Thứ tư, 27/06/2018 13:55 GMT+7

Đôi nét về cuộc đời Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân (GS.NGND) Phan Huy Lê, được biết đến là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học của đất nước, là người thầy mẫu mực được các nhà nghiên cứu lịch sử quý mến, kính trọng. Ông qua đời để lại niềm thương tiếc cho nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, các nhà khoa học và những người yêu lịch sử Việt Nam.

GS.NGND Phan Huy Lê.
 

Giáo sư Phan Huy Lê đã tham gia nhiều hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ). Ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn của Quỹ nhiệm kỳ 2010 – 2016 và 2016 – 2018.

Giáo sư Phan Huy Lê là chủ nhiệm Đề án khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phê duyệt, giao Quỹ tổ chức thực hiện (Đề án thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tháng 01/2014 về việc nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử Việt Nam). Đây là một Đề án có tầm quan trọng đặc biệt với hệ thống đề tài và sản phẩm đồ sộ, bao gồm: bộ Lịch sử Việt Nam 25 tập, bộ Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam 5 tập và Cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam. Đề án đã huy động được trên 300 nhà khoa học thuộc các trường, viện, học viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội trong cả nước tham gia thực hiện.
 

Giáo sư Phan Huy Lê tại Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn tài trợ đợt 2 năm 2018.
 

Buổi họp cuối cùng của Giáo sư Phan Huy Lê tại Văn phòng Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”, ngày 24/5/2018.
 

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ nhiệm Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”,  nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, về Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.

            Giáo sư (GS) Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) – một vùng quê văn hiến của xứ Nghệ, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, trọng tình nghĩa, cần cù và hiếu học. Cả hai dòng họ nội, ngoại của GS Phan Huy Lê đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cận (1722-1789), Phan Huy Ích (1751-1822), Phan Huy Ôn (1755-1786), Phan Huy Sảng (1764-1811),Phan Huy Quýnh (1775-1844), Phan Huy Thực (1778-1842), Phan Huy Chú (1782-1840), Phan Huy Vịnh (1800-1870), Cao Xuân Dục (1842-1923), Cao Xuân Tiếu (1865-1939), Cao Xuân Huy (1900-1983)… Bà nội ông là cụ Lê Thị Hòe, mặc dù góa chồng lúc mới 18 tuổi, con chưa đủ năm, nhưng đã một lòng nuôi dạy con trai thành tài nên được vua Nam Triều sắc phong bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”. Cụ thân sinh ông là Phan Huy Tùng (1878-1939), Tiến sĩ Nho học khoa Quý Sửu đời vua Duy Tân (năm 1913), từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm, phúc đức, nhân hậu, hết mực yêu con, quý cháu.

            Phan Huy Lê đã sống trọn những năm tháng tuổi thơ tại quê hương, thừa hưởng truyền thống trọng nghĩa và hiếu học từ hai gia đình nội ngoại, lại được khai tâm bằng những bài học làm người của một nhà giáo cách mạng mẫu mực[1]. Những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm bên cánh võng cùng bà nội và tình cảm sâu sắc với gia đình, quê hương đã định hình cá tính và nhân cách trước khi ông rời quê hoà nhập vào cuộc sống xã hội. Nếu bản thân ông thuộc về thế hệ trải qua thời kì gian nan của lịch sử Việt Nam hiện đại, thì tầm nhìn của ông đã vượt ra ngoài giới hạn đó. Chính truyền thống do tổ tông truyền lại đã giúp ông vững vàng trên con đường nghiên cứu một cách khách quan lịch sử nước nhà.

