Toàn cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có ông Lê Bá Trình - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký các Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại diện Bộ KH&CN. Tiếp đoàn về phía tỉnh Gia Lai có bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, ông Nguyễn Thành Nuôi - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đến dự.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá vai trò của KH&CN như Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) đã nêu rõ KH&CN là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với tỉnh Gia Lai, KH&CN đã và đang thấm sâu vào công tác quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí tạo ra nhiều thành tựu.
Đoàn giám sát của Trung ương do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Gia Lai.
KH&CN đã tạo ra nhiều thành tựu
Dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, song có thể nói hoạt động KH&CN của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Nghị quyết TW 6 (khóa XI) được ban hành và Luật KH&CN có hiệu lực đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của Tỉnh phát triển, giữ gìn quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tỉnh.
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt triển khai thực hiện 65 nhiệm vụ với tổng kinh phí hơn 133 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 87 tỷ đồng, huy động nguồn khác là hơn 45,554 tỷ đồng). Riêng trong năm 2017 đã trình và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai 03 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi. UBND Tỉnh đã trình Bộ KH&CN 09 nhiệm vụ cấp Trung ương để xem xét, phê duyệt triển khai khai thực hiện trong năm 2018 (04 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn Miền núi; 04 nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020; 01 nhiệm vụ thuộc Chương trình quỹ gen.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã thấm sâu vào hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, giống cây trồng năng suất,có giá trị, hiệu quả kinh tế cao mang tính chủ lực và đặc thù của địa phương như cà phê, hồ tiêu. Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hương Đất An Phú (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) do ông Nguyễn Ngọc Hoàng làm chủ, sở hữu hơn 5ha đất chuyên sản xuất, phân phối rau, củ quả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận là doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, môt đơn vị xuất khẩu nông sản đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất chế biến cà phê tiên tiến để sản xuất và cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm cà phê và hồ tiêu hữu cơ có chất lượng cao, sản phẩm của Công ty đã vào được thị trương EU.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai để có những kết quả đó, tỉnh Gia Lai đã chủ động quy hoạch phát triển KH&CN với nhiều giải pháp cả về trước mắt và lâu dài như Đề án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xác lập quyền sở hữu công nghiệp...
Hàng năm, Tỉnh tổ chức tọa đàm, hội thảo về KH&CN nhằm tiếp tục biểu dương và tôn vinh những cá nhân đã có nhiều đóng góp đối với KH&CN của Tỉnh nhà; tuyên truyền, phố biến rộng rãi các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai. Tính đến nay, toàn Tỉnh có 10.894 người có trình độ đại học và cao đẳng trở lên; trong đó, có hơn 20 tiến sĩ, 769 thạc sỹ; 23 Chuyên khoa II và 323 Chuyên khoa I.
Xã hội hóa các nguồn lực để phát triển KH&CN
Đánh giá cao sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của tỉnh Gia Lai với việc kịp thời ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch cũng như sự quán triệt đôn đốc cán bộ, đảng viên nhằm chuyển biến trong nhận thức, hành động phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thời gian qua vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh, các nhiệm vụ triển khai vẫn dựa chủ yếu nhằm vào giải quyết các nhiệm vụ trước mắt, chưa tạo cơ sở hoặc định hướng để mở ra ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển của Tỉnh nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, muốn KH&CN thật sự trở thành nền tảng, động lực cho mục tiêu phát triển kinh tế thì cần phải có 06 yếu tố gồm thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN.
Ngoài những nguyên do vướng mắc về cơ chế mà Tỉnh đã kiến nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà tỉnh Gia Lai cần khắc phục. Đó là chiến lược phát triển KH&CN còn thiếu nhất quán, sự gắn kết và kế thừa với các nhiệm vụ khác để hướng tới các mục tiêu tổng thể mang tính đa mục tiêu chưa được hình thành, việc liên kết vùng còn lỏng lẻo, công tác chuyển giao công nghệ còn lúng túng, khó khăn, một số kết quả còn chậm ứng dụng vào thực tế. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để xã hội hóa các nguồn lực từ nhân lực đến vật lực. Mối liên kết giữa bốn nhà: Khoa học - Quản lý - Doanh nghiệp và Nhà sản xuất thiếu chặt chẽ trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội của Tỉnh. Nguồn nhân lực KH&CN đã phát triển nhưng còn thiếu và yếu, nhất là trên lĩnh vực công nghệ chế biến, công nghệ thông tin… Việc thu hút cán bộ KH&CN đến công tác, phục vụ lâu dài ở địa phương còn bất cập. Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút, đào tạo, động viên cán bộ KH&CN yên tâm công tác tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà cho biết những nguyên nhân trên có một phần từ sự chủ quan nhưng cũng mang rất nhiều yếu tố đặc thù của địa phương nên việc hướng dẫn, khuyến khích ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa có sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp một cách tích cực trong công tác nghiên cứu chuyển giao. Trình độ dân trí, trình độ sản xuất, trình độ công nghệ của Tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước đã hạn chế việc tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất, đời sống để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn hạn chế trong việc xác định, xây dựng, đặt hàng nghiên cứu ứng dụng, phát huy, nhân rộng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định, những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách mà tỉnh Gia Lai kiến nghị đoàn giám sát ghi nhận và sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết không để các thủ tục hành chính ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế chung của cả nước.
Về phần tỉnh Gia Lai, bà Thanh đề nghị, Tỉnh cần chủ động, xây dựng kế hoạch, chương trình áp dựng KH&CN vào sản xuất tạo ra những sản phẩm vừa là chủ lực, giá trị cao, có tính cạnh tranh, ổn định mà thị trường đang cần, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Một số hình ảnh tham quan mô hình trồng rau, củ, quả VietGap của Công ty TNHH Hương đất An Phú.
Trước đó, chiều 28/9/2017, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn đã đến tham quan mô hình trồng rau củ quả ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty TNHH Hương đất An Phú (thôn 5, xã An Phú, TP.Pleiku, Gia Lai) và Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai). Tại đây, bà Thanh mong muốn với chức năng, nhiệm vụ của mình Đơn vị cần đa dạng hóa các giống cây trồng, sản phẩm tạo ra một trung tâm đa năng có thể đáp ứng nhu cầu mà thị trường đang cần. Đề nghị các cấp chính quyền cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô, đủ sức cạnh tranh.