Chủ nhật, 15/07/2018 08:23 GMT+7

CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra và không ai có thể đứng ngoài cuộc

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đang ở điểm xuất phát với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Thế nhưng CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Do vậy, Nhà nước cần phải xây dựng được những chính sách thực tiễn, trong đó nguồn nhân lực là hết sức quan trọng và mang tính quyết định.

Các diễn giả đối thoại tại Hội thảo.
 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cho biết như trên khi trình bày báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia CMCN 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam và các đề xuất chính sách tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” diễn ra chiều 13/7.

Hội thảo diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học. Đây là một trong những sự kiện tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra từ ngày 12 - 13/7/2018.

Công nghiệp số hóa tăng năng suất lao động

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ và tác động đến mọi quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã quan tâm và chủ động ban hành các chiến lược nhằm tận dụng cơ hội để phát triển. Cuộc CMCN 4.0 cũng đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lý mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa đòi hỏi phải có chính sách bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị, các đại biểu dự Hội thảo tập trung thảo luận về tình trạng, mức độ tiếp cận và tham gia cuộc CMCN 4.0 của các doanh nghiệp  Việt Nam nói chúng và  doanh nghiệp công nghiệp nói riêng; những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh  của doanh nghiệp và của nền kinh tế; phân tích đánh giá những tiềm năng lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và xu hướng công nghệ mới; phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong  việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ  thông minh vào sản xuất kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản trị rủi ro khi hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đều được tự động hóa...

Hội thảo góp phần xây dựng các Nghị quyết của Bộ Chính trị, hoạch định đường lối chính sách để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, thực hiện thành công Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về Định hướng chính sách công nghiệp quốc gia; đồng thời là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu, quản lý của Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa, nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạo nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...

Nguồn nhân lực mang tính quyết định

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia cuộc CMCN 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng, những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ thiết thực từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới trong việc triển khai CMCN 4.0; việc xây dựng, quản lý và vận hành những mô hình nhà máy số, nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng, cạnh tranh, tối ưu hóa vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận.

Tại Hội thảo, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup đã chia sẻ thông tin về mô hình sản xuất chất lượng cao ứng dụng công nghệ 4.0 của thương hiệu ô tô VinFast. Theo đó, Quy trình sản xuất của VinFast được thực hiện trong 5 nhà máy riêng rẽ với những công nghệ thông minh theo tiêu chuẩn 4.0 nhằm chẩn đoán thông minh, tối ưu hóa tài nguyên, giám sát hiệu suất máy móc theo thời gian thực tế... Các dây chuyền công nghệ trong các nhà máy của VinFast được đặt hàng từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới về công nghiệp ô tô. Theo ông Võ Quang Huệ, điều quan trọng nhất để tương lai của VinFast thành hiện thực vẫn là con người. Do vậy, cùng với việc xây dựng các nhà máy của mình, VinFast đã mở trung tâm đào tạo nhân lực nhằm có đủ đội ngũ của mình khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động. 

Đến từ Bosch Việt Nam, Tổng Giám đốc Guru Mallikarjuna cho rằng, ngành công nghiệp 4.0 trong nền kinh tế mới nổi được thúc đẩy bởi nhân lực giỏi và sự đổi mới. Những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất bao gồm kỹ năng, khả năng mở rộng, hạn mức phí tổn và Luật cho Chính phủ ban hành. Hiện Bosch đang định hướng tương lại bằng những giải pháp công nghệ được kết nối và hợp nhất cùng chuỗi giá trị. Tầm nhìn của Bosch về một nhà máy sản xuất tương lai đó là: Kết nối, Thông minh và Linh hoạt. Do đó, Bosch đang cố gắng hết mình để công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng tại thị trường mới nổi.
 

\

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giới thiệu các mẫu vệ tinh giám sát.
 

Theo các đại biểu dự Hội thảo, công nghệ thông tin và truyền thông cùng những xu hướng mới của CMCN 4.0 tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Nhiều giải pháp quản trị rủi ro và quản lý tuân thủ quy định nhằm giám sát, rà soát và đánh giá, kiểm soát rủi ro trong nhiều bộ phận nghiệp vụ, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được triển khai, tạo ra khung giải pháp quản lý rủi ro đa lớp mạnh mẽ, ổn định.

Các đại biểu đã phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức để khai thác tiềm năng của nền công nghiệp 4.0; vấn đề quản trị rủi ro trong phát triển giải pháp thông minh. Hầu hết các đại biểu cho rằng, nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt Nam trong CMCN 4.0. 

Sau 9 báo cáo tham luận, dưới sự điều khiển của ông Nguyễn Vũ Lưu - Trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), các diễn giả đã đối thoại, trả lời những câu hỏi của các đại biểu dự Hội nghị về những vấn đề trong quá trình triển khai áp dụng công nghệ 4.0 và kiến nghị một số chính sách đối với việc phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, CMCN 4.0 đã và đang đến rất gần với Việt Nam và để giành được thế chủ động thì yếu tố chính sách và nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng nhau nỗ lực trong cuộc cách mạng này nhằm giành được những lợi thế lớn nhất cho đất nước.
 

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩn của Công ty Cổ phần Esystech tại Diễn đàn.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5433

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)