            Năm 1952, khi 18 tuổi, ông ra học dự bị đại học ở Thanh Hoá. Tại đây, ông có cơ hội tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Không ít người đã ngạc nhiên khi nghe ông kể mình vốn ham mê khoa học tự nhiên và dự định chọn Toán – Lý cho tương lai nghề nghiệp của mình. Nhưng dường như số phận đã định trước cho Giáo sư Phan Huy Lê con đường nối nghiệp tổ tông, trở thành nhà Sử học. Ông dự cảm con đường đi của mình gắn liền với lịch sử Việt Nam: “Đất nước ta không rộng lớn lắm, lịch sử không để lại những công trình kỳ vĩ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành…, nhưng ông cha ta đã tạo dựng, lưu giữ và truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một di sản thật vô giá với giang sơn tươi đẹp, đa dạng được lao động của con người khai phá, điểm tô; với những trang sử xây dựng và bảo vệ đất nước gian truân, hào hùng; với một kho tàng văn hoá phong phú và những giá trị truyền thống tiêu biểu cho sức sống và bản sắc dân tộc. Đó chính là cội nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc, là nội lực lớn lao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, của công cuộc phục hưng dân tộc. Mỗi khi biết trân trọng, kế thừa và phát huy sức mạnh tiềm tàng đó, dân tộc ta có thể vươn lên đón nhận và hấp thụ mọi tinh hoa của thời đại, của các nền văn minh trong khu vực và trên thế giới mà vẫn giữ vững cốt cách, bản sắc dân tộc”[2]. Đây cũng là thời điểm đất nước hơn lúc nào hết đang cần những người có tâm và đủ tầm đứng ra xây dựng một nền sử học mới. Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh là những người đầu tiên nhận ra những phẩm chất quý giá ở Phan Huy Lê và hướng ông vào học ban Sử – Địa trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

            Năm 1956, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa: Toán – Lý, Hoá – Sinh, Văn và Sử, Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp Cử nhân Sử – Địa đã được nhận ngay vào bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại thuộc khoa Sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo sư Đào Duy Anh. Ngay từ khi đi học, ông đã được các thày tin cậy giao làm trợ lý giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, ông vừa chính thức đứng lớp, vừa được các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng như một chuyên gia thực thụ. Có lẽ vì thế mà chỉ hai năm sau, khi Giáo sư Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, mới 24 tuổi đời, ông đã vững vàng trong trọng trách của một Chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.

            Dấn thân vào nghề Sử, Phan Huy Lê càng ngày càng nhận thấy lịch sử Việt Nam ẩn chứa biết bao điều cần khám phá và lý giải một cách khoa học. Con đường để đi đến chân lý lịch sử là con đường phức tạp, quanh co, không một chút giản đơn. Phan Huy Lê quan niệm kinh tế – xã hội là cơ sở nền tảng lịch sử. Nước ta là một nước nông nghiệp nên nghiên cứu kinh tế – xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Điều này giải thích vì sao những ấn phẩm đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở về trước (1959)… Tính ra có 5 công trình lớn trong giai đoạn 5 năm đầu bước vào nghề của ông thuộc về lĩnh vực kinh tế – xã hội.

            Khi Phan Huy Lê vừa mới tạo lập được vị trí của mình trong nghiên cứu về kinh tế – xã hội, thì cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tự ý thức trách nhiệm công dân phải tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc, Phan Huy Lê chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những trận đánh lớn trong lịch sử. Ông tổ chức hàng loạt chuyến điều tra khảo sát thực địa tại các vùng chiến trận. Những cuộc điều tra này không chỉ phát hiện nhiều nguồn sử liệu có giá trị nhằm làm sáng tỏ một cách cụ thể và đa diện các sự kiện lịch sử vốn được ghi chép hết sức cô đọng trong sử cũ, mà còn mở ra một phương hướng nghiên cứu và đào tạo hiện đại: nghiên cứu thực chứng, kết hợp sử liệu và điền dã, gắn chặt nghiên cứu khoa học với nhu cầu của đời sống thực tiễn. Những công trình Khởi nghĩa Lam Sơn (viết chung với Phan Đại Doãn, 1965); Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973); Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (chủ biên, 1976); Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (viết chung với Phan Đại Doãn và Nguyễn Quang Ngọc, 1988)… được hoàn thành sau các chuyến điền dã trong điều kiện chiến tranh đã trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu.

            Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một mặt do yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn còn đặt ra hết sức bức thiết, mặt khác bản thân ông cũng rất cần thời gian để hoàn tất một số công trình mang tính tổng kết, Phan Huy Lê tiếp tục dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài chống ngoại xâm và lịch sử chiến tranh, nghệ thuật quân sự. Trong khoảng 15 năm (1975-1989), ông viết có đến 24 công trình lớn, chưa kể hàng chục bài báo và tham luận về đề tài này.

