Thứ năm, 31/08/2017 16:26 GMT+7

Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Chiều ngày 25/8/2017, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Tham gia buổi làm việc có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Cần Thơ, BS. CKII. Huỳnh Thảo Luật - Phó Giám đốc Bệnh viện và đại diện một số khoa, phòng của Bệnh viện. TS. Hoàng Anh Tuấn cũng đã tham quan hệ thống các trang thiết bị y học hạt nhân, xạ trị của Bệnh viện.

Tại buổi làm việc, BS. Huỳnh Thảo Luật - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành, quy mô, các trang thiết bị, các dịch vụ và dự án sắp tới của Bệnh viện.

 Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ được thành lập tháng 9/2007 với quy mô ban đầu 50 giường bệnh, đến nay bệnh viện đã có 350 giường. Bệnh viện được trang bị các thiết bị ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh như: máy chụp cắt lớp điện toán (CT), máy xạ trị áp sát suất liều cao (HDR) nguồn Ir-192, máy xạ trị nguồn colbalt 60 (do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế - IAEA tài trợ năm 2010 thông qua chương trình PACT), máy mô phỏng xạ trị… Tháng 02/2017, Bệnh viện thành lập Đơn vị y học hạt nhân được trang bị hệ thống máy xạ hình SPECT trị giá hơn 16 tỷ đồng. Bệnh viện đã áp dụng thành công các kỹ thuật xạ hình SPECT phát hiện ung thư tuyến giáp, chẩn đoán ung thư di căn xương, lập kế hoạch xạ trị dưới hướng dẫn CT… Hiện nay, Bệnh viện đang sử dụng một số loại dược chất phóng xạ được sản xuất từ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Đà Lạt phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị.

 

TS. Hoàng Anh Tuấn làm việc với Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

 

Dự án xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quy mô 500 giường bệnh sẽ được khởi công vào tháng 9/2017 (dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2019) với tổng mức đầu tư trên 70 triệu EUR, trong đó vốn ODA của Chính phủ Hungary là 57 triệu EUR và vốn đối ứng của Tp. Cần Thơ là 333 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Bệnh viện Ung bướu sẽ được trang bị hệ thống các thiết bị y học hạt nhân, xạ trị hiện đại như: máy xạ hình PET/CT, máy gia tốc cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ, máy gia tốc tuyến tính LINAC phục vụ xạ trị… BS. Huỳnh Thảo Luật cũng kiến nghị ngành y tế, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bác sỹ, kỹ sư của Bệnh viện.

Trao đổi tại buổi làm việc, TS. Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao những đóng góp của các cán bộ, bác sỹ, kỹ sư của Bệnh viện trong việc vận hành an toàn và khai thác hiệu quả các thiết bị ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị, trong đó có thiết bị xạ trị nguồn colbalt-60 do IAEA tài trợ. Cơ sở mới của Bệnh viện sau khi đi vào vận hành sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Tp. Cần Thơ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, góp phần thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Để khai thác hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được đầu tư cho Dự án, Bệnh viện cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bác sỹ, kỹ sư và đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở y học hạt nhân, xạ trị đầu ngành, trong đó có Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh./.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3165

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)