Thứ năm, 12/07/2018 10:18 GMT+7

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati) nhằm đánh giá nguy cơ và nguồn truyền sang người

Cùng với xu thế phát triển của xã hội, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu nuôi chó, mèo làm cảnh ngày càng nhiều. Tuy nhiên chó, mèo là những động vật nuôi có nhiều bệnh có thể lây sang người, đặc biệt là các ký sinh trùng. Gần đây, số lượng người nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo (Toxocara canis và Toxocara cati) ngày càng tăng. Khi người nhiễm bệnh, ấu trùng giun đũa di hành tới một số tổ chức như gan, phổi, tim, mắt, não và gây ra các biến chứng nguy hiểm như đau đầu, động kinh, liệt, co giật... Điều đáng quan tâm là tình hình nhiễm giun đũa ở chó, mèo ở Hà Nội là khá phổ biến đó đó việc nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử nhằm đánh giá nguy cơ và nguồn truyền lây của giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (T. cati) sang người là rất cần thiết.

 

Với mục đích bổ sung nguồn dữ liệu gen học còn thiếu về loài giun đũa chó, mèo tại miền bắc Việt Nam, và làm sáng tỏ các nguy cơ nhiễm cũng như các nguồn lan truyền giun đũa từ chó, mèo sang người, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Thú Y đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học phân tử giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati) nhằm đánh giá nguy cơ và nguồn truyền sang người” với 3 nội dung chính được triển khai bao gồm: 1. Xác định chỉ thị sinh học phân tử và ứng dụng các chỉ thị này để nghiên cứu dịch tễ học; 2. Điều tra cơ bản giun đũa chó/mèo trên người, chó và mèo, thu mẫu giun đũa và trứng giun đũa, tìm hiểu mối tương quan về loài của giun đũa nhiễm ở chó, mèo và đất và rau; 3. Xác định nguy cơ nhiễm giun đũa chó, mèo sang người.

Các phương pháp được áp dụng gồm Phương pháp PCR và giải trình tự phân tích chuỗi gen, định danh loài giun và trứng giun đũa trên chó, mèo, đất và rau; Phương pháp phù nổi và lắng cặn trên mẫu chó, mèo, đất và rau, thu mẫu thực hiện PCR; Phương pháp ELISA phát hiện kháng thể kháng giun đũa chó, mèo trên người; và Thống kê, so sánh các loài và tính toán lây nhiễm.

Trong 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu hoàn thiện dịch tễ học phân tử xác định chỉ thị phân tử phù hợp, cung cấp dữ liệu gen học, xây dựng phương pháp chẩn đoán PCR/PCR đa mồi, làm rõ được nguy cơ và nguồn lan truyền bệnh giun đũa chó, mèo sang người; và chỉ thị sinh học phân tử cho thấy sự tương đồng về loài giun đũa nhiễm trên chó, mèo và từ các mẫu rau sống ở phía Bắc Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu đã được báo cáo chi tiết trên tạp chí Journal of Helminthology và tạp chí Khoa học và phát triển cho thấy:

- Đã định loại được hai loài giun đũa ở chó mèo tại khu vực nghiên cứu là Toxocara canis ở chó Toxocara cati ở mèo. Đây là loài mới được phát hiện thấy ở mèo tại Việt Nam. Bên cạnh đó các mẫu trứng thu được từ lông chó, mèo cũng được giám định và định loại thuộc  T.canis và T.malaysiensis. Trong nghiên cứu này, xác định được duy nhát chỉ có T.malaysiensis mà không có T.canis gây bệnh giun đũa trên mèo. Phát hiện T.malaysiensis ở mèo ở Việt nam (không có T.cati) đặt ra vấn đề về sự phổ biến và phân bố của cả các loài giun đũa mèo ở Châu Á và thế giới, cũng như về tiềm năng của T.malaysiensis có khả năng lây nhiễm trên người ở Việt Nam và các quốc gia có các loài này. Kết quả này không những có giá trị khoa học lớn mà còn là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ: Liện ở Việt Nam, mèo có nhiễm thêm T.cati hay không hay chỉ duy nhất nhiễm T.malaysiensis, và trên người có loài Toxocara nào không?