           Nói đến Phan Huy Lê là người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước. Thế nhưng dường như Phan Huy Lê không định hướng vào lịch sử quân sự. Tổng số sách và bài đăng của ông trên các tạp chí nghiên cứu chuyên về mảng đề tài này là 50 trên tổng số 408 công trình ông đã hoàn thành(chiếm 12,2%), một tỷ lệ không cao so với nhiều mảng đề tài khác.

            Điều mà Phan Huy Lê trước sau đặc biệt quan tâm là những vấn đề về kinh tế – xã hội, hình thái kinh tế – xã hôi và các thể chế chính trị – xã hội trong lịch sử Việt Nam trước Cận đại. Một khi có cơ hội, ông lại tranh thủ trở về với đề tài chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, nông dân và làng xã cổ truyền. Số công trình ông viết riêng về mảng kinh tế – xã hội[3] là 51 (chiếm 12,5%), trong đó tiêu biểu là các tác phẩm viết về phong trào nông dân Tây Sơncác cuốn sách, chuyên đề về sự phát triển hình thái kinh tế – xã hội, kết cấu kinh tế – xã hội, làng xã của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ… Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Xã hội thời Hùng Vương (viết chung với Chử Văn Tần, 1970), Cấu trúc của làng cổ truyền Việt Nam (1991), The Country Life in the Red River Delta (viết chung với Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Đình Lê, 1997), Nghiên cứu về làng Việt Nam: thành tựu và triển vọng (2001)… là những công trình có tính đại diện của mảng đề tài này.

            Là một nhà sử học, GS Phan Huy Lê luôn nhấn mạnh vai trò của sử liệu và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử. Với ông, sử liệu là chất liệu quan trọng nhất của công trình Sử học, nên trong quá trình nghiên cứu bao giờ ông cũng mở rộng khai thác triệt để các nguồn sử liệu vàtìm cách mọi cách để có thể trở về với tư liệu nguyên gốc. Ông là người đã đem bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản từ Paris về Việt Nam và viết bài khảo cứu văn bản Đại Việt sử kí toàn thư: tác giả, văn bản, tác phẩm(1983). Đồng thời với tiếp cận trực tiếp đối tượng, ông nêu thành nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Trân trọng và đề cao kinh nghiệm viết sử truyền thống, ông lại chính là người dẫn đầu hiện đại hoá và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới, nhất là phương pháp đa ngành, liên ngành. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của địa bạ, châu bản, gia phả… và vai trò của điều tra khảo sát thực địa. Các công trình tiêu biểu trong lĩnh vực này là các bộ Địa bạ Hà Đông (viết chung nhiều tác giả, 1995), Địa bạ Thái Bình (chủ biên, 1997), Địa bạ cổ Hà Nội (chủ biên, tập 1, 2005; tập 2, 2008), Châu bản triều Nguyễn và Châu bản năm Minh Mệnh 6-7 (1825-1826) (1998)… Ngoài ra, ông còn viết nhiều công trình về phân kì lịch sử và phương pháp luận sử học như Vấn đề phân chia các thời kì và giai đoạn lịch sử (viết chung nhiều tác giả, 1968), Một số vấn đề phương pháp luận sử học (1976), Phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu lịch sử địa phương(1979), Tính khách quan trung thực của khoa học lịch sử (1995)…Tổng số sách và bài nghiên cứu của ông trong lĩnh vực sử liệu và phương pháp tiếp cận là 51 (chiếm 12,5%).

            Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc và giáo dục truyền thống trong bối cảnh hòa bình, GS Phan Huy Lê đã mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hoá và truyền thống từ giữa những năm 1970 và sự quan tâm của ông đến lĩnh vực này càng ngày càng toàn diện với tổng số công trình là 64 (chiếm 15,72%). Những tác phẩm tiêu biểu là Truyền thống và Cách mạng (1982), Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay(chủ biên 3 tập, tập 1, 1994; tập 2, 1996; tập 3, 1997), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2002) và hệ thống các bài viết về giá trị di sản văn hoá của di tích Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long – Hà Nội truyền thống anh hùng và khát vọng vì hòa bình(2010)…

