Thứ sáu, 05/05/2017 11:20 GMT+7

Phát triển KH&CN dựa trên lợi thế của Vùng

Ngày 4/5/2017, tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Khoa học và công nghệ trong nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên”.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ KH&CN có: đồng chí Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ KH&CN; cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm có liên quan. Về phía tỉnh Lâm Đồng có: đồng chí Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Đức Phong - Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng; các Sở, ban, ngành trong tỉnh. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo một số địa phương; lãnh đạo, chuyên viên của 12 Sở KH&CN thuộc vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên và nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu  trong Vùng.

Khẳng định vai trò của KH&CN

Hội thảo đã tập trung trao đổi một số vấn đề trọng tâm như: Tiềm năng, lợi thế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong sản xuất các sản phẩm chủ lực; Tiến bộ kỹ thuật góp phần thúc đẩy năng suất, nâng cao chất lượng, giá trị một số cây trồng chính và phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Vai trò của doanh nghiệp trong ứng dụng KH&CN và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất các sản phẩm chủ lực của các địa phương, của Vùng;…

 


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo


Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Khánh nhận định, năm 2017 là năm bản lề để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức khó khăn, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng vào đẩy mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên gia tăng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động gia tăng ứng dụng các thành tựu về KH&CN và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 của BCH Trung ương Khóa XII; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 và Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ.

Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên với nhiều lợi thế có thể ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến lợi thế về cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ KH&CN thì Việt Nam là quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới về hồ tiêu, đây là cây trồng quan trọng của vùng Tây Nguyên. Năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu của Tây Nguyên đạt 10.232.6 tỷ đồng. Diện tích hồ tiêu của toàn vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt 34,01 nghìn ha, chiếm 51,92 % diện tích hồ tiêu của cả nước, năng suất trung bình của vùng đạt 30,67 tạ/ha (cao hơn 19,02% năng suất bình quân của cả nước).

Nếu như Tây Nguyên là thủ phủ của cà phê thì Duyên hải Nam Trung bộ là nơi sản phẩm mía và sắn là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn về giá trị kinh tế, vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp mía đường, tinh bột sắn. Với việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào các khâu từ trồng trọt và thu hoạch, bảo quản và sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những sản phẩm trong Vùng.

Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng nhận định, trong thời gian qua KH&CN thực sự đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung. KH&CN đóng góp trong hầu hết các mặt đời sống, xã hội. Nhờ có KH&CN mà sản xuất nông nghiệp đã mang lại năng suất, chất lượng cao giúp cho  một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đứng trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu. Xác định được vai trò ngày càng quan trọng của KH&CN, Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã dành sự quan tâm đúng mức cho KH&CN, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ông Trần Ngọc Liêm cũng cho rằng, hội nghị khoa học đã tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi những thành công cũng như những khó khăn, hạn chế trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, từ đó rút ra những giải pháp đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới.

Phát triển dựa trên lợi thế của vùng

Mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng trong các sản xuất trọng điểm, chủ lực trong vùng, song việc sản xuất nhiều sản phẩm vẫn có năng suất chưa cao, chất lượng chưa tốt,…điều này đang đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế trong Vùng.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, hội thảo là cơ hội tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trong vùng tham gia vào việc hóa giải các thách thức đang gặp phải, đồng thời phát huy được các lợi thế trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của Vùng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, hoạt động KH&CN trong vùng thời gian qua đã có nhiều kết quả ấn tượng, KH&CN đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội trong toàn vùng nhưng hoạt động này chưa nhận được sự quan tâm thực sự nên chưa phát huy hết tiềm năng. Hoạt động KH&CN còng gặp nhiều khó khăn, đó là công nghệ phụ trợ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao còn ít, đa số còn phải nhập khẩu nên dẫn đến giá thành sản phẩm nông nghiệp cao, cơ hội mở rộng thị trường chưa thuận lợi.

Do đó, một số giải pháp được các đại biểu đưa ra là quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô đủ lớn, có khả năng cơ giới hóa ở nhiều khâu để giảm áp lực lao động sống, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế; Khai thác tiềm năng của vùng, địa phương, tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương; Tăng cường nghiên cứu và lựa chọn bộ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện từng vùng; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất chế biến nông sản, đặc biệt là đầu tư vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị sản phẩm.

TS. Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng Viên Kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên cho rằng, cần  nâng cao năng suất các sản phẩm chủ lực trong Vùng. Một trong các giải pháp quan trọng là sản xuất theo chuỗi, tăng cường sự liên kết 4 nhà. Muốn phát triển giá trị cần xem chuỗi sản xuất và người nông dân là tác nhân chính và sau đó là các doanh nghiệp hỗ trợ trong cung cấp đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Các nhà khoa học đưa các kết quả nghiên cứu mới nhất, hiệu quả nhất vào sản xuất; nhà nước quản lý chung về chất lượng đầu vào cho các sản phẩm.

\Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông khẳng định, đây là hội thảo có ý nghĩa đối với nông dân trong Vùng. Trong nhiều lĩnh vực sản xuất, sau khi áp dụng KH&CN thì năng suất tăng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tỉnh Đắc Nông còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc như: chưa liên kết được người nông dân với thị trường; Phát triển nông nghiệp còn chưa chú trọng đến thị trường, chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia; Tỉnh Đắc Nông cũng như Vùng Duyên hải Nam Trung bộ còn rất thiếu các nhà tư vấn cho sản phẩm của nông dân. Giải pháp ông Trương Thanh Tùng đưa là tăng cường áp dụng KH&CN để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Cần chú trọng, cân nhắc trong công tác truyền thông để góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp trong vùng.
 


Các đại biểu thăm một sản phẩm nghiên cứu khoa học được trưng bày tại hội thảo


Nhằm phát triển mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động KH&CN của Vùng trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh một số giải pháp:

Thứ nhất, trong thời gian tới mỗi vùng cần chọn sản phẩm chủ lực để sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào tới đầu ra tăng cường ứng dụng công nghệ cao. Thứ hai, khi triển khai chuỗi sản xuất này cần phải có sự liên kết của cơ quan quản lý; các nhà khoa học, trường đại học; các doanh nghiệp và người nông dân. Xây dựng một nhiệm vụ KH&CN giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu đến khi thương mại hóa sản phẩm. Thứ ba, các địa phương cần chú ý đến việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì rất khó phát triển tốt các sản phẩm chủ lực. Thứ tư, Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên tập trung phát triển kinh tế biển, cây trồng, vật nuôi. Tập trung ứng dụng KH&CN vào khâu bảo quản, chế biến để hạn chế thấp nhất thất thoát sau thu hoạch của sản phẩm nông nghiệp./.                  

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4004

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)