Thứ tư, 28/06/2017 16:30 GMT+7

Nghiên cứu sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares)

Cá ngừ đại dương bao gồm cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây xanh (Thunnus albacares; Thunnus obesus; Thunnus thynnus; Thunnus Orientalis) là các loài cá có giá trị kinh tế cao, là đối tượng khai thác chính của một số nghề khai thác như câu vàng, lưới vây,... Tuy nhiên, do sự tăng nhanh của số lượng tàu khai thác, nên nguồn lợi cá ngừ đại dương đang có nguy cơ cạn kiệt.

 Hiện nay tại một số quốc gia đã phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương với qui mô công nghiệp. Theo ước tính của FAO, năm 2004 sản lượng cá ngừ nuôi trên thế giới đã đạt 25.000 tấn. Một số nước đi đầu trong công nghệ nuôi cá ngừ đại dương phải kể đến như Nhật Bản, Úc, Croatia,... Trong đó, riêng sản lượng cá ngừ vây xanh nuôi của Nhật Bản là 8.000 tấn (chiếm 21%) tổng sản lượng toàn cầu. Tại Úc, sản lượng cá ngừ nuôi đạt 9.245 tấn (chiếm 25% sản lượng toàn cầu), đạt giá trị 260 triệu USD (Government of South Australia, 2010). Hoạt động nuôi này đã góp phần làm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương của một số nước. Ngoài dòng cá ngừ vây xanh đang là đối tượng được chú trọng phát triển nuôi, cá ngừ vây vàng cũng đã và đang bắt đầu được đầu tư phát triển nuôi tại Úc, Panama, Inđônêxia....

 

 

Hiện vùng biển Việt Nam có 2 loài cá ngừ có giá trị kinh tế cao đã và đang được ngư dân khai thác đó là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, hay còn gọi là cá ngừ đại dương. Đây là hai loài cá ngừ có kích thước cá thể lớn (chiều dài lớn nhất có thể đạt tới 250 cm). Cá ngừ vây vàng có tốc độ lớn nhanh hơn cá ngừ mắt to, vòng đời cá ngừ vây vàng là 6 năm, vòng đời cá ngừ mắt to là 10 năm, khối lượng cực đại của hai loài này gần bằng nhau, đồng thời cá ngừ vây vàng là loài cá “nhiệt đới”, rất phù hợp để nuôi thương phẩm ở vùng biển miền Trung và Đông Nam bộ ở nước ta. Do đó, để có được các đặc điểm sinh học sinh sản đầy đủ về cá ngừ vây vàng nhằm phục vụ công tác thăm dò sinh sản cá ngừ vây vàng tại Việt Nam, xác định được tốc độ sinh trưởng, sức sinh sản tương đối, sức sinh sản tuyệt đối, hệ số thành thục sinh dục và giới tính của cá ngừ vây vàng trong điều kiện nuôi giữ và hiểu rõ các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục, tỷ lệ thành thục và xác định tuổi thành thục sinh dục lần đầu của cá ngừ vây vàng, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Quang Hùng, Viện Nghiên cứu hải sản, đứng đầu đã triển khai đề án: “Nghiên cứu sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares)” với các nội dung triển khai thực hiện bao gồm: Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của cá ngừ vây vàng trong điều kiện nuôi giữ trong lồng trên biển; Nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá ngừ vây vàng; Nghiên cứu thăm dò khả năng ương nuôi ấu trùng cá ngừ vây vàng; Nắm được đặc điểm sinh học sinh sản của cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares); Tạo được đàn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ và xác định các chỉ tiêu sinh sản: tỷ lệ thành thục, tỷ lệ đẻ, sức sinh sản trong điều kiện nuôi giữ trong lồng trên biển nhằm cung cấp đầy đủ về các chu kỳ sinh sản, sức sinh sản, phân loại các giai đoạn phát triển của tế bào trứng… trong điều kiện nuôi tại Vịnh Vân Phong –Khánh Hòa.

Qua gần 3 năm triển khai nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:

- Cá ngừ vây vàng giống sau khi khai thác tự nhiên ở vùng biển xa bờ, vận chuyển về nuôi trong vùng biển ven bờ tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa có khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau 27 tháng nuôi từ 7/2013 (trọng lượng trung bình 3,8 kg/con) đến tháng 9/2015 trọng lượng trung bình của cá đạt 48,1 kg/con, tốc độ tăng trưởng của cá dao động 0,9-2,2 kg/tháng, trung bình chung cả giai đoạn đạt 1,74 kg/tháng.

