Thứ ba, 20/03/2018 15:06 GMT+7

Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ

Chiều 19/3/2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh lần đầu tiên trả lời chất vấn tại UBTVQH về các nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế; Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng 12 bậc đổi mới sáng tạo toàn cầu

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của QH, ĐBQH dành cho ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt trong bối cảnh mới, khi KH&CN và đổi mới sáng tạo phải trở thành đòn bẩy cho công cuộc tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. “Kỳ vọng và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, QH, Chính phủ, các ĐBQH với ngành cũng là áp lực buộc ngành phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. 



Công nhân kỹ thuật cao tại nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình. Ảnh Chí Tuấn

 

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện hoạt động KH&CN. Trong đó, đặc biệt chú trọng vấn đề hiệu quả của hoạt động KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thực tiễn. Năm 2017, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Kinh phí ngoài ngân sách liên tục tăng

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN được QH thông qua là 69.592 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng (chiếm 44%) và kinh phí sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng (chiếm 56%). Bố trí ngân sách nhà nước cho KH&CN trong giai đoạn này (tính cả chi KH&CN trong an ninh, quốc phòng) đã cơ bản bảo đảm được quy định của Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi), Nghị quyết của QH, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5%-0,6% GDP).

Tuy nhiên, nếu không tính phần dành cho an ninh, quốc phòng và dự phòng thì chi cho KH&CN chỉ đạt từ 1,36% đến 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước. Đến giai đoạn 2016-2018, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN được bảo đảm ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu kinh phí đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp KH&CN tiếp tục được bảo đảm theo tỷ lệ 40/60. Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước dành riêng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ liên tục tăng. Năm 2016, tổng kinh phí dành cho hoạt động KH&CN đạt 33.905 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước 17.730 tỷ đồng, tổng kinh phí từ doanh nghiệp chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là 16.175 tỷ đồng.

Như vậy, về cơ cấu chi cho KH&CN, ngân sách nhà nước chiếm 52%, nguồn từ doanh nghiệp đã tăng lên 48%. Sự chuyển biến tích cực này có được nhờ doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới KH&CN và sự đầu tư trọng điểm của một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả trong tăng cường xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá.

Trên 300 doanh nghiệp được chứng nhận

Theo báo cáo của Bộ KH&CN: Tính đến 31.12.2017, có 640 tổ chức KH&CN là đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này. Về cơ bản, các tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhiều tổ chức đã thực hiện thành công cơ chế tự chủ với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và thu nhập của cán bộ gấp nhiều lần lương ngạch bậc. Cả nước có 3.590 tổ chức đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có 1.629 tổ chức công lập và 1.961 tổ chức ngoài công.

Báo cáo cũng cho biết, cả nước hiện có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Ngoài ra, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH&CN trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, doanh nghiệp sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích chưa tiến hành đăng ký để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp KH&CN đạt 14.402 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 2,35%, trong đó, 32 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đã giải quyết được hơn 16.600 việc làm.

Quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ KH&CN, nhân tố con người là quan trọng nhất. Vị “tư lệnh” ngành KH&CN cho rằng, cần gây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh trong nước và ở nước ngoài, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; đào tạo, trọng dụng người tài kết hợp với đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần bảo đảm phương tiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ khoa học. Đầu tư có hiệu quả cho hạ tầng KH&CN, trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm, nguồn lực thông tin và tài chính, kể cả hạ tầng mềm, đó là môi trường học thuật tiên tiến, lành mạnh. “Có con người giỏi và phương tiện hiện đại chưa đủ, chúng ta cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo, nới rộng quyền tự chủ đi đôi với đánh giá công khai, minh bạch kết quả hoạt động nghiên cứu”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thêm.

Liên kết nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=403358

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Lượt xem: 14767

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)