Tới dự Chương trình tiếp nhận, giới thiệu và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước hồ bằng bột Bakture và hoạt động triển khai ứng dụng xử lý ô nhiễm trên thực địa có: Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Bích; Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (LHCHKH&KT) Việt Nam TSKH. Nghiêm Vũ Khải; Chủ tịch LHCHKH&KT Hải Phòng TS. Hoàng Văn Kể; đại diện các Sở, ban ngành địa phương. Về phía tổ chức Nhật Bản có ông Amano Takeshi - Giám đốc điều hành Tổ chức Carbon thấp Nhật Bản (JLCO), Tổng giám đốc Tập đoàn Seibu Steel và ông Sugiyama Kouta - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ES (Công ty Sản xuất chế phẩm Bakture) cùng các nhà khoa học chuyên ngành công nghệ môi trường cả hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại chương trình tiếp nhận và triển khai bột Bakture
Tại buổi tiếp nhận, giới thiệu, triển khai ứng dụng, đại diện Tổ chức JLCO cho biết, sản phẩm Bakture đã được nghiên cứu, cấp bằng sáng chế và sản xuất tại Nhật Bản, được UNIDO (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc) công nhận về công dụng làm sạch môi trường (bao gồm nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm do tù đọng) thông qua cơ chế kích thích vi sinh vật có sẵn tại chỗ nhằm thanh lọc môi trường bằng cơ chế vòng tuần hoàn sinh thái tự nhiên. Bakture là các sản phẩm chỉ sử dụng nguyên liệu thiên nhiên chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp dựa trên kỹ thuật riêng biệt có tác dụng thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường tự nhiên thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại… bởi các sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường.
Ông Sugiyama Kouta - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ES cũng cung cấp thông tin, hình ảnh, chế phẩm Bakucha đã được thử nghiệm thành công tại 300 điểm ô nhiễm trên khắp nước Nhật Bản cũng như tại một số quốc gia: Indonesia, Lào, Thái Lan…
Các đại biểu tham dự đã có nhiều câu hỏi tập trung vào cơ chế hoạt động của công nghệ, chi phí, khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Theo đại diện của JLCO, tùy mức độ ô nhiễm và quy mô khu vực cần xử lý, chuyên gia của JLCO sẽ khảo sát và tính toán để có được công thức, nồng độ, đảm bảo hiệu quả xử lý tối đa và chi phí phù hợp.
Trong khuôn khổ chương trình giới thiệu công nghệ, Ông Sugiyama Kouta đã trình diễn thí nghiệm xử lý nước ô nhiễm lấy từ hồ Ông Báo (quận Lê Chân) và hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An) Hải Phòng. Kết quả thí nghiệm cho thấy, chỉ 15 phút sau khi sử dụng bột Bakture hòa vào mẫu nước, mức độ ô nhiễm mùi của hai mẫu nước đã giảm đáng kể.
Mẫu nước được lấy từ Hồ Ông Báo (quận Lê Chân) và hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An)
Ông Sugiyama Kouta đo nồng độ mùi trong nước ô nhiễm lấy từ hồ Ông Báo (quận Lê Chân) và hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An) Hải Phòng
Phát biểu tại chương trình tiếp nhận và triển khai công nghệ, phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Bích gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TSKH. Nghiêm Vũ Khải đã kết nối thành công với các chuyên gia Nhật Bản để đưa công nghệ xử lý ô nhiễm nước bằng bột Bakture về Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, cũng như mong muốn TS. Khải tiếp tục là cầu nối giữa các nhà khoa học hai nước. Đồng chí Nguyễn Đình Bích cảm ơn đoàn chuyên gia Nhật Bản đã giành tình cảm tốt đẹp cho nhân dân Hải Phòng thông qua hoạt động tài trợ xử lý nước tại hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục tăng cường hợp tác, đánh giá chính xác hiệu quả ứng dụng của bột Bakture và sớm báo cáo hiệu quả môi trường, công nghệ, chi phí để thành phố có hướng hợp tác tiếp theo.
Cuối giờ sáng và đầu giờ chiều cùng ngày, các chuyên gia môi trường Nhật Bản đã trực tiếp triển khai sử dụng chế phẩm Bakture để xử lý nước ô nhiễm trên thực địa hồ Hạnh Phúc (quận Kiến An) TP. Hải Phòng.
Một số hình ảnh:
Ông Amano Takeshi - Giám đốc điều hành Tổ chức Carbon thấp Nhật Bản (JLCO) phát biểu triển khai dự án tại hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An.
400 kg bột Bakture đã được các chuyên gia môi trường Nhật Bản sử dụng để xử lý nước hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng trong ngày 17/5
Ông Amano Takeshi tiến hành pha chế bột Bakture
Chuyên gia môi trường Nhật Bản phun Bakture xử lý nước hồ Hạnh Phúc