            GS Phan Huy Lê quan niệm lịch sử Việt Nam là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, của tất cả 54 tộc người chung sống trên đất Việt Nam, nên bên cạnh các bộ thông sử, các nghiên cứu tổng quan, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử địa phương, lịch sử các dòng họ và những nhân vật cụ thể. Ông chăm chú theo dõi toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước từ các quy luật vận động chung cho đến những hiện tượng cá biệt có tính ngẫu nhiên của lịch sử. Chính tư liệu địa phương và tư liệu dòng họ là nguồn thông tin bổ sung quan trọng giúp ông làm sáng rõ và sinh động hơn bức tranh lịch sử nước nhà. Ông là người chủ trì Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam và đã viết 92 công trình về các nhân vật lịch sử và dòng họ, chiếm tỷ lệ cao nhất (22,5%) trong các mảng đề tài lớn ông đã hoàn thành. Có thể kể ra các công trình tiêu biểu như Đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa (1974), Nguyễn Trãi (1380-1442): anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (1981), Lê Lợi (1385-1433) sự nghiệp cứu nước và dựng nước (1984), Quang Trung Nguyễn Huệ: thiên tài và sự nghiệp (1992), Lê Thánh Tông trong sự nghiêp xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thế kỷ XV (1992), Nùng Trí Cao, nhân vật lịch sử và biểu tượng văn hóa (1996), Họ Lý Hoa Sơn, một họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc (1995), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một nhân cách lớn (2000)… Các nghiên cứu lịch sử địa phương là 59công trình (chiếm 14,6%). Trong đó phải kể đến Kẻ Giá, một làng chiến đấu truyền thống tiêu biểu và người anh hùng Lý Phục Man (1985), Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay (1985), Trên đất Nghĩa Bình (chủ biên, 1988), Hội An lịch sử và hiện trạng(1991), Phố Hiến: những vấn đề khoa học đang đặt ra (1994), Nam Bộ: không gian – tiếp cận – thành tựu (2011), Lịch sử Thăng Long Hà Nội 2 tập (2012)[4]

            Có thể hình dung toàn bộ trước tác của GS Phan Huy Lê được chia ra thành 7 lĩnh vực chủ yếu, với số công trình từ 41 đến 92 (trung bình 58 công trình) cho mỗi lĩnh vực[5]. Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế. Tầm uyên bác trong các công trình Sử học của GS Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người Thầy, vì theo ông dạy đại học là dạy kết quả nghiên cứu của chính mình. Trách nhiệm lớn nhất đặt ra cho GS Phan Huy Lê không chỉ là làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử cụ thể, mà ông luôn ý thức trách nhiệm tổng kết, khái quát những vấn đề quan yếu nhất của lịch sử đất nước.

            Ngay từ năm 1959, nghĩa là khi mới bắt tay viết những trang bản thảo đầu tiên, ông đã có một tập bài giảng Lịch sử Việt Nam từ 1406 đến 1858. Liên tiếp 2 năm sau, ông cho ra mắt Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập II (1960) và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập III (1961), góp phần làm nên tầm vóc của khoa Lịch sử. Năm 1971 ông cùng Trần Quốc Vượng viết Lịch sử Việt Nam tập I, được coi là cuốn thông sử đầu tiên của chế độ mới. Trong thời gian này hàng loạt các bài giảng, giáo trình khác về Lịch sử Việt Nam ra đời (các năm 1966, 1970, 1978…) làm cơ sở cho sự xuất hiện Lịch sử Việt Nam tập I (tác giả chính, cùng với Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, 1983) – trình bày lịch sử Việt Nam từ thời kỳ nguyên thuỷ đến thế kỷ thứ X, đã thể hiện một bước tiến rất dài, rất căn bản của sử học Việt Nam so với các công trình sử học trước đó. Đặc biệt gần đây, trong đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước xây dựng bộ sách Lịch sử Việt Nam 4 tập, GS Phan Huy Lê vừa là Chủ biên, vừa là tác giả chính của 2 tập (tập 1 và tập 2, 2012), được đánh giá như là một tổng kết sáng giácác thành tựu sử học trong nước và quốc tế về giai đoạn lịch sử từ nguồn gốc cho đến giữa thế kỷ XIX.  Hiện nay ông là Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Quốc gia “Lịch sử Việt Nam” thời đại Hồ Chí Minh tổng hợp, tổng kết và nâng tầm các thành tựu khoa học trong nước và quốc tế, trình bày một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện toàn bộ quá trình lịch sử đất nước kể từ khi có dấu tích con người xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam cho đến thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Bộ sách gồm 24 tập với khoảng trên 20.000 trang in, hoàn thành vào năm 2016, sẽ là đại công trình Quốc sử Việt Nam đầu tiên sau 70 năm thành lập của chế độ mới, mà đất nước và nhân dân luôn kỳ vọng và dành riêng cho GS Phan Huy Lê một sự ủy thác cao cả. Những tổng kết khoa học luôn luôn là mẫu mực của sự “ngang bằng sổ thẳng”[6], những bài giảng, giáo trình và các bộ thông sử đã nâng tầm các công trình khoa học có tầm khái quát cao của Giáo sư Phan Huy Lê lên 41 công trình (chiếm 10,0%), tạo nên sự hoàn hảo và trội vượt trong phẩm chất và tính cách sử học Phan Huy Lê.

