Thứ bảy, 23/12/2017 12:11 GMT+7

Việt Nam – Ứng dụng thành công tế bào gốc điều trị một số bệnh hiểm nghèo

Ngày 21/12/2017 tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia (NATIF) đã tổ chức Hội thảo khoa học "Công nghệ tế bào gốc: Nền tảng khoa học - Bản chất công nghệ - Khả năng ứng dụng". Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; các nhà khoa học, chuyên gia, bác sỹ đến từ các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện trên toàn quốc và cá nhân tổ chức có liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao vai trò của tế bào gốc (TBG) với đặc tính tự làm mới và biệt hóa cũng như những ứng dụng của TBG. Điều này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị các bệnh nan y, đồng thời mở ra hướng mới cho y học tái tạo. Chúng ta có thể sử dụng TBG để tái sinh, tái tạo mô cơ quan cho các cơ thể bị tổn thương hoặc là bị thoái hóa.

Mặc dù bắt đầu muộn hơn so với một số nước, nhưng đến nay, Việt Nam đã có nhiều ứng dụng TBG trong điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau. Sự kiện được đánh dấu mở đầu vào năm 1995 với ca ghép TBG điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu tại Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, nhiều cơ quan và tổ chức như Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Huyết học Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế,… đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ TBG để điều trị các bệnh ung thư máu, ung thư xương tủy,... Đồng thời, đem lại ứng dụng các nghiên cứu tế bào gốc lắp ghép tự thân cho điều trị bại liệt não ở trẻ em, điều trị xơ gan tổn thương cơ xương khớp khó liền ở một số bệnh viện, điều trị thoái hóa khớp, điều trị chấn thương cột sống, điều trị tổn thương nhãn cầu mắt tại các bệnh viện như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Đại học Y Hà Nội… “Với các đối tượng bệnh nhân có bệnh ác tính, việc ghép TBG để điều trị đã thành công đạt tới 70-80%. Cùng với sự thể hiện chủ động tích cực, sáng tạo của các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu, bệnh viện trong thời gian vừa qua đã mang đến những thành tựu bước đầu, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế, y tế của nước ta còn nhiều khó khăn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng”. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.
 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo

 

Để có được kết quả này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, trong chặng đường dài cùng xu hướng nghiên cứu phát triển công nghệ trên thế giới, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã giao việc cho các bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ KH&CN, các bộ ngành có liên quan những chủ trương, chính sách lớn luôn coi trọng, quan tâm tới việc nghiên cứu ứng dụng mới vào các lĩnh vực, trong đó y sinh học là nội dung quan trọng.

“Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 50-CT/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, TBG được xác định là hướng nghiên cứu quan trọng. Nhằm cụ thể hóa điều này, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã ký Quyết định số 53/2008 để phê duyệt mục tiêu nội dung và sản phẩm chủ yếu của KH&CN cấp nhà nước giai đoạn 2008-2015, tạo nền tảng xây dựng hệ thống ngân hàng TBG trong y sinh học” - Bộ trưởng cho biết thêm.

Nhận thức rõ ý nghĩa của công nghệ TBG và xu hướng phát triển trong tương lai, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KC.10 năm 2016 - Nghiên cứu TBG trong điều trị các bệnh không đáp ứng hoặc đáp ứng kém đối với các biện pháp điều trị.

Qua thời gian, TBG đã trở thành trung tâm của các nghiên cứu về y sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực như; y tế, dược phẩm, y học tái tạo,… điển hình của hoạt động kết nối liên ngành, xuyên ngành và tế bào đã được mã hóa thành dữ liệu số để theo dõi, nghiên cứu, trở thành một phần thúc đẩy cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về doanh thu, thị trường toàn cầu xung quanh việc phát triển TBG năm 2016 đạt 48 tỷ USD. Theo dự báo, đến năm 2025, doanh thu sẽ đạt 378 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ TBG vào điều trị thử nghiệm trên 21 bệnh. Nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, thiết bị liên quan đến điều trị TBG ở Việt Nam cũng tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện Việt Nam cũng đang có 53 đơn vị nghiên cứu ứng dụng, 7 đơn vị đạt cấp độ nuôi cấy tăng sinh ở quy mô lớn và hoạt động biến hóa, biến đổi những nhánh quan trọng của TBG.

Thông qua Hội thảo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ mong muốn được lắng nghe, chia sẻ, trao đổi thực tế từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực TBG cũng như đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nghiên cứu lâm sàng và ứng dụng. Đồng thời định vị, thúc đẩy các hướng tiềm năng trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý đến những vấn đề liên quan đến đạo đức trong y sinh, nghiên cứu và ứng dụng cũng cần được cân nhắc kỹ trong quá trình phát triển.
 


Các đại biểu tham dự tại Hội thảo

 

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày những nghiên cứu về TBG của mình trong thời gian qua; phân tích nền tảng khoa học, bản chất công nghệ, khả năng ứng dụng của công nghệ TBG trong lĩnh vực y dược, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng qua các tham luận như: Tình hình nghiên cứu, khả năng ứng dụng và phát triển công nghệ TBG; Tổng quan về ngân hàng TBG; Ứng dụng TBG tự thân trong điều trị bại não ở trẻ em; Sử dụng tế bào không cùng huyết thống trong điều trị ung thư; Ứng dụng TBG tự thân trong điều trị xơ gan,…

Thay mặt NATIF, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Chủ tịch Quỹ NATIF ghi nhận những đề xuất, đóng góp và chia sẻ từ các đại biểu, đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Quỹ NATIF sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện việc phát triển TBG nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3611

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)