Thứ sáu, 01/12/2017 15:30 GMT+7

Cơ quan Phát triển Pháp khảo sát thực địa việc triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều tại Bình Phước

Được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 30/11/2017, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ có buổi tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về khảo sát thực địa việc triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều tại tỉnh Bình Phước.

Tham dự buổi làm việc, về phía Sở KH&CN tỉnh Bình Phước có ông Trần Văn Vân- Giám đốc Sở, ông Nguyễn Minh Quang- Phó Giám đốc Sở cùng lãnh đạo và chuyên viên Phòng Quản lý chuyên ngành; về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Lưu Đức Thanh – Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”; về phía AFD có ông Bruno Vindel - Trưởng Dự án, Ban Định chế tài chính và Hỗ trợ khu vực tư nhân, phụ trách theo dõi dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” cùng một số chuyên gia Pháp và đại diện Trung tâm Phát triển nông thôn (đơn vị tư vấn thực hiện một số tiểu hợp phần của dự án).
 


Buổi làm việc giữa Sở KH&CN tỉnh Bình Phước, Cục Sở hữu trí tuệ và Đoàn chuyên gia của AFD

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã giới thiệu tổng quan về ngành điều Bình Phước, một số nội dung và kết quả dự án triển khai Tiểu hợp phần 06 (Đăng bạ cho chỉ dẫn địa lý mới hạt điều Bình Phước) thuộc dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” do AFD tài trợ. Theo đó, thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với Đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo xác định tên sản phẩm bảo hộ và đại diện nộp đơn đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, tham mưu UBND tỉnh về việc đề xuất Hội điều Bình Phước là tổ chức đại diện cho người sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm hạt điều tại Bình Phước sẽ là đại diện nộp đơn đăng ký bảo hộ. Để xác định được tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm hạt điều Bình Phước, Sở KH&CN đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lấy mẫu phân tích và tổ chức hội thảo thống nhất chỉ tiêu chất lượng bảo hộ cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; xác định khu vực bảo hộ của chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước; điều tra, khảo sát, hội thảo thống nhất các khu vực địa lý bảo hộ cho sản phẩm Hạt điều Bình Phước tại 81 xã của11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được xác định khu vực bảo hộ; phối hợp xây dựng hồ sơ xin Nhà nước bảo hộ. Đến thời điểm hiện tại, Hồ sơ này đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Về công tác hỗ trợ và tăng cường năng lực về chức hội, quản lý cho Hội điều Bình Phước, đơn vị tư vấn đã xây dựng mô hình tổng thể trong quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý; xây dựng logo mang Chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước; phối hợp với Hội điều Bình Phước thành lập 03 Chi hội trực thuộc Hội Điều Bình Phước; hỗ trợ xây dựng kết nối doanh nghiệp với Hợp tác xã trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm hạt điều thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho Hội điều Bình Phước.

Với kết quả đã đạt được, đoàn chuyên gia của AFD đã trao đổi với địa phương và Cục Sở hữu trí tuệ cùng đơn vị tư vấn để làm rõ việc xác định tính chất, chất lượng đặc thù của hạt điều Bình Phước; phương pháp xây dựng bản mô tả và logo cho chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước cùng cơ quan kiểm soát, quản lý chỉ dẫn địa lý sau khi được bảo hộ.

Theo đó, ông Lưu Đức Thanh cho biết, bản mô tả được xây dựng dựa trên phương pháp luận của dự án. Để hồ sơ đăng bạ được hoàn thiện, hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang chờ tỉnh Bình Phước thẩm định để xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Để nâng cao năng lực cho Hội điều Bình Phước và chính quyền địa phương trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ cho các cán bộ có liên quan được tham gia các chuyến học tập kinh nghiệm tại Pháp và một số tỉnh trong nước đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho đặc sản của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm, xác định tính chất, chất lượng đặc thù của Hạt điều Bình Phước, Sở KH&CN đã phối hợp với đơn vị tư vấn để nghiên cứu làm rõ đặc tính về khí hậu, thổ nhưỡng, giống, canh tác và chế biến cùng một số phương pháp có liên quan để phân tích tìm ra đặc thù của Hạt điều Bình Phước.

Theo ông Trần Văn Vân, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 280 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và chế biến hạt điều, tuy nhiên việc nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm này chỉ tập trung ở những doanh nghiệp lớn, có hàng xuất khẩu, còn những cơ sở chế biến nhỏ lẻ thường ít quan tâm do nhận thức chưa tốt về vấn đế này. Vì vậy, trong khuôn khổ dự án, Sở KH&CN mong muốn các chuyên gia hỗ trợ đưa ra cách làm mới để giúp các cơ sở này nâng cao nhận thức để bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước. Trong đó, cần tập trung đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp chủ chốt tham gia vào chỉ dẫn địa lý để từ đó làm cơ sở để các doanh nghiệp, cơ sở khác học tập.





Đoàn công tác khảo sát thực địa và chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Công ty Cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước)
và Hợp tác xã HAMYCO Phước Sơn (huyện Bù Đăng)

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bình Phước, Đoàn chuyên gia của AFD cùng Cục Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã đi khảo sát tại một số cơ sở chế biến hạt điều để có thêm cơ sở thực tiễn cho quá trình hoàn thiện đăng bạ cho chỉ dẫn địa lý mới Hạt điều Bình Phước./.

 

Nguồn: Sở KH&CN tỉnh Bình Phước

Lượt xem: 1974

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)