Thứ sáu, 23/06/2017 16:20 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo giống cà chua lai F1 phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh phía Bắc

Cà chua là cây rau ăn quả có tên khoa học (Lycopercicum esculentum Mill), là cây rau ăn quả được xếp vị trí hàng đầu trong các nhóm rau trên thế giới và có giá trị dinh dưỡng khá cao. Ở Việt Nam, cà chua là cây rau ăn quả được trồng và tiêu thụ phổ biến trong cả nước. Trong đó, các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và khu vực Lâm Đồng là các vùng có diện tích sản xuất cà chua lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, diện tích sản xuất cà chua trong nước tăng rất chậm. Nguyên nhân chính do thiếu bộ giống trồng có năng suất cao, chất lượng tốt được chọn tạo trong nước, chủ động cung ứng cho sản xuất, đặc biệt là giống chịu nhiệt, trồng trong các thời vụ: Xuân Hè và Thu Đông. Các giống cà chua trồng hiện nay chiếm trên 80% là giống nhập từ nước ngoài, giá hạt giống rất cao, không chủ động cho các thời vụ nên ảnh hưởng rất lớn cho sản xuất. Để mở rộng diện tích và nâng cao hiệu quả sản xuất cà chua trong nước thì công tác nghiên cứu chọn tạo giống cà chua lai mới có năng suất cao, chất lượng  tốt, khả năng chống bệnh tốt chuyển giao cho sản xuất là yếu tố quyết định. Nhận thức được vấn đề trên, đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống cà chua lai F1 phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh phía Bắc” do nhóm nghiên cứu của TS. Đoàn Xuân Cảnh thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện giai đoạn 2011-2015, là một công trình khoa học đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất hiện nay.

 


Một số kết quả nổi bật của đề tài:

1. Đề tài đã thu thập, đánh giá trên 800 nguồn vật liệu khởi đầu và có kế thừa một số vật liệu từ giai đoạn trước. Tiến hành nghiên cứu phân lập dòng và chọn tạo được 105 dòng cà chua thuần mang nhiều tính trạng quý phục vụ cho nghiên cứu chọn tạo giống cà chua lai mới. Phân tích đa dạng di truyền 105 vật liệu chọn giống. Trong đó 26 mẫu giống nghiên cứu phân lập thành 5 nhóm có khoảng cách di truyền khác nhau và 79 mẫu giống phân lập thành 4 nhóm có khoảng cách di truyền khác nhau. Phân tích chỉ thị phân tử của 26 dòng cà chua thuần, xác định 4 dòng D10, D12, D13 và D15 mang gen kháng bệnh virus xoăn vàng lá Ty1. Nghiên cứu đánh giá KNKHC đã xác định 26 dòng cà chua thuần có KNKHC cao.

2. Trong 5 năm (2011-2015), đề tài đã lai tạo và đánh giá được 960 tổ hợp lai cà chua mới: Trong đó, có 179 tổ hợp lai cho cà chua trồng ngoài đồng và 220 tổ hợp lai cà chua trồng trong nhà lưới. Có 201 tổ hợp lai dạng quả nhỏ và 759 tổ hợp lai dạng quả to. Ở ngoài đồng ruộng, có 44 tổ hợp lai quả nhỏ đạt 40-50 tấn/ha và có 522 tổ hợp lai quả to năng suất đạt 40-80 tấn/ha. Trong nhà lưới: dạng quả to có 54 tổ hợp lai năng suất đạt 80-100 tấn/ha và 26 tổ hợp lai đạt 100-150 tấn/ha. Dạng quả nhỏ đạt năng suát 45-50 tấn/ha.

3. Đề tài đã chọn tạo thành công 7 giống cà chua lai mới trồng ngoài đồng. Trong đó: 3 giống công nhận sản xuất thử (VT5, VT10 và GL1-5) và 4 giống khảo nghiệm (VT4, HT156, DT-F1, VT8) Các giống cà chua lai tạo ra có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa: ăn tươi, nấu nướng và chế biến tốt. Giống tạo ra có khả năng chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn và virus xoăn vàng lá khá.

4. Đề tài chọn tạo và khả nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất 2 giống cà chua lai trồng trong nhà lưới là: Hoàng anh 1 và Quả cầu đỏ VC1.

5. Đề tài xây dựng được 7 quy trình kỹ thuật (4 quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống và 3 quy trình kỹ thuật thâm canh). Quy trình sản xuất hạt giống đạt năng suất hạt lai 50-60 kg/ha, chất lượng hạt giống tốt. Quy trình kỹ thuật thâm canh cho năng suất vượt so với quy trình cũ 13-15%.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12319/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3111

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)