Chủ nhật, 10/12/2017 10:35 GMT+7

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại Bắc Ninh

Ngày 08/12/2017, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng Đoàn đã làm việc tại tỉnh Bắc Ninh về công tác CCHC năm 2017 và thực hiện Chỉ thị số 16/CT-CP của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại tỉnh Bắc Ninh.

Tham gia đoàn công tác có đại diện Bộ Nội vụ, lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ KH&CN. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo UBND Thành phố; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.



Toàn cảnh buổi làm việc

 

Cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực

Theo báo cáo của sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, phát huy kết quả công tác CCHC năm 2016, năm 2017 tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác CCHC một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong các hội nghị, các văn bản, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh đều gắn việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác CCHC, coi đó là một nội dung, một tiêu chí và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một căn cứ để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Trong đó, tập trung CCHC, xây dựng các giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index)… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, công tác CCHC đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đổi mới và nâng cao chất lượng; các thể chế quản lý được cải cách và hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cải cách TTHC có tiến bộ rõ rệt, các TTHC của các sở, ban, ngành được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, có 1.708 TTHC áp dụng dịch vụ công trực tuyến, 336 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, còn lại là cấp độ 1,2. Với mức độ 4, một số TTHC đang trong quá trình xây dựng để áp dụng thực hiện.

Cùng với đó, việc đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và 8/8 đơn vị cấp huyện được coi là bước đột phá về công tác cải CCHC và hiện đại hóa nền hành chính, thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh và các địa phương, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân, làm giảm thời gian cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp, tăng hiệu quả làm việc,… Còn đối với cấp xã, 100% UBND cấp xã thực hiện một cửa liên thông hiện đại. Tỉnh đã sát nhập một số Ban Quản lý dự án và Trung tâm công lập cấp huyện; nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý Nhà nước; sắp xếp hệ thống cơ quan Nhà nước được theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;...

Sở KH&CN đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của ngành trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đề án, kế hoạch, giải pháp chuyển giao, ứng dụng KH&CN phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Lĩnh vực KH&CN đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi mới trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; triển khai các đề tài áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực y tế, môi trường nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; xử lý, giảm thiểu ô nhiễm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thí điểm thực hiện đề án về Cách mạng I4.0

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi về việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-CP của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đơn vị được giao đầu mối chủ trì để nghiên cứu, đề xuất triển khai Chỉ thị 16, hiện Bắc Ninh đang đề xuất thí điểm thực hiện đề án về Cách mạng I4.0, tập trung vào 2 mục tiêu trọng tâm: Phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm; tạo nền móng phát triển KH&CN cho tương lai. Theo đó, xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh gồm 6 lĩnh vực cốt lõi: nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, môi trường thông minh, dịch chuyển thông minh, người dân thông minh và cuộc sống thông minh. Song song với việc xây dựng đề án thành phố thông minh, chính quyền điện tử, tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng trung tâm dữ liệu thành phố thông minh, triển khai hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông, trật tự tại các khu vực trọng yếu,…

Đồng thời, lựa chọn triển khai thí điểm mô hình nông nghiệp thông minh với một số sản phẩm nông sản như cà rốt, khoai tây, lúa, nấm, dưa lưới,... Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuỗi sản xuất nông sản nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc chế biến, bảo quản nông sản và thí điểm xây dựng 3 nông trại thông minh trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá hiệu quả, nhân rộng ra cả nước.

Bắc Ninh cũng sẽ chú trọng, lựa chọn 6 trường học, mỗi cấp học 2 trường để triển khai thí điểm giáo dục STEM tại 3 cấp học. Thí điểm đưa giáo dục STEM trở thành một môn học chính khóa, đầu tư xây dựng 6 phòng đào tạo về giáo dục STEM và phát triển các câu lạc bộ KH&CN STEM thông qua các hoạt động, sự kiện về giáo dục STEM.

Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị và mong muốn nhận được hỗ trợ từ Bộ KH&CN trong việc khai các ứng dụng KH&CN tại các di tích, di sản văn hóa nhằm tạo sự hài lòng với du khách khi du lịch. Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp thông minh, chế biến và bảo quản nông sản; hỗ trợ xây dựng 3 nông trại thông minh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 6 phòng đào tạo về giáo dục STEM, tổ chức các hoạt động, sự kiện về giáo dục STEM;…

Các thành viên trong Đoàn công tác và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bắc Ninh đã bàn luận, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể đối với các vấn đề tỉnh đề xuất. Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Đại Dương đánh giá cao những kết quả trong công tác CCHC, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và cả nước. Thứ trưởng cho rằng, Bắc Ninh đã có nhiều kết quả rất ấn tượng, từ tăng trưởng GDP, xếp hạng CCHC tăng 36 bậc so với năm 2015, thí điểm hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và 8/8 đơn vị cấp huyện,… Điều đó đã minh chứng rất sinh động kết quả của công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.

Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt quy định về công tác tinh giản biên chế, xây dựng cơ quan công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần phải có quá trình và chú trọng công tác tuyên truyền, vận động từ cán bộ đến người dân, chuẩn bị nhân lực,..”, Thứ trưởng nói.

 Đối với thực hiện Chỉ thị số 16, Thứ trưởng đánh giá cao việc xây dựng, triển khai đề án thành phố thông minh, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương những thuận lợi, vướng mắc để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường bên cạnh việc thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được trong năm qua đã nhấn mạnh, có được kết quả đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Đồng chí tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp, chỉ đạo, định hướng của đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và khẳng định, đó là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của tỉnh. 

Trước đó, đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã làm việc với UBND Thành phố Bắc Ninh và đi thăm thực tế tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Thành phố.



Đồng chí Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng đoàn công tác trao đổi với người dân về sự hài lòng với công tác CCHC của tỉnh



Đoàn công tác Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh thực tế tại Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3431

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)