Thứ ba, 19/12/2017 09:29 GMT+7

Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ

Ngày 15-16/12/2017, tại Hà Nội, Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ đã được tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của 400 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và 27 tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam.


 

Thế giới có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường tới 81,6 tỷ USD. Tại Việt Nam đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của ông cha để lại. Đất nước Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, 3/4 diện tích là núi và cao nguyên, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú.  Hiện tại, ở Việt Nam có nhiều số liệu thống kê đáng lo ngại và báo động liên quan đến thực phẩm bẩn như mỗi ngày có khoảng 400 người phát hiện mắc ung thư, hàng trăm người người chết vì ung thư, hơn 1/3 trong số đó liên quan đến thực phẩm bẩn.  Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống là một việc làm rất cần thiết, cấp bách, trong đó nông nghiệp hữu cơ là một biện pháp đặc biệt quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh: "Việc triển khai đồng bộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông dân sẽ không tốn tiền mua thuốc và phân hóa học, hiệu quả sản xuất của nông dân vẫn được đảm bảo, đồng thời đạt được mục đích là tạo điều kiện cho con người phát triển thịnh vượng và tăng cường củng cố hệ sinh thái. Khi nông sản được chứng nhận hữu cơ, người nông dân có thể bán được với giá cao hơn nông sản bình thường..., đó là yếu tố làm gia tăng hiệu quả sản xuất của nông dân. Chính vì thế, Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) đã khẳng định, nông nghiệp hữu cơ có khả năng làm tăng năng suất, tăng thu nhập và tăng mức độ an toàn lương thực. Vì thế, nông nghiệp hữu cơ là chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực bền vững, đồng thời làm giảm phát thải khí nhà kính và làm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhờ tận dụng phế thải nông nghiệp hữu cơ, giảm ô nhiễm do sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật độc hại, từ đó giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật độc hại trong chuỗi thức ăn của con người".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: thời gian tới để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cụ thể: xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ trên cơ sở Codex CAC/GL 32-1999, revised 2007, amendment 2013 gắn việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về sản phẩm hữu cơ đối với một số sản phẩm cụ thể có tiềm năm xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, tôm... với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia.

Diễn đàn là sự kiện và cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới.

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 2219

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)