Thứ năm, 25/01/2018 16:52 GMT+7

Hà Nội - Cải cách hành chính năm 2017 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%

Với chủ đề “Năm kỷ cương hành chính 2017”, Hà Nội đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), thủ tục hành chính (TTHC) góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Về kết quả cải cách TTHC
Báo cáo công tác CCHC, năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của thành phố Hà Nội (Báo cáo số 362/BC-UBND ngày 07/12/2017) cho thấy  UBND thành phố ban hành các quyết định công bố TTHC (mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ) thuộc các ngành, lĩnh vực: y tế, xây dựng, tài chính, quy hoạch, công thương, tài nguyên và môi trường, du lịch, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ. Tính đến hết ngày 30/11/2017, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố là 1895 TTHC, trong đó: sở, cơ quan tương đương là 1410 thủ tục, cấp huyện là 298 thủ tục, cấp xã là 151 thủ tục.

Có 22/22 sở, ngành; 30/30 huyện, quận; 584/584 xã, phường, thị trấn  thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức theo Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND thành phố. Sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận hơn 8,5 triệu hồ sơ TTHC, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao, đạt 98,93% (trong đó, cấp sở và tương đương 98,3%, cấp huyện 98,73%, cấp xã 99,66%). Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC và Bộ phận tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm việc niêm yết 10 nguyên tắc giao tiếp của cán bộ, công chức với tổ chức và công dân và việc gửi thư xin lỗi của cơ quan hành chính nhà nước trong trường hợp quá hẹn trả kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức.

Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, từ thành phố đến cơ sở, xác định rõ quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông, tập trung 3 lĩnh vực văn hóa, kinh tế - tài chính, xây dựng - giao thông. Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành và triển khai thực hiện phương án thí điểm “Liên thông phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với đầu tư nước ngoài”, trong đó cắt giảm trên 40% thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư nước ngoài.  

Để đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi khi giải quyết TTHC, UBND thành phố ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND về tổ chức làm việc vào buổi sáng ngày thứ 7 hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết TTHC; ban hành Quyết định số 5994/QĐ-UBND về ban hành Danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa ban thành phố; ban hành Quyết định số 4910/QĐ-UBND phê duyệt Bộ TTHC dịch vụ công thực hiện tại Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội; xây dựng và chuẩn bị ban hành Quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được thành phố giao cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Thành phố triển khai thí điểm 02 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 “Cấp bản sao trích lục hộ tịch” của cấp phường và cấp quận, kết hợp thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện Hà Nội tại quận Long Biên.

Thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, thành phố đã tiến hành rà soát và ban hành Danh mục 201 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai đợt 2 năm 2017 và đang triển khai thêm 165 dịch vụ công. Riêng đối với một số TTHC ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai tới tất cả (584/584) cấp xã qua Website dịch vụ công trực tuyến của thành phố tại địa chỉ: https://egov.hanoi.gov.vn. Theo đó, có trên 5,2 triệu lượt truy cập. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 94%, trong đó một số dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ hồ sơ giao dịch đạt kết quả từ 90% trở lên như: hải quan 100%, thuế trên 97%, lĩnh vực tư pháp khối cấp huyện, cấp xã đạt trên 90%, thông tin và truyền thông 90%.

Về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban Quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ Phát triển đất thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; đã chuyển 05 trường Trung cấp chuyên nghiệp và chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 212 đơn vị). Thành phố ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 về thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện, thị xã trên cơ sở sáp nhập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Rà soát chuyển đổi vị trí công tác 655 cán bộ, công chức viên chức đến hạn phải chuyển đổi và giải quyết cho 393 người nghỉ chế độ theo đúng quy định pháp luật.

Về hiện đại hóa nền hành chính, hoàn thành và duy trì kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép gửi, nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và UBND thành phố qua hệ thống Trục liên thông; 100% sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã duy trì và sử dụng phần mềm quản lý văn bản thống nhất và kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước của thành phố khai thác, sử dụng hộp thư điện tử trao đổi thông tin trong công việc.

Tiếp tục duy trì các ứng dụng dùng chung như: Cổng thông tin điện tử, Một cửa điện tử, Hệ thống giao ban trực tuyến…; thuê các dịch vụ như: Trung tâm dữ liệu chính của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và mở rộng cơ sở hạ tầng, dịch vụ mạng WAN thành phố kết nối với các sở, ban, ngành, 30 UBND cấp huyện, 584 UBND cấp xã phục vụ các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế… Thành phố đã hoàn thành đào tạo 2.589 học viên, tổ chức tập huấn 1.891 lượt học viên về sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tập huấn cho 66.254 lượt công chức, viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế về sử dụng phần mềm chuyên ngành.

Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trên một số lĩnh vực
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã triển khai ứng dụng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến tại 2.620 trường học, có trên 250.000 gia đình tham gia với trên 6,2 triệu lượt truy cập. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến năm 2017 của cả 3 cấp đạt 70,68% (khối mầm non đạt 74,21%, khối lớp 1 đạt 72,32%, và khối lớp 6 đạt 68,07%), tăng 15% so với năm 2016. Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Hệ thống sổ điểm điện tử cho 2.762 trường học, đã cập nhật trên 1,8 triệu học sinh, cấp 73.505 tài khoản cho người sử dụng và có 16.485.482 lượt truy cập hệ thống; triển khai và đưa vào sử dụng chính thức phần mềm quản lý kết quả giáo dục tiểu học tại 752 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Lĩnh vực y tế đang triển khai thí điểm ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại 20 xã, phường của 04 quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn. Đến nay, đã khởi tạo 1.436 tài khoản và thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử; triển khai thí điểm Hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm trên địa bàn thành phố tại Bệnh viện Xanh pôn, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội và các phòng thuộc 04 quận, huyện (Đống Đa, Thanh Trì, Long Biên, Sóc Sơn). Đồng thời Sở Y tế đang tổ chức khảo sát để triển khai mở rộng Hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn thành phố.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã hoàn thành triển khai cung cấp thông tin về Hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, Hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, Hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc đo vẽ và chỉnh lý bản đồ, tạo lập cơ sở dữ liệu về đất đai.

