Thứ ba, 12/12/2017 07:31 GMT+7

Nghiên cứu khảo sát tính hình sử dụng hệ thống thiết bị sản xuất/chế biến thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp trong nước

Ở Việt Nam, Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm gần đây và theo định hướng của chính phủ đến năm 2020 sẽ đưa ngành chăn nuôi nước ta chiếm hơn 40% tỷ trọng giá trị toàn ngành nông nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015 cho thấy, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đã và đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế.

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã đánh giá năm 2013, nhu cầu cần đáp ứng về sản lượng TACN năm 2010 là 19,7 triệu tấn và dự ước đến năm 2020 là khoảng 25 triệu tấn. Chính vì vậy nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi ngày càng gia tăng về mặt số lượng, chất lượng và chủng loại thức ăn phải đa dạng, phù hợp với nhiều loại gia súc, gia cầm. Trong năm 2015 và những năm gần đây, nước ta thường xuyên phải chi hàng tỷ USD cho việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất/chế biến thức ăn chăn nuôi (Số liệu bộ NNPTNT và Hải quan, năm 2014, Việt Nam nhập 3,2 tỷ USD và 8 tháng đầu năm năm 2015 là 2,25 tỷ, tăng 2,5% so với cùng kỳ nằm trước).

Với mong muốn khắc phục sự thiếu hụt sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước, nội địa hóa việc nhập khẩu máy móc thiết bị của nước ngoài và nhập khẩu TACN và nguyên liệu để sản xuất TACN, đáp ứng nhu cầu sử dụng của ngành chăn nuôi, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi ở nước ta, nhóm nghiên cứu do Bà Đỗ Thị Thanh Xuân, Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài:“Nghiên cứu khảo sát tính hình sử dụng hệ thống thiết bị sản xuất/chế biến thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp trong nước”. Đây là một nhiệm vụ rất cần thiết để lựa chọn ra một quy trình công nghệ và thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi từ đó lựa chọn quy mô thích hợp với trình độ sản xuất ở nước ta đồng thời phù hợp với khả năng chế tạo của ngành cơ khí chế tạo trong nước.

 

Các nội dung chính được triển khai trong đề tài như sau:

- Khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay ở trên thế giới và Việt Nam.

- Khảo sát, đánh giá quy mô thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn hiện có ở Việt Nam.

- Khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi ở trong và ngoài nước (mức độ cơ khí hóa, tự động hóa).

- Đề xuất về công nghệ và thiết bị phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Đánh giá về khả năng chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi của ngành cơ khí chế tạo trong nước.

 

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra các kết luận như sau:

Đối với công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi theo dạng định lượng trước nghiền sau hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta.

 

Theo công nghệ này tương ứng với quy mô sản xuất lớn >20 tấn/giờ, dây chuyền thiết bị được điều khiển tự động hoàn toàn và có thể linh hoạt thay đổi công thức thức ăn để phù hợp với từng loại gia súc, gia cầm và từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của chúng.

 

Sản xuất/chế biến thức ăn chăn nuôi theo công nghệ nghiền trước, định lượng sau và định lượng trước nghiền sau đều có thể thích hợp cho sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi hỗn hợp ở trong nước. Mặc dù quá trình sản xuất/chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi theo công nghệ định lượng trước, nghiền sau khâu định lượng nguyên liệu đầu vào sẽ tốt hơn công nghệ nghiền trước, định lượng sau nhưng chi phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng nhà xưởng silô chứa/kho chứa nguyên liệu đầu vào là rất tốn kém; diện tích đất phải rộng.

 

Ở Việt Nam, phần lớn các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều lắp đặt theo công nghệ nghiền trước, định lượng sau. Những dây chuyền nhập ngoại đều được trang bị các thiết bị đồng bộ, liên hoàn của các nước Mĩ, Thái Lan, Hà Lan, Đức… cho ra sản phẩm có chất 18 lượng đáp ứng được yêu cầu quy mô sản xuất và có độ ổn định cao, nhưng giá thành thì rất đắt.

 

Do điều kiện khí hậu ở nước ta có độ ẩm rất cao mà nguyên liệu dự trữ cho sản xuất là rất lớn mới đáp ứng đủ cho dây chuyền sản xuất nên nguyên liệu và sản phẩm rất dễ bị mốc nên để khắc phục điều này nhiều cơ sở đã đầu tư các silô chứa/kho chứa nguyên liệu và sản phẩm để sấy và bảo quản nguyên liệu.

 

Hiện nay, ở trong nước có rất nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh dây chuyền thiết bị TACN nhưng chỉ có một số cơ sở có đầu tư nghiên cứu và sản xuất dây chuyền thức ăn chăn nuôi như: Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) - Bộ Công Thương; Viện Cơ Điện và Công nghệ sau thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, và một vài trung tâm kỹ thuật của địa phương; v.v...

 

Trong những năm vừa qua, một số cơ sở nghiên cứu (trong đó có Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy Nông nghiệp) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào ứng dụng có hiệu quả các dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn cho chăn nuôi có công suất từ 1 ÷ 15 tấn/h trong đó hầu hết (trừ thiết bị ép viên công suất >10 T/h) đều do ngành cơ khí chế tạo trong nước tự chế tạo. Tuy vậy, so với yêu cầu kỹ thuật của các thiết bị công nghệ như: Máy nghiền, máy trộn, sàng phân loại, sấy làm mát và các thiết bị phụ trợ, v.v… với năng suất lớn cũng vẫn đang cần phải quan tâm thoả đáng nhằm từng bước giảm thiểu tỷ lệ thiết bị ngoại nhập, đặc biệt với năng lực gia công chế tạo của ngành cơ khí trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng.

 

Phương thức chăn nuôi đã hoàn toàn thay đổi trong nhiều năm qua nhằm cung cấp cho xã hội những sản phẩm an toàn, sạch do đó công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng tốt để cung cấp cho các trang trại qui mô công nghiệp.

 

Hiện có 02 dạng công nghệ và thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi đó là: Nghiền trước định lượng sau phù hợp với qui mô sản xuất với năng suất Q ≤ 20T/h; Định lượng trước nghiền sau phù hợp với quy mô sản xuất với năng suất lớn Q > 20T/h.

 

Theo kiến nghị của nhóm nghiên cứu,  các doanh nghiệp nên chọn công nghệ nghiền trước, định lượng sau để phù hợp nhất đối với quy mô sản xuất và trình độ sản xuất ở nước ta, năng suất Q = 20 ÷ 30 tấn/giờ. Ngoài ra để sản xuất liên tục, cung cấp đầy đủ cho thị trường nên chọn 02 mođun thực hiện theo sơ đồ công nghệ mà đề tài đã lựa chọn.

 

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Nhà nước cần giám thuế VAT cho các sản phẩm trong dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi được chế tạo trong nước.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13089-2016) tại Cục Thông tin Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2212

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)