Thứ năm, 07/12/2017 16:05 GMT+7

Hội thảo đánh giá giữa kỳ “Tình hình thực hiện Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020”

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện "Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020" thực hiện theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 24/3/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, sáng 06/12/2017 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ "Tình hình thực hiện Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020".

Hội nghị đã thảo luận để xây dựng Kế hoạch hoạt động trong các năm 2018 – 2019.
 

Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ KH&CN), cùng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 02 Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vật lý, Hội Vật lý Việt Nam, Quỹ Nafosted, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu vật lý và đông đảo các nhà khoa học Vật lý của Việt Nam.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 380/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020. Chương trình gồm 04 mục tiêu, 09 nhiệm vụ và giải pháp có sự phân công cho 06 cơ quan thực hiện, bao gồm Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Chương trình, Bộ KH&CN đóng vai trò là đầu mối tổ chức và thực hiện Chương trình đã chủ động triển khai các hoạt động có hiệu quả.

Các cơ quan phối hợp đã bám sát các nội dung của Chương trình, kịp thời thực hiện được một số hoạt động thường niên và đưa các nội dung cần thiết vào kế hoạch KH&CN hàng năm. Một số nội dung của Chương trình đã đạt được kết quả khả quan, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình như: tổ chức thành công lễ ký kết chính thức giữa Chính phủ Việt Nam với UNESCO về việc thành lập Trung tâm Quốc tế Vật lý và Toán học dạng II; củng cố và phát triển tạp chí chuyên ngành vật lý của Việt Nam đạt trình độ quốc tế, có nhiều nhà khoa học nước ngoài là thành viên ban biên tập của các tạp chí; tổ chức hội nghị hội thảo cung cấp thông tin, trao đổi khoa học trong cộng đồng các nhà nghiên cứu vật lý trong và ngoài nước,...

Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã kịp thời xem xét đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính các vấn đề về cơ chế quản lý phù hợp với Chương trình mang tính tổng thể trong phát triển một ngành khoa học có thế mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Ngoài những hoạt động thu được các kết quả đáng khích lệ, bên cạnh đó hoạt động của Chương trình cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như kinh phí ngân sách hạn hẹp; các đề xuất nhiệm vụ chưa ở tầm cấp quốc gia mang tính liên ngành và liên vùng cao nên Bộ KH&CN mới hỗ trợ phê duyệt được 21 nhiệm vụ cho 7 hướng nghiên cứu ứng dụng thì với mỗi hướng còn rất ít nhiệm vụ. Nội dung thu hút Việt kiều, các nhà khoa học nước ngoài phối hợp với các nhà khoa học trong nước thực hiện nhiệm vụ mới dừng ở các hợp tác nghiên cứu trao đổi khoa học đối với từng nhiệm vụ có nội dung hợp tác quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cùng nhau chia sẻ một số kết quả bước đầu, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trao đổi thông tin, đề xuất về hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; tình hình thực hiện Chương trình phát triển Vật lý Việt Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam,…; đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&CN để tháo gỡ.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 2288

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)