Thứ hai, 09/10/2017 13:26 GMT+7

Diễn đàn khởi nghiệp khoa học công nghệ và kết nối đầu tư

Ngày 07/10/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với BK-Holdings thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, Liên minh nhà Đầu tư Thiên thần Việt Nam (VACA), Công ty Cổ phần Đầu tư Angels, Tổ chức Swiss EP, WISE và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn.
 

Diễn đàn đã thu hút được gần 100 đại biểu tham gia, bao gồm: Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đại diện Sở KH&CN của các tỉnh; Đại diện của một số tổ chức quốc tế như: WISE, Swiss EP; Đại diện của các vườn ươm, các trung tâm, các quỹ, doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư; các nhà khoa học có sản phẩm về KH&CN; Các cơ quan thông tấn báo chí.

Diễn đàn được tổ chức nhằm định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học trở nên sát với nhu cầu thị trường hơn, giúp giấc mơ của các nhà khoa học nữ có khát vọng khởi nghiệp, thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu khoa học mà họ dành nhiều năm nghiên cứu, đồng thời hình thành một kênh đối thoại và tương tác giữa các nhà khoa học với các nhà đầu tư đầy tiềm năng và các nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ và khởi nghiệp của Hội cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa thế giới, cùng với làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ hiện nay, quốc gia nào cũng tập trung ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng KH&CN.
 

Tọa đàm giữa các nhà khoa học nữ với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
 

Trước đây, ở Việt Nam các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được chuyển giao vào sản xuất mang tính tự phát. Chủ trì các đề tài nghiên cứu phải tự tìm kiếm nơi áp dụng kết quả nghiên cứu của mình. Thực tế này đã làm cho kết quả nghiên cứu không được ứng dụng nhiều, không được sản xuất kiểm chứng kết quả nghiên cứu, giúp đề tài hoàn thiện hơn cả về tính thực tiễn và giá trị của nó. Ngược lại các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tìm kiếm công nghệ thích hợp để giải quyết các vấn đề của sản xuất. Riêng đối với phụ nữ phải thực hiện chức năng kép cân bằng giữa công việc và gia đình thì việc việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khó hơn rất nhiều. Do vậy, việc hỗ trợ các nhà khoa học nữ quảng bá, giới thiệu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thị trường KH&CN, kết nối đầu tư và gắn kết với các doanh nghiệp thực sự là rất cần thiết.

Tại Diễn đàn có 04 nhà khoa học nữ giới thiệu các công trình nghiên cứu và kêu gọi đầu tư, đó là:  Ths. Bá Thị Châm với dự án "Công nghệ bào chế thực phẩm chức năng nguồn gốc thảo dược dạng Nano"; Ts. Nguyễn Thu Hà với dự án "Chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất";  Ts. Phan Thị Tuyết Mai và PGS.TS Phạm Ngọc Lân với dự án "Sản xuất Bio - SAP từ phụ phẩm nông nghiệp";  TS. Nguyễn Thị Thuý Hường với dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng".

Ths. Bá Thị Châm chia sẻ mong muốn thông qua diễn đàn này sẽ đem đến thông tin về công nghệ chế thảo dược bằng công nghệ lên men dưới dạng nano mô phỏng sinh học để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt cho cộng đồng, khẳng định giá trị chữa bệnh vốn có của cây thuốc Việt Nam, nâng tầm giá trị của cây thuốc Việt Nam. Đồng thời, Ths. Bá Thị Châm cũng hi vọng sẽ kết nối được với các nhà đầu tư, nhà phân phối đem thông tin lan tỏa ra cộng đồng trong nước tiến ra quốc tế.
 

Đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các nhà khoa học nữ chụp ảnh chung với Ban tổ chức.
 

Diễn đàn này đã tạo môi trường thuận lợi, hữu ích cho các nhà khoa học nữ có thể lựa chọn được doanh nghiệp, nhà đầu tư phù hợp để cùng hợp tác tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2759

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)