.
(Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/32613802-xu-ly-kip-thoi-cac-hanh-vi-xam-pham-nhan-hieu.html)