Thứ tư, 07/06/2017 20:43 GMT+7

Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tổ chức Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến năm 2017 vào ngày 10/6/2017 tại Hà Nội (nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống thi đua yêu nước 11/6/1948 - 11/6/2017). Lễ tuyên dương sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 08h30 sáng. Bộ Khoa học và Công nghệ có 03 cá nhân điển hình đại diện cho các lĩnh vực (Quản lý điều hành, nghiên cứu và xây dựng nông thôn mới) được Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ lựa chọn, giới thiệu tham dự Lễ tuyên dương.

Năm 2017, Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ KH&CN đã lựa chọn 02/10 tập thể (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Phân tích - Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) và 03/10 cá nhân (Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ông Phan Phước Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng Vận hành máy Cobalt-60, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Ông Tạ Quang Tưởng, Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng) giới thiệu lên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tuyên truyền, nhân rộng.

 

03 cá nhân được cử tham dự Lễ tuyên dương điển hình toàn quốc năm 2017 bao gồm:

1. Ông Nguyễn Hoàng Linh, sinh năm 1979, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

          Xuất sắc trong công tác quản lý và nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, được triển khai áp dụng trong toàn ngành:

- Tham mưu, xây dựng hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định 132 và các văn bản hướng dẫn liên quan đưa Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào cuộc sống, tiếp cận với cách thức Quản lý chất lượng theo thông lệ quốc tế. Hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá là nền tảng cho việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giảm thiểu tối đa những gian lận thương mại liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Tích cực chỉ đạo xây dựng và đề xuất các biện pháp quản lý chất lượng đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổ chức triển khai hoạt động Đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng đối với nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Tích cực, chủ động tham mưu, điều hành giải quyết các vướng mắc, vấn đề bức xúc của xã hội như: Xăng dầu, cháy nổ, Mũ bảo hiểm, nội địa hóa ô tô, tranh chấp về chất lượng, công nhận, kinh doanh có điều kiện, nhiên liệu sinh học, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, dầu DO 0,25%, thép nhập khẩu, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về quản lý chất lượng phân bón, thép, mũ bảo hiểm, hoạt động Đánh giá sự phù hợp, về Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam...

- Trực tiếp tham gia đóng góp vào các nhiệm vụ của Tổ chức quốc tế như tham gia hoạt động của Ủy ban Đánh giá sự phù hợp của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; Nhóm công tác về Tiêu chuẩn và chất lượng của ASEAN; Chỉ  đạo tổ chức thành công APEC/SCSC1 tại Hà Nội triển khai các hoạt động chuyên môn của APEC về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp.

          2. Ông Phan Phước Thắng sinh năm 1984, Phó Trưởng phòng, Phòng Vận hành máy Cobalt-60, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

          Có nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học được áp dụng và có hiệu quả:

- Đã chủ động nghiên cứu thiết kế chu trình thời gian tối ưu cho hệ đảo hàng và thiết kế, chế tạo cơ khí chi tiết và hệ thống đảo hàng cho máy chiếu xạ công nghiệp nguồn cobalt – 60, đáp ứng tính năng an toàn và đạt chuẩn quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), hệ thống và các chi tiết này trước vẫn phải nhập khẩu.Đây là một sáng kiến  lớn, tăng hiệu suất sử dụng nguồn; tăng độ bền, do đó làm tăng tuổi thọ thiết bị; giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Thiết kế, chế tạo hệ điều khiển và các hệ cơ khí cho toàn bộ một xưởng chiếu xạ công nghiệp; cải tiến Hệ điều khiển cho phù hợp với công nghệ máy tính thế hệ mới, nâng cao khả năng tự động hoá cho dây chuyền chiếu xạ. Có khả năng thay thế dễ dàng; Thiết kế nâng cấp phần mềm hệ thống điều khiển, có tính năng “mở”; Hệ thống nạp và dỡ hàng được thiết kế tự động, giúp giảm sức lao động của người làm việc, đồng thời tăng năng suất lao động.

- Được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cử tham gia Nhiệm vụ Nghị định thư và được cử sang giúp Cuba thiết kế, cải tiến, chế tạo và lắp đặt dây chuyền công nghệ chiếu xạ trong điều kiện của phía bạn có nhiều khó khăn; Quá trình vận hành thử đạt kết quả tốt và được phía bạn đánh giá cao.

- Năm 2016 đã trực tiếp hướng dẫn 3 thực tập sinh khoa học nước ngoài (1 người Sri Lanka và 2 người Philippin) sang thực tập tại Việt Nam.

3. Ông Tạ Quang Tưởng sinh năm 1984, Phó Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng.

          Đã triển khai áp dụng khoa học trong xây dựng nông thôn mới:

- Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đã tham gia chuyển giao 12 quy trình kỹ thuật, tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt cán bộ, nông dân tại các địa phương; đã xây dựng được 60 ha mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, tạo ra những sản phẩm có giá trị vượt trội, được người dân và các cấp chính quyền địa phương đánh giá cao.

- Hoàn thiện quy hoạch nông thôn mới cho các địa phương Lai Châu, Điện Biên. Ngoài ra còn tham gia vào việc quy hoạch phát triển kinh tế, KH&CN, quy trình đánh giá tiềm lực KH&CN cho các địa phương.

- Hệ thống hóa được các cây nông lâm nghiệp cho vùng đất cát ven biển góp phần phát triển kinh tế cho các hộ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

- Tham gia khảo nghiệm và đã xác định được 02 giống khoai lang, 04 giống khoai môn có triển vọng tại vùng đất bãi ven sông Hồng, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và đặc biệt hệ thống được các cây nông lâm nghiệp cho vùng đất cát ven biển góp phần phát triển kinh tế cho các hộ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.

- Đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm Khoai môn, Bơ tại các địa phương nghiên cứu; Xây dựng và cung cấp giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả cho các mô hình trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

- Tham gia biên soạn 07 cuốn cẩm nang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng nông thôn miền núi. Đã tham gia và là tác giả của 03 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.

- Xây dựng thành công mô hình liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong chăn nuôi bò sinh sản tại vùng Bắc Trung Bộ. Đây là mô hình mới được xây dựng năm 2016, trong đó thông qua nghiên cứu Nhà nước hỗ trợ kinh phí 7 con bò, các hộ dân tham gia đối ứng 16 con bò, doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm, Viện tham gia nghiên cứu chế độ khẩu phần ăn, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật lai cải tạo đàn bò địa phương bằng các giống ngoại nhập. Đến nay mô hình đã phát triển thành 28 con bò. Bước đầu cho thấy mô hình liên kết trong chăn nuôi bò tại Bắc Trung Bộ cần được khuyến khích nhân rộng góp phần cải tạo đàn bò tại địa phương và nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

 

Nguồn: Vụ Thi đua - Khen thưởng

Lượt xem: 2742

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)