Về lĩnh vực giao thông - quản lý đô thị, đã triển khai thí điểm tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) từ tháng 6/2017 trên 02 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Đến nay, đã có trên 130.000 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán thông qua ứng dụng này, doanh thu 03 tháng thí điểm đạt trên 02 tỷ đồng. Từ ngày 01/9/2017 tiếp tục triển khai mở rộng tại 04 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa).

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn được thực hiện trong quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo; Lĩnh vực kinh tế - tài chính (mua sắm theo danh mục hàng hóa điện tử e-Catalog) và đấu thầu qua mạng theo phương thức tập trung của thành phố; đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử; lắp đặt 34 trạm phát Wifi miễm phí trong khu vực tuyến đi bộ Hồ Gươm và phụ cận phục vụ phát triển du lịch.
Năm 2017, có 15 sáng kiến, cách làm hay được triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, điển hình là:

(i) Thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư thuộc UBND thành phố Hà Nội;
(ii) Xây dựng 4 quy trình điều hành chung cho cấp phường;  thực hiện đánh giá, biểu dương và thưởng tiền hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gửi thư cảm ơn góp ý của tổ chức và công dân; thí điểm sát hạch, đánh giá cán bộ diện Ban thường vụ Quận ủy quản lý năm 2017 theo khung năng lực vị trí việc làm; xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá chấm điểm mô hình “Một cửa” đạt chuẩn cấp quận, tại quận Long Biên;
(iii) Hàng tháng chấm điểm đánh giá Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức; hàng quý chấm điểm đánh giá các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện về thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” tại huyện Đan Phượng;
(iv) Xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” với phương châm 5 biết (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn), 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả), 3 không (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc, không sách nhiễu, phiền hà nhân dân và không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần) tại quận Nam Từ Liêm;
(v) Sáng kiến liên thông cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư;
(vi) Liên thông nhóm TTHC: đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, chế độ tử tuất, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất, hỗ trợ chi phí hỏa táng, qua đó rút ngắn 39 ngày so với thực hiện từng TTHC tại phường Sài Đồng, quận Long Biên;
(vii) Xây dựng 07 quy trình liên quan công nhận mô hình và quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa tại quận Nam Từ Liêm;
(viii) Triển khai cấp Căn cước công dân lưu động tại trụ sở các cơ quan, đơn vị có nhu cầu lớn; tổ chức cấp đăng ký mô tô điện, xe máy điện tại các trường học, khu đô thị, khu dân cư tạo thuận lợi cho người dân của Công an Hà Nội;
(ix) Thực hiện đăng ký khai tử không quá 30 phút tại các phường, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC: cấp giấy xác nhận khuyết tật và thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng còn 30-45 ngày so với quy định tại phường Giang Biên, quận Long Biên;
(x) Triển khai mô hình “3 không, 4 luôn” trong giải quyết TTHC (không phiền hà, sách nhiễu, không bổ sung hồ sơ quá một lần, không trễ hẹn. Luôn thông báo khi có kết quả giải quyết trước hẹn, luôn mỉm cười và sẵn sàng phục vụ, luôn nhẹ nhàng hướng dẫn và luôn rà soát đơn giản hóa TTHC tại Sở Thông tin và Truyền thông).

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018
Năm 2018, thành phố tập trung tiển khai các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC, gồm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường thông tin tuyên truyền; thực hiện tinh giản biên chế; công khai, đơn giản hóa và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; triển khai có hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành tập trung thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục xác định đây là khâu đột phá trong CCHC; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, đạo đức, tác phong công vụ, kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra đôn đốc và nhân rộng sáng kiến, cách làm hay trong CCHC, cải cách TTHC.

Đồng thời, UBND Thành phố đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về kiểm soát hành chính công, trong đó quy định về kiểm tra hành chính. Kiến nghị Chính phủ quy định việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các bộ có giải quyết TTHC với địa phương, công dân và doanh nghiệp; quy định cụ thể về áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp nhà nước có nhiều TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức để thống nhất thực hiện trong cả nước; các bộ, ngành xây dựng lộ trình cụ thể về các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 triển khai trong toàn ngành để cấp tỉnh chủ động hơn trong xây dựng dịch vụ công trực tuyến, việc xây dựng phần mềm tránh trùng lặp giữa bộ, ngành với địa phương, gây lãng phí; bộ, ngành sớm hướng dẫn chuẩn cấu trúc dữ liệu dùng chung và chuyên ngành phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống; quy định về hoạt động trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; quy trình giải quyết TTHC liên thông giữa bộ, ngành và địa phương./.

Liên kết nguồn tin:

http://thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/Lists/TinDiaPhuong/View_Detail.aspx?ItemID=349

Nguồn: thutuchanhchinh.vn

Lượt xem: 3580

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)