            Gần nửa thế kỷ qua, ngoài việc giảng dạy chính ở khoa Lịch sử, ông còn dạy cho nhiều lớp ở khoa Đông Phương học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; ở các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học Viện Quốc phòng; Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Huế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam); Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)… Hàng nghìn học trò được ông đào tạo đã thành đạt và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, quản lý ở trung ương và địa phương, ở trong nước và nước ngoài. Ông cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên của nền giáo dục mới Việt Nam tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn và phản biện nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế, trong đó có 17 học trò trực tiếp của ông đã bảo vệ thành công các luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học.

            Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo Sử học, ông còn được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học.

            Ngành Việt Nam học được khởi đầu bằng các Trung tâm Phối hợp nghiên cứu Việt Nam (1988), Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam (1989) trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá (1995) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội do ông làm Giám đốc. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, mà ông làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho đến năm 2009. Ông đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở trong nước và quốc tế, khởi xướng và tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (1998) với chủ đề Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế được coi là Đại hội đầu tiên của các nhà Việt Nam học toàn thế giới[7]. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển do ông sáng lập và dẫn dắt đã từng bước vươn lên đảm đương sứ mệnh của một Viện quốc gia đầu ngành về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học và có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở cả trong và ngoài nước. Tròn một phần tư thế kỷ, vừa là nhà thiết kế, vừa là nhà thi công, ông đã tạo dựng cho Việt Nam một nền Việt Nam học liên ngành, liên kết và hội nhập quốc tế.

            Trong khi đang phải dồn tâm dồn sức xây dựng Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam thì vào đầu những năm 1990, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại có thêm một quyết định cử GS Phan Huy Lê làm trưởng ban Điều hành xây dựng ngành Đông Phương học. GS Phan Huy Lê đã chủ yếu dựa vào hai khoa Lịch sử và Ngữ văn cùng các trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam và Châu Á – Thái Bình Dương của Trường Đại học Tổng hợp để tổ chức ra các bộ môn Trung Quốc học, Nhật Bản – Korea học, Đông Nam Á học và đặt trong mối quan hệ mật thiết với Việt Nam học. Ngành Đông phương học Việt Nam dần dần được định hình và đến năm 1995 đã trở thành một khoa của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Mặc dù đã hết tuổi quản lý, lại đang phải đảm đương nhiều trọng trách, nhưng với trách nhiệm của một nhà sáng lập, ông không thể từ chối việc kiêm thêm chức Chủ nhiệm khoa Đông phương họcđể dẫn dắt ngành học này trong những năm tháng đầu tiên muôn vàn gian khó. Khoa Đông Phương học sau gần 20 năm xây dựng đã trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo về Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Ấn Độ học và Đông Nam Á học chất lượng cao với hàng nghìn Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ tốt nghiệp phục vụ hiệu quả cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.

            Từ năm 1988 cho đến năm 2016, GS Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và từ 2016 đén nay là Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ông có mặt và chỉ đạo hầu hết các chương trình khoa học và đào tạo của Trung ương hội cũng như các hội địa phương, chuyên ngành, chăm lo cho mỗi bước trưởng thành của từng thành viên. Ông là mẫu mực tập hợp và quy tụ lực lượng, giải quyết thấu đáo và hài hòa tất cả các mối quan hệ, tạo nên một động lực mới, một tầm thế mới của hội, mà dường như chưa bao giờ trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của mình Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có được vị thế như vậy.

            GS Phan Huy Lê nhiều khóa liên tục giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt hay là uỷ viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Học hàm Nhà nước, Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia… Ở cương vị nào ông cũng đều có những đóng góp nổi bật.

            Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010)[8], Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011)[9].

            Và cao hơn tất cả, tên tuổi, tài năng và nhân cách của ông đã trở thành thần tượng, thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh và tấm gương ngời sáng cho các thế hệ học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế./.

——————————————————

[1] Cố PGS.TS Trần Bá Chí cho biết Nhà giáo cách mạng Dương Lung là người thầy dạy chữ đầu tiên cho Giáo sư Phan Huy Lê, cụ hằng khen mấy anh em nhà Giáo sư Phan Huy Lê “đều thông minh, học giỏi, đặc biệt Lê có vẻ mặt rất hiền, bộc lộ một nhân cách dễ mến, dễ gần hiếm có”. Trong bài viết có tiêu đề Một nhân cách sớm được định hình chuẩn mực, cố PGS.TS Trần Bá Chí cho rằng: “nhân cách anh Lê sớm được định hình tốt đẹp do anh được sinh ra từ một gia đình có truyền thống hiếu học, đầy tính nhân ái; các cụ sống theo nếp sống “thanh, thận, cần” (thói nhà băng tuyết) và lấy chữ “hiếu”, chữ “trung” làm đạo thống căn bản”. (Phan Huy Lê Một nhân cách, một sự nghiệp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1999, tr.21).

[2] Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Nxb Thế giới, 2011, tr 11 (Lời nói đầu).

[3] Có 15 cuốn sách và bài báo viết về địa bạ và tình hình ruộng đất thế kỷ XIX cũng thuộc mảng kinh tế-xã hội nhưng chúng tôi không thống kê vào đây mà dành để giới thiệu trong mảng Sử liệu và phương pháp tiếp cận. Nếu tính cả 15 tài liệu này thì số công trình viết về kinh tế-xã hội, thể chế chính trị sẽ là 66 (chiếm 16,17%) tổng số công trình.

[4] Không tính các công trình chung (thông sử – tổng quan), nếu khảo sát kỹ lưỡng từng cuốn sách, bài báo khoa học của GS Phan Huy Lê cũng tìm ra 75 công trình viết về Thăng Long – Hà Nội. Đây là kết quả của cả một quá trình quan tâm lâu dài, với những cống hiến trội vượt của GS Phan Huy Lê cả về số lượng công trình, lĩnh vực chuyên môn và chất lượng học thuật. GS Phan Huy Lê, cùng với GS Trần Quốc Vượng là những nhà khoa học đi đầu tạo dựng một ngành Hà Nội học hiện đại ở những thập kỷ cuối thế kỷ XX và thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

[5] Trong thực tế, cả 7 lĩnh vực này đều có mối liên quan mật thiết với nhau. Không kể các giáo trình, bài giảng, các bộ thông sử hay các nghiên cứu tổng quan thường bao trùm lên tất cả các lĩnh vực (Sử liệu – tiếp cận // Kinh tế – xã hội // Quân sự – chống ngoại xâm // Văn hóa – truyền thống // Dòng họ – nhân vật // Khu vực – địa phương), mà có khi chỉ riêng một lĩnh vực cụ thể cũng không dễ phân tách ra khỏi nhiều lĩnh vực khác. Ở đây chúng tôi chủ yếu dựa vào chủ đề của công trình để phân chia lĩnh vực một cách tương đối, nhằm tìm ra khuynh hướng chung; còn một khi đi sâu nhận xét, đánh giá về các khuynh hướng này thì dứt khoát phải nghiên cứu kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể.

[6] Chữ dùng của GS Hà Văn Tấn trong bài Vài cảm nghĩ về GS Phan Huy Lê in trong sách Phan Huy Lê Một nhân cách, một sự nghiệp, sđd, tr 169.

[7] Tiếp sau đó, ông vẫn là linh hồn của các hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ hai (năm 2004), lần thứ ba (năm 2008), hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, vì Hòa bình (năm 2010) và hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư (năm 2012) đã thực sự đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm của Việt Nam học toàn thế giới.

[8] Vừa là đại diện tiêu biểu về đạo đức và nhân cách, vừa là người có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho Thủ đô Hà Nội mà Giáo sư Phan Huy Lê đã được trao tặng Danh hiệu Công dân Ưu tú của Thủ đô đợt đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nguồn: Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3741

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)