Thứ sáu, 19/01/2018 15:34 GMT+7

Đồng Tháp chuyển giao quy trình phân lập và tuyển chọn giống gốc nấm xanh (Metarhizium sp.) phục vụ công tác quản lý rầy nâu hại lúa

Nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay đang gắn liền với tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mỗi năm một tăng. Việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV không đúng cách sẽ gây lãng phí và hiệu quả không cao. Nghiêm trọng hơn là hệ lụy do các hóa chất này gây ra như: suy thoái và làm ô nhiễm môi trường đất, nước, tiêu diệt sinh vật có lợi làm mất cân bằng hệ sinh thái, dư lượng hóa chất tồn đọng trong sản phẩm nông sản cao vượt mức cho phép gây tác hại xấu đến sức khỏe người tiêu dùng từ đó mất lòng tin người tiêu dùng.

Trong canh tác lúa, rầy nâu là tác nhân chính lan truyền bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá lúa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng lúa gạo xuất khẩu và an ninh lương thực quốc gia. Mỗi năm chi phí thuốc hóa học đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để phòng và diệt rầy nâu, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Ở nhiều nơi nông dân đã lạm dụng thuốc hóa học không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng đã gây ra hiện tượng bộc phát rầy nâu hàng loạt, diện tích cháy rầy cộng dồn năm 2013 là 202 ha (tăng 2,68 lần so với năm 2012). Điều này chứng minh biện pháp hóa học chỉ là nhất thời, không phải hướng phát triển bền vững. Từ những thách thức trên, chế phẩm sinh học sử dụng nấm xanh đã ra đời và được ứng dụng rộng rãi trên hàng ngàn ha để trừ rầy nâu hại. Kết quả của các mô hình thực hiện trên diện rộng đã khẳng định chế phẩm nấm xanh có hiệu quả cao đối với rầy nâu, bọ xít hại lúa, có hiệu quả kéo dài, thân thiện với con người và môi trường, chế phẩm  không gây ảnh hưởng xấu tới những thiên địch như: nhện lớn bắt mồi, nhện lưới, nhện lùn, nhện chân dài, bọ xít mù xanh và bọ xít gai ăn thịt tại ĐBSCL. Vì vậy, chế phẩm nấm xanh rất phù hợp với chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa.
 


Chế phẩm nấm xanh

 

Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, và phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nước ta. Do đó, Đồng Tháp thực hiện dự án: “Chuyển giao quy trình phân lập và tuyển chọn giống gốc nấm xanh (Metarhizium sp.) phục vụ công tác quản lý rầy nâu hại lúa ở Đồng Tháp”. Dự án này do Trung tâm kỹ thuật thí nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp chủ trì và Ths. Bùi Thị Hồng Gấm làm chủ nhiệm                                                                

Dự án sản xuất thử nghiệm này đã được hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá đạt loại khá. Sau 3 năm thực hiện dự án, Trung tâm kỹ thuật thí nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp đã hoàn thiện tiếp nhận quy trình phân lập và tuyển chọn giống gốc nấm xanh (Metarhizium sp.) từ Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, đã triển khai phân lập và tuyển chọn được 12 dòng nấm từ nguồn rầy nhiễm nấm tự nhiên của Tỉnh Đồng Tháp, 12 dòng nấm khi sản xuất chế phẩm đều có hiệu lực đối với rầy nâu, trong đó dòng M6 (xã Bình Thạnh Trung, của huyện Lấp Vò) có hiệu lực cao nhất đạt 83,35% đã chế phẩm từ dòng nấm M6 với tỷ lệ bào tử từ 3,5-4,5x109 bào tử/g và tỷ lệ bào tử nẩy mầm đạt trên 98%.
 


Ống F1 của 12 dòng nấm: (a) 4 ngày sau cấy; (b) 7 ngày sau cấy

 

Dự án đã xây dựng 03 mô hình tại 03 huyên Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông. Hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm xanh do trung tâm sản xuất để quản lý rầy nâu so với sử dụng thuốc hóa học tại 03 mô hình rất khả quan, ngoài việc giảm được số lần phun thuốc hóa học hoặc hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu rầy, còn giảm chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật từ 400.000 đồng đến 1.185.000 đồng/ha. Kết quả này đã tạo sự phấn khởi cho các hộ nông dân tham gia mô hình và tạo sự lan tỏa mong muốn tham gia cho các nông dân trên địa bàn. Ngoài diện tích thực hiện mô hình 1,5 ha, chế phẩm nấm xanh của Trung tâm đã được các hộ nông dân tin tưởng sử dụng với tổng diện tích trên 90 ha trong thời gian tới sẽ tiếp tục sử dụng và nhân rộng.
 


Mẫu rầy, sâu bị nấm ký sinh ở huyện Lấp Vò

 

Bên cạnh đó chế phẩm do Trung tâm sản xuất đã và đang được ứng dụng phục vụ các mô hình ứng dụng trên địa bàn tỉnh như: sản xuất lúa Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; Mô hình nấm xanh kết hợp bẩy đèn; Mô hình quản phòng trừ sâu tơ trên cải. Kết quả các mô hình được các hộ dân đánh giá cao và đang được triển khai nhân rộng.

Ngoài ra, dự án đã đào tạo 2 cán bộ kỹ thuật, 5 kỹ thuật viên cơ sở và 3 cán bộ kỹ thuật tại địa phương và hiện nay Trung tâm có thể sản xuất cung ứng trên 10.000 ống F2/năm và khoảng 12.000kg chế phẩm/năm.
 


Ống F2 của 12 dòng nấm: (a) 4 ngày sau cấy, (b) 14 ngày sau cấy

 

Với lĩnh vực khoa học công nghệ dự án này, mang lại một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng bền vững mang lại hiệu quả kinh tế giảm chi phí sản xuất so với các mô hình sản xuất trước đây, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho người tiêu dùng, an toàn với môi trường nông nghiệp. Bên cạnh đó người tham gia thực hiện cũng được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh trong nông nghiệp. Đây là lực lượng nòng cốt sau khi chương trình kết thúc sẽ tiếp tục tập huấn, chuyển giao lại cho cho các đối tượng khác để có thể nhân rộng các mô hình ra địa bàn toàn tỉnh.

 

Nguồn: Sở KH&CN Đồng Tháp

Lượt xem: 3191

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)