- Giai đoạn này, từ tháng 1/2015 (trung bình 33,6 kg/con) đến tháng 6/2015 trọng lượng trung bình cá đạt 42,5 kg/con, tốc độ sinh trưởng của cá giai đoạn này cũng khá nhanh, dao động từ 1,5 - 2,0 kg/tháng, trung bình 1,77 kg/tháng.

- Tốc độ sinh trưởng của cá ngừ vây vàng trong điều kiện nuôi thương phẩm trong lồng đạt trung bình chung khoảng 1,4 - 2,4 kg/tháng. Như vậy, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng khá phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên mục tiêu nghiên cứu của đề tài này là nghiên cứu đặc điểm sinh học theo hướng phục vụ sinh sản nhân tạo, vì vậy khẩu phần ăn, phương pháp và kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá cũng khác so với các nghiên cứu trước đây.

- Sau khoảng 18 tháng nuôi tỷ lệ sống của cá ngừ vây vàng trong điều kiện khai thác giống ở vùng biển xa bờ về nuôi lồng ở vùng ven biển vịnh Vân Phong, Khánh Hòa đạt trung bình chung là 76,5%. Trong đó, tỷ lệ sống của cá ở lồng nuôi số 01 đạt trung bình chung 75,2% và lồng số 02 đạt trung bình chung 77,9%. Trong khoảng 9 tháng nuôi đầu tiên (từ tháng 7/2013-3/2014), cá chết nhiều, tỷ lệ sống trung bình/tháng dao động khoảng 96,6 - 99,0%. Tuy nhiên, trong các tháng nuôi tiếp theo tỷ lệ sống của cá ngừ vây vàng rất cao. Nguyên nhân cá chết nhiều trong giai đoạn nuôi ban đầu có thể do cá giống được khai thác ngoài tự nhiên bằng lưới vây ở vùng biển xa bờ, vận chuyển về nuôi trong lồng ở vùng biển ven bờ vịnh Vân Phong, Khánh Hòa nên bị ảnh hưởng stress, môi trường sống cũng thay đổi và điều kiện nuôi nhốt trong lồng cũng sẽ ảnh hưởng đến tập tính, sự vận động di chuyển nhanh của cá. Ngoài ra, cá có hiện tượng chết không rõ nguyên nhân do đâm vào lưới, và thường chết vào ban đêm, sáng sớm lặn kiểm tra mới phát hiện được. Trong các tháng nuôi tiếp theo khi cá đã lớn, quen dần với thức ăn, điều kiện sống mới nuôi trong lồng và thích nghi dần với môi trường vùng biển ven bờ, nên cá hầu như không bị chết, tỷ lệ sống cao. Ngoài ra, đề tài cũng tham khảo và rút kinh nghiệm từ các nghiên cứu trước đây nên chế độ chăm sóc, quản lý đã được điều chỉnh cho phù hợp.

- Cá ngừ vây vàng thả nuôi trong bể xi măng (đường kính 17m, sâu 10m) với mật độ 0,64 kg/m3 chỉ đạt tỷ lệ sống là 7% sau 3,5 năm nuôi. Cá nuôi có tỷ lệ sống thấp có thể là do quá trình khai thác cá giống bằng câu tay, vận chuyển từ biển về nuôi trong bể, ngoài ra cá cũng bị chết nhiều do đâm vào thành bể và không thể giải thích được nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng trong lồng của Bùi Quang Mạnh (2015), sau 16 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt 58,8%. Katavic và ctv (2002), nghiên cứu nuôi cá ngừ vây xanh (Thunnus thynnus) trong lồng kích cỡ cá giống có chiều dài dao động từ 60-120 cm, thời gian nuôi 516 ngày, khẩu phần khoảng 5-10% khối lượng cá. Cá cũng có tỷ lệ chết cao trong thời gian đầu sau khi đánh bắt về và tỷ lệ sống của cá nuôi trung bình đạt khoảng 50%.

