Chủ nhật, 23/04/2017 11:08 GMT+7

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế về Luật Chuyển giao công nghệ

Chiều 21/4, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội do đồng chí Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bộ Y tế về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) và góp ý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).


Toàn cảnh buổi làm việc tại Bộ Y tế


Trong thời gian vừa qua, ngành y tế đã ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất của nhân loại, góp phần quan trọng vào việc phát triển KH&CN ngành y tế, đưa nền y học Việt Nam được thế giới đánh giá đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới như công nghệ ghép tạng, các kỹ thuật chuyên sâu lâm sàng, công nghệ sản xuất vắc xin….

Trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người đã nghiên cứu sản xuất vắc xin đảm bảo cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng 11/12 loại vắc xin, xuất khẩu 4 vắc xin với 4,7 triệu liều sang 10 nước. Việt Nam là một trong số 39 nước trên thế giới (trên 200 nước) có nền công nghệ sản xuất vắc xin và là một trong 25 nước cung cấp 90% sản lượng vắc xin toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các công nghệ, kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị trên thế giới đã được các nhà khoa học y tế làm chủ, phát triển với 3291 quy trình kỹ thuật thuộc 24 chuyên khoa được xây dựng. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, mời báo cáo và trình diễn tại các hội nghị chuyên ngành lớn.

Ngoài ra, trong thời gian qua, ngành y đã làm chủ được công nghệ sinh học phân tử mới đã được nghiên cứu ứng dụng xây dựng các quy trình giúp chuẩn đoán nhanh, kịp thời, chính xác tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm trong giai đoạn vừa qua như: Dịch Sars, Cúm A/H5N1, Cúm A/H1N1, Tay - chân- miệng, Viêm não mô cầu, Nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Rubella,… Ứng dụng công nghệ từ nghiên cứu đến chế tạo đã góp phần chế tạo, sản xuất và cung cấp đủ cho thị trường trong nước về vật tư tiêu hao thiết yếu như găng y tế, khẩu trang, bông băng cồn gạc,… Bước đầu tiếp cận, làm chủ một số công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X- quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa.

Đặc biệt, với các nghiên cứu về phát triển thuốc từ dược liệu đã đạt được kết quả, từ nghiên cứu tạo giống, đến sản xuất nguyên liệu và tạo giá trị kinh tế bước đầu với triển vọng lớn. Tiêu biểu như doanh thu sản phẩm Kim tiền thảo năm 2015 đạt 80 tỷ; Dầu Khuynh diệp năm 2015 đạt 130 tỷ; Công ty Traphaco sản xuất sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não, Boganic doanh thu đạt 200 tỷ/sản phẩm/năm; Doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu năm 2012 là 3.500 tỷ đồng, năm 2015 đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao kết quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế cần phải sắp xếp hoàn thiện và ổn định hệ thống tổ chức KH&CN theo hướng chuyên ngành, lĩnh vực (y học cơ sở, chuẩn đoán, điều trị,…) và theo hướng đa ngành (chiến lược và chính sách y tế, dân số và sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm…) để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm của ngành y tế.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển các viện, hình thành một số trung tâm nghiên cứu và chuẩn đoán kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: chuẩn đoán và điều trị, vắc xin và sinh phẩm, tế bào gốc,… gắn với các phòng thí nghiệm chuyên ngành, có liên kết với các tổ chức KH&CN tiên tiến nước ngoài.

Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ cần xác định đúng, trúng công nghệ được chuyển giao trên cơ sở bám sát thực tế yêu cầu của chiến lược phát triển ngành, trình độ nhân lực, hạ tầng. Đối với các nhiệm vụ KH&CN bắt buộc phải có sản phẩm là công nghệ mới và địa chỉ ứng dụng cụ thể, đáp ứng kịp thời các yêu cầu liên quan tới sự bùng phát của các dịch bệnh và mô hình bệnh tật mới.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất một số công nghệ khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam gồm: Công nghệ sản xuất vắc xin; Công nghệ bào chế dược; Công nghệ chế tạo thiết bị y tế; Công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu; khai thác và sản xuất sản phẩm từ dược liệu có giá trị kinh tế cao; Công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ chuẩn đoán và điều trị bệnh. Công nghệ từ Việt Nam chuyển giao ra nước ngoài gồm: Vắc xin phòng bệnh cho người; Chế phẩm, thuốc, thực phẩm từ dược liệu; Công nghệ, kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị bệnh.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả mà ngành y đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao và thực hiện thành công ghép tim từ người cho chết não, thực hiện thành công ca ghép khối thận – tụy, ghép phổi, ghép tạng,…

Đây là ngành mang tính đặc thù và rất quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, doanh nghiệp,… Luật Chuyển giao công nghệ sẽ có bước chuyển biến tích cực nhất, đánh dấu 1 bước ngoặt trong phát triển KH&CN đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5138

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)