Thứ tư, 14/06/2017 16:19 GMT+7

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động chuyển giao công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ (Luật CGCN) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, chúng ta khi đó vẫn xếp vào hàng những nước nghèo. Thời gian qua, Luật CGCN đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, một số ngành, lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa và vật liệu mới đã tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước.

 

Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động ứng dụng, CGCN

 

Vấn đề thực tiễn đặt ra
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật CGCN, đến nay, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Luật CGCN sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Thứ nhất, về phát triển thị trường KH&CN, có một số quy định qua thực tế thi hành bộc lộ những hạn chế, một số vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập chưa được giải quyết như quy định về phát triển thị trường công nghệ chưa bao trùm được đầy đủ các vấn đề của thị trường công nghệ gồm tổ chức trung gian, nguồn cung công nghệ, nguồn cầu công nghệ. Đối với phát triển nguồn cung nguồn cầu công nghệ, thiếu các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hiệu quả từ nhà nước. Thứ hai, về cơ chế phối hợp trong quá trình xem xét, quyết định đầu tư, vấn đề công nghệ chưa được coi trọng đúng mức, nội dung công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư phần lớn rất sơ sài, không đủ cơ sở để xem xét, đánh giá. Thêm vào đó, Luật Đầu tư hiện nay chỉ quy định có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Do vậy, cơ quan quản lý không nắm được luồng công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam ngay từ khâu đầu vào. Thứ ba, đối với công tác quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, thực tế cho thấy chúng ta cần có những điều chỉnh nhất định trong chính sách quản lý của nhà nước. Đây là một thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát thực trạng công nghệ, đặc biệt công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường, phát triển bền vững. Với cách quản lý như  hiện nay, chúng ta thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng môi trường đầu tư thông thoáng, du nhập công nghệ lạc hậu, gây tác động tiêu cực đối với môi trường buộc chúng ta phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý công nghệ, CGCN, đặc biệt là đối với CGCN từ các Công ty ở nước ngoài cho Công ty con ở Việt Nam. Việc nâng giá trị CGCN lên vượt quá giá trị thực hoặc lập hợp đồng CGCN nhưng thực tế không có chuyển giao công nghệ để hợp thức hóa các chi phí, nhằm giảm lợi nhuận thu được, gây thất thu thuế cho nhà nước. Thứ tư, về thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, vấn đề này chưa được quy định cụ thể, đồng bộ, một số quy định về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước trong Luật CGCN không còn phù hợp với Luật KH&CN. Thứ năm, sự ra đời của các đạo luật có liên quan (Luật KH&CN năm 2013; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2014; Luật Thống kê 2015;...) đã khiến một số quy định của Luật CGCN 2006 không còn phù hợp; cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các chế định liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của văn bản.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cùng với những hạn chế, bất cập của Luật CGCN trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

 

Nội dung tập trung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật

Dự thảo Luật CGCN sửa đổi với 6 Chương 63 Điều đã sửa đổi về căn bản những vấn đề hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật CGCN. 

Để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Dự thảo Luật được bổ sung 1 Chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó bổ sung thêm loại dự án phải thẩm định công nghệ khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đó là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mà có sử dụng công nghệ. Dự thảo Luật quy định ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

Về phát triển thị trường KH&CN, dự thảo Luật đã quy định theo hướng tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó các tổ chức trung gian được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quan tâm, được tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ cũng như nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ để thực hiện có hiệu quả vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ, tạo giải pháp đồng bộ cho từng bộ phận cấu thành nên thị trường KH&CN.  

Một vấn đề rất đáng quan tâm là làm thế nào để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, về vấn đề này, dự thảo Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

Đối với việc hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư cho hạ tầng hoạt động giải mã công nghệ là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các tổ chức tín dụng; Nhà nước hỗ trợ kinh phí CGCN giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư; sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng và nhận đối ứng vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN; cho phép sử dụng kết quả KH&CN, công nghệ và đối tượng sở hữu công nghiệp làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho dự án KH&CN, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về vấn đề này theo hướng quy định một số đối tượng đặc thù cũng như phương thức, loại hình chuyển giao khác biệt so với phương thức chuyển giao công nghệ phổ biến trong sản xuất công nghiệp. Qua đó tạo điều kiện đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ nuôi, trồng, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại.

 

Thúc đẩy CGCN trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi)

 

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, dự thảo Luật bổ sung quy định về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia. Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý KH&CN, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ của dự án đầu tư từ quá trình xét chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư để góp phần ngăn chặn công nghệ lạc hậu, gây nguy hại đến sức khỏe con người và phát triển bền vững quốc gia; Đồng thời, trong dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về vấn đề  CGCN từ công ty mẹ sang công ty con và giữa các bên có quan hệ liên kết để hạn chế hiện tượng chuyển giá qua hoạt động CGCN gây thất thu ngân sách nhà nước.

Việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan quy định trong dự thảo Luật cho thấy đây là một nhiệm vụ không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN mà đòi hỏi các cơ quan có liên quan phải phối hợp chặt chẽ để tạo nên sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác quản lý hoạt động CGCN nhằm bảo đảm mục tiêu thu hút công nghệ, CGCN, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước./.

 

Nguồn: Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ

Lượt xem: 2765

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)