- Trong 6 tháng nuôi tiếp theo từ tháng nuôi thứ 18 - tháng nuôi thứ 23, tỷ lệ sống của cá ngừ vây vàng ở giai đoạn này khá cao, đạt trung bình chung cả 04 lồng là 91,3%. Trong đó, tỷ lệ sống của cá ở lồng nuôi số 01 đạt trung bình chung 93,5% và lồng số 02 đạt trung bình chung 90,9%, lồng nuôi số 03 đạt trung bình chung 89,2% và lồng số 04 đạt trung bình chung 91,7%.

- Sức sinh sản tuyệt đối của cá ngừ vây vàng dao động từ 3.300.000 - 5.800.000 trứng/cá thể, trung bình khoảng 4.820.000 trứng/cá thể. Trong đó, sức sinh sản tuyệt đối thấp nhất ở tháng 6/2015 (3.312.000 trứng/cá thể) và cao nhất vào tháng 9/2015 (5.850.000 trứng/cá thể). Sức sinh sản tương đối của cá ngừ vây vàng dao động từ 78 - 125 trứng/g, trung bình khoảng 106 trứng/g. Trong đó, sức sinh sản tương đối thấp nhất ở tháng 6/2015 (78 trứng/g) và cao nhất vào tháng 9/2015 (122 trứng/g). Sức sinh sản của cá ngừ vây vàng biến động theo thời gian, mức độ thành thục và kích thước, khối lượng của cá, trong đó sức sinh sản thấp nhất vào tháng 6/2015 và cao nhất vào tháng 9/2015.

- Trong giai đoạn nuôi lớn khoảng 12 tháng nuôi ban đầu (từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014), cá ngừ vây vàng tăng trưởng cả về kích thước, khối lượng. Tuyến sinh dục của cả cá ngừ vây vàng đực và cái phát triển chủ yếu ở giai đoạn I-II, chỉ là các dải nhỏ, vì vậy hệ số thành thục giai đoạn này rất thấp (dao động từ 0,001 đến 0,02); Giai đoạn nuôi vỗ tích cực (7/2014-12/2014): tuyến sinh dục của cá ngừ vây vàng bắt đầu phát triển nhanh dần đến giai đoạn II-III, tuyến sinh dục cũng tăng dần về khối lượng, hệ số thành thục sinh dục GSI của cá cái dao động từ 0,02 - 0,8, GSI của cá đực dao động từ 0,02 - 0,15.

- Giai đoạn nuôi vỗ thành thục (1/2015-6/2015) và đến giai đoạn cá chuẩn bị thành thục chín muồi sinh dục: tuyến sinh dục của cá ngừ vây vàng phát triển dần lên đến giai đoạn II - III - IV, tuyến sinh dục tăng nhanh về khối lượng, hệ số thành thục GSI của cá cái dao động từ 1,25 - 1,83, GSI của cá đực dao động từ 0,24-0,6; Hệ số thành thục GSI của cá ngừ vây vàng cái tăng dần từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015, trong đó hệ số thành thục cái cao nhất vào khoảng tháng 5/2015 và sau đó có xu hướng giảm dần đến 9-10/2015. Hệ số thành thục GSI của cá ngừ vây vàng đực có sự biến động, nhưng cũng tăng dần từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015, trong đó hệ số thành thục cái cao nhất vào khoảng tháng 5-7/2015 và sau đó cũng có xu hướng giảm dần đến 9/2015. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, cá ngừ vây vàng đực có độ chín muồi sinh dục cao và sớm hơn so với cá cái khoảng 2-3 tháng. Kết quả nghiên cứu về hệ số thành thục GSI, có thể dự đoán mùa vụ sinh sản của cá ngừ vây vàng trong điều kiện nuôi nhốt trong lồng khoảng tháng 5 - 9, 10. Mùa vụ sinh sản của cá ngừ vây vàng khác nhau phụ thuộc vào từng vùng biển, môi trường sống, thức ăn, chế độ chăm sóc, quản lý và điều kiện nuôi giữ khác nhau. Trong điều kiện nuôi nhốt trong lồng ở vùng ven biển, mùa vụ sinh sản tập trung của cá ngừ vây vàng từ tháng 7-9/2015, cá đẻ muộn hơn và ngắn hơn so với cá phân bố ngoài tự nhiên ở vùng biển xa bở Việt Nam (từ tháng 5-12). Cá ngừ vây vàng có tập tính sinh sản thụ tinh ngoài, khi cá đã thành thục sinh dục, quan sát tại các lồng nuôi trong mùa sinh sản: vào tầm buổi chiều tối thấy cá đực và cá cái có hiện tượng cặp đôi, vờn đuổi nhau xung quanh lồng phía tầng nước mặt vào những ngày có nhiệt độ nước tầng mặt dao động khoảng 26-28°C. Trong khoảng thời gian giữa các tháng âm lịch từ tháng 6-8 cá có hiện tượng cặp đôi nhiều.

