Thứ ba, 21/08/2018 15:32 GMT+7

Hội nghị điện quang và y học hạt nhân toàn quốc lần thứ XX

Trong 02 ngày 17-18/8/2018, Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XX tại Thành phố Hà Nội.

Hội nghị do GS. TS. Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội chủ trì, cùng sự tham gia của các đại biểu: GS. TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. TS. Bùi Đức Phú - Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, GS. TS. Lê Ngọc Thành - Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) và hơn 1000 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên đến từ các cơ sở chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân trên cả nước. Hội nghị còn có sự tham dự của các chuyên gia, giáo sư y khoa hàng đầu đến từ các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Singapore....Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ phong tặng Danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Trường đại học Y Hà Nội cho GS. Louis Boyer - Bệnh viện Đại học Clermont Ferrand, Cộng hòa Pháp vì những đóng góp của ông cho chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân Việt Nam.

 

Lãnh đạo Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Hội điện quang và y học hạt nhân Việt Nam và đại diện đại biểu tham dự Hội nghị.


Tại phiên khai mạc Hội nghị, GS.TS. Phạm Minh Thông đã ôn lại lịch sử phát triển của chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân Việt Nam kể từ thời điểm ban đầu với trang thiết bị chỉ là một số máy X-quang công suất nhỏ và máy siêu âm thô sơ. Đến nay, lĩnh vực điện quang đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các thiết bị chẩn đoán hiện đại như chụp cắt lớp điện toán (CT) đa dãy, cộng hưởng từ, máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)… Bên cạnh đó, lĩnh vực y học hạt nhân cũng đã phát triển mạnh ở các thành phố lớn và các bệnh viện tuyến trung ương với các thiết bị xạ hình hiện đại, đắt tiền như SPECT, SPECT/CT, PET/CT… qua đó nâng cao hiệu quả trong khám và điều trị bệnh cho người dân.

 

Khánh thành khu trưng bày - trình diễn công nghệ, thiết bị trong khuôn khổ Hội nghị.

 

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử về tình hình thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 theo Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại Phiên họp thứ IV của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, tháng 6/2018), chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân của Việt Nam thời gian qua có sự phát triển mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ với các trang thiết bị y tế hiện đại cùng việc phát triển và làm chủ các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến của đội ngũ giáo sư, bác sỹ, chuyên gia y tế. Một số kỹ thuật cao về điện quang can thiệp, y học hạt nhân ngang tầm khu vực và quốc tế đã được thực hiện thành công ở Việt Nam. Đặc biệt, Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” và Cụm công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016. Nhằm góp phần tiếp tục phát triển lĩnh vực điện quang và y học hạt nhân như mục tiêu đề ra trong Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển cho giai đoạn sau 2020, việc nghiên cứu xây dựng Bản đồ và lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế đang được Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Hội điện quang và y học hạt nhân, các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Hội nghị điện quang và y học hạt nhân toàn quốc lần thứ XX có gần 150 báo cáo của các chuyên gia, bác sỹ, nhà khoa học trong và ngoài nước, bao gồm các phiên về các chủ đề trong lĩnh vực điện quang (thần kinh, bụng - tiểu khung, lồng ngực, cơ xương khớp, u bướu, can thiệp, tim - mạch, vú và tạng nông, siêu âm), y học hạt nhân và 11 lớp hướng dẫn thực hành chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân. Bên cạnh các nội dung chuyên môn, trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra hoạt động trưng bày - trình diễn công nghệ, thiết bị hiện đại về điện quang và y học hạt nhân với sự tham gia của nhiều hãng sản xuất thiết bị y tế lớn như GE Healthcare, Hitachi, Siemens Healthineers, Philips…
 

GS. TS. Phạm Minh Thông, TS. Hoàng Anh Tuấn và các đại biểu tham quan Hệ thống chụp cắt lớp vi tính thế hệ mới của công ty Siemens Healthineers tích hợp giải pháp giới hạn liều bức xạ cho bệnh nhân ở mức chụp X-quang thông thường.

 

Điện quang và y học hạt nhân là chuyên ngành chẩn đoán cận lâm sàng không thể thiếu, có đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong những thành công của công tác khám, chữa bệnh của Việt Nam. Trong thời kỳ trước, chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân chủ yếu hỗ trợ các nhà lâm sàng trong việc phát hiện bệnh, đánh giá giai đoạn của bệnh để áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, chuyên ngành điện quang và y học hạt nhân có tầm quan trọng vô cùng lớn, không chỉ phục vụ chẩn đoán đơn thuần mà đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật cao, thậm chí có những kỹ thuật là duy nhất trong điều trị bệnh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 4618

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)