- Việc giám định loài được thực hiện qua phân tích đặc điểm chuỗi gen ty thể Atp6(598bp) và gen nhân ITS2 (333bp). Kết quả sắp xếp đối chiếu trình tự nucleotide của gen Atp6 cho thấy Toxacara sp.trên mèo có mức độ đồng nhất đạt đến 99.3-100% với loài T.malaysiensis. Trong khi đí có T.cati, tỷ lệ này chỉ đạt 89-90.1%, với T.cati là 86,7-87,9% và với T.vitulorum là 80.5- 88,4%. Khoảng cách di truyền giữa các chủng Toxocara sp. trên mèo của Việt Nam gần như không sai khác với loài T.malaysiensis, trong khi đó các chủng của loài T.cati, T.canis , T.vitulorum và Toxascaris leonia tách biệt hoàn toàn nằm trong các nhóm tương ứng của chúng. Bên cạnh đó, kết quả sắp xếp đối chiếu trình tự nucleotide cho thấy Toxocara sp. trên cho của Việt Nam có tỷ lệ đồng nhất của genatp6 và ITS2 lần lượt là: với loài T.canis (98,2-99,7%/atp6 và 95,6-100%?ITS2); với T.cati (88,5-89,1% và 76,7-79,7%); với  T.malaysiensis (86,8 – 87,5% và 79,3 – 81,9%) và với T.vitulorm (83,2-88,1% và 80,2 – 80,6%). Phân tích phả hệ dựa trên chỉ thị gen atp6 và ITS2 cho thấy có 5 nhóm riêng biệt, trong đó nhóm T.canis gồm các chủng Toxocara sp trên chó của Việt Nam và các chủng tham chiếu thuộc loài T.canis; 4 nhóm còn lại là nhóm các loài T.cati, T.canis , T.vitulorum và Toxascaris leonia tách biệt hoàn toàn với nhóm T.canis. Do vậy, đặc điểm về gen học và phân loại của T.canis ở chó và Toxascaris leonia ở mèo đã cung cấp thêm hiểu biết về loài giun đũa gây bệnh trên chó, mèo tại Việt Nam, từ đó giúp giám sát dịch tễ học trong cộng đồng đối với bệnh động vật lây sang người này đạt hiệu quả cao hơn.

- Nghiên cứu dịch tễ học cũng đã chỉ ra rằng: với tỷ lệ nhiễm giun đũa khá cao ở chó (37,7% và 24,3%), mèo (47,8% và 38,3%) tại Hà Nội và Hưng Yên thì việc nuôi thả rông và đi vệ sinh bừa bãi của chó mèo tại 2 huyện ngoại thành Hà Nội và một số ít được nuôi nhốt tại Hưng Yên (38%) nhưng được thả ra vào buổi sáng sớm để đi vệ sinh hoặc phân chuồng của chúng bị đổ ra mương ở trước nhà sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, với thói quen ăn rau sống (>82% hộ), trẻ em nghịch đất, cát  (>76% hộ) và việc thường xuyên ôm chó mèo vào lòng (50% hộ) sẽ là các nguy cơ làm lan truyền mầm bệnh từ chó mèo sang người (khi mà trứng giun đũa chó mèo đã được phát hiện thấy ở mẫu rau, đất và lông). Ngoài ra, việc hạ sốt cho trẻ con bằng các loại nước lá như nhọ nồi hoặc ăn rau má, diếp cá vào mùa hè cũng tiềm tang nguy cơ nhiễu ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Đây cũng có thể là những lý do khi mà kết quả kiểm tra trên người cho thấy >58% dương tính với Toxocara sp.

Từ các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kiến nghị, việc tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo và tích cực tuyên truyền để người dân chủ động ngăn ngừa được các nguy cơ lan truyền mầm bệnh này từ chó mèo sang người là rất cần thiết và rất cần sự phối hợp của nhiều ban ngành để chương trình phòng chống giun sán của quốc gia đạt hiệu quả như mong muốn.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13084-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 11212

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)