Từ những kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng (Th. albacares) ở điều kiện nuôi nhốt trong lồng tại vùng biển ven bờ vịnh Vân Phong, Khánh Hòa, nhóm nghiên cứu rút ra những kết luận chủ yếu đó là:

- Điều kiện môi trường nước, khí hậu, hải văn tại vùng biển ven bờ vịnh Vân Phong, Khánh Hòa phù hợp cho việc nuôi lớn, nuôi vỗ tích cực và nuôi vỗ thành thục cá ngừ vây vàng.

- Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và thành thục sinh dục tốt là cơ sở khoa học cho hướng nghiên cứu tiếp theo phục vụ sản xuất giống.

- Tốc độ tăng trưởng trung bình chung dao động từ 0,9 - 2,2 kg/tháng, trung bình 1,7 kg/tháng. Giai đoạn cá < 20kg, tốc độ tăng trưởng 0,9 - 1,7 kg/tháng, trung bình 1,5 kg/tháng. Giai đoạn cá > 20kg, tốc độ tăng trưởng của cá lớn nhanh hơn (1,5 - 2,2 kg/tháng, trung bình 1,9 kg/tháng).

- Tỷ lệ sống của cá giai đoạn nuôi lớn và nuôi vỗ tích cực (7/2013 - 12/2014) dao động 75,2 - 77,9%, trung bình 76,5%. Tỷ lệ sống của cá giai đoạn nuôi vỗ thành thục (1/2015 - 6/2015) khá cao, dao động 89,2 - 93,5%, trung bình đạt 91,3%.

- Sức sinh sản tuyệt đối dao động từ 3.300.000 - 5.800.000 trứng/cá thể, trung bình 4.820.000 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối dao động từ 78 - 122 trứng/g, trung bình khoảng 106 trứng/g.

- Hệ số thành thục (GSI) của cá giai đoạn nuôi lớn ban đầu (7/2013-7/2014) khá thấp (0,001-0,02), giai đoạn nuôi vỗ tích cực (7/2014-12/2014: GSIcá cái 0,02 - 0,8, GSIcá đực 0,02 - 0,15), và giai đoạn nuôi vỗ thành thục (1/2015-6/2015: GSIcá cái 1,25 - 1,83,  GSI cá đực 0,24-0,6). Tỷ lệ đực/cái quần thể cá ngừ vây vàng = 1 : 1,2.

- Tuổi thành thục sinh dục lần đầu của cá ngừ vây vàng khoảng từ 2,5+ đến 3,0+ tuổi.

- Kích thước chiều dài thành thục lần đầu Lm50 dao động từ 100-130 cm, trung bình 104,5cm. Độ béo Fulton dao động 1,19 -1,73 % và độ béo Clark từ 1,10 - 1,56%.

- Cá ngừ vây vàng là loài thụ tinh ngoài, mùa vụ sinh sản rải rác từ tháng 5 - 12, tập trung từ tháng 7-9 hàng năm. Trong điều kiện nuôi nhốt trong lồng cá đẻ muộn hơn, mùa vụ sinh sản ngắn hơn so với ngoài tự nhiên. Khi chuẩn bị sinh sản cá có hiện tượng cặp đôi, đẻ vào tầm chiều tối, nhiệt độ nước tầng mặt khoảng 28-29oC.

Tuy nhiên, cá ngừ vây vàng là loài cá nổi lớn, sống ở vùng biển xa bờ, được vận chuyển về vùng biển ven bờ để nuôi lớn và nuôi vỗ tạo đàn cá bố mẹ thành thục sinh dục. Vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu và thử nghiệm sinh sản nhân tạo lần đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, các nước trong khu vực và thế giới đã nghiên cứu sinh học sinh sản từ khá sớm và bước đầu thành công trong sinh sản nhân tạo, tuy nhiên kết quả cũng còn rất hạn chế: chưa ổn định qui trình, tỷ lệ trứng thụ tinh, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống của ấu trùng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề nuôi biển.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12589-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4271

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)