Thứ hai, 30/07/2018 15:42 GMT+7

Khảo sát thực nghiệm khả năng áp dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi tôm tại Bạc Liêu

Trong tháng 07 năm 2018, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) cử đoàn cán bộ do ông Phạm Ngọc Hiếu, Phụ trách Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm làm trưởng đoàn đã tới tỉnh Bạc Liêu để khảo sát nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương phục vụ thử nghiệm chuyển giao công nghệ cảm biến không dây để giám sát chất lượng môi trường nước nuôi tôm.

Hiện nay, Bạc Liêu là địa phương có diện tích nuôi tôm đứng thứ nhì với sản lượng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, và đang "bứt phá" để trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước với diện tích nuôi tôm hơn 124.471 ha và sản lượng gần 105.000 tấn/năm. Bạc Liêu hiện đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư mô hình nuôi tôm hiện đại, công nghệ cao. Đoàn đã làm việc với các doanh nghiệp khoa học công nghệ điển hình như : Công ty TNHH MTV Long Mạnh, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
 

Bà con nông dân tỉnh Bạc Liêu thu hoạch tôm. Ảnh: Hà Thương
 

          Đại diện Công ty TNHH MTV Long Mạnh, kỹ sư Long Văn Nghĩa chia sẻ: "Công ty TNHH MTV Long Mạnh là doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực: thực phẩm, nuôi trồng thủy sản nội địa, sản xuất giống thủy sản và sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Hiện Công ty đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao với hình thức siêu thâm canh 3 giai đoạn trong bể nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Công ty xây dựng 4 bể nổi có tổng diện tích 2000m2, được làm từ khung sắt tròn, phủ bạt và hệ thống xử lý nước thải theo quy trình Biofloc. Mật độ thả nuôi khoảng 500 con/m2."
 

Kỹ sư Long Văn Nghĩa giới thiệu với cán bộ Viện SCCN về quy trình giám sát môi trường nước hiện tại của công ty đối với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh. Ảnh: Hà Thương
 

          Qua khảo sát thực nghiệm, Viện SCCN nhận thấy với quy trình nuôi tôm siêu thâm canh ngoài việc kiểm soát chất lượng giống đầu vào, chất lượng thức ăn và quản lý thức ăn thì kiểm soát chất lượng nước cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Chất lượng nước quyết định hiệu quả của thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm nhưng yếu tố này lại khó dự đoán và kiểm soát. Tuy nhiên, đa phần người nuôi tôm lấy mẫu nước từ 1 đến 2 lần trong 1 ngày và dùng các phương pháp thử mẫu truyền thống để xác định chất lượng nguồn nước. Do vậy, việc sử dụng phương pháp thử mẫu truyền thống tồn tại nhiều nhược điểm như: tốn nhân lực, thời gian, các thông số bị sai lệch nhiều do thiết bị và ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài môi trường.
 

Đoàn cán bộ Viện SCCN khảo sát, đo đạc điều kiện thực tế phục vụ chuyển giao công nghệ tại Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam sông Hậu. Ảnh: Hà Thương
 

          Đoàn cán bộ Viện SCCN cũng khảo sát thực nghiệm tại mô hình nuôi tôm truyền thống ao nuôi trải bạt tại trại thực nghiệm - Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam sông Hậu. Qua khảo sát thực nghiệm tại Bạc Liêu, TS. Phạm Ngọc Hiếu chia sẻ: "Có rất nhiều vấn đề mà người nuôi trồng thủy sản phải đối mặt như con giống, môi trường sống,... Với sự phát triển của công nghệ sinh học con người đang làm chủ về vấn đề con giống. Nhiều con giống mới cho năng suất cao đã ra đời. Tuy nhiên, vấn đề về môi trường sống đặc biệt với những con giống đòi hỏi môi trường đạt tiêu chuẩn cao là một thách thức lớn với người nuôi. Do đó, việc áp dụng công nghệ cao trong giám sát môi trường nước nuôi trồng thủy sản sẽ đem lại nhiều thành quả tích cực, nâng cao năng suất chất lượng. Việc kiểm soát nguồn nước và môi trường sống là vấn đề phức tạp. Hiện nay phương thức chủ yếu của người nuôi là dựa trên kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản do đó năng suất đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, các nguồn công nghệ nước ngoài giá thành đắt và chưa được tiếp cận chuyển giao một cách phù hợp."

          Kết quả của chuyến khảo sát thực nghiệm lần này giúp Viện SCCN nắm bắt được hiện trạng, điều kiện thực tế và nhu cầu tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trong quá trình giám sát môi trường nước. Từ các nhu cầu này, Viện SCCN đưa ra giải pháp công nghệ để giám sát các chỉ tiêu môi trường nước giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro, hướng đến xây dựng thành công quá trình nuôi tôm bền vững cho năng suất, chất lượng cao, góp phần phát triển nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Lượt xem: 2712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)