Thứ sáu, 14/09/2018 16:35 GMT+7

Trung thu 2018: Người tiêu dùng ngày càng thích đồ chơi trẻ em hợp chuẩn

Khác với những dịp Tết trung thu trước đây, người tiêu dùng hiện đã có nhận thức rõ ràng hơn về việc lựa chọn những mặt hàng đồ chơi trẻ em đạt chuẩn cho con trẻ.

Hàng Việt lên ngôi

Chỉ chưa đầy hai tuần nữa, Tết trung thu sẽ diễn ra theo đúng truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, ngay trong thời gian này, hoạt động kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Trung thu nhất là các loại đồ chơi trẻ em đã và đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tại Hà Nội, có rất nhiều khu buôn bán đồ chơi trẻ em tập trung với số lượng lớn như ở phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Tôn Thất Tùng, Tô Hiệu….

Mùa Trung thu năm nay, các mặt hàng đồ chơi trẻ em được cải tiến nhiều về mẫu mã và xuất hiện thêm nhiều loại sản phẩm mới. Một số loại đồ chơi đặc trưng như đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ… cũng được các doanh nghiệp sản xuất đa dạng về màu sắc, kiểu cách. Tuy nhiên, so với mọi năm, giá của những loại sản phẩm đồ chơi này không tăng đột biến mà giữ ở mức vừa phải.
 

Đồ chơi trẻ em dịp Tết trung thu 2018 đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá cả. Ảnh: Bảo Lâm
 

Các loại trống cầm tay có giá từ khoảng 15-70 nghìn đồng/chiếc tùy chủng loại kích cỡ; kiếm nhựa dao động từ 40-120 nghìn đồng/cái; đầu lân từ khoảng 130-220 nghìn đồng/chiếc; mặt nạ các loại dao động từ 20-50 nghìn đồng/chiếc; đèn lồng nhựa cỡ lớn khoảng 150-350 nghìn đồng/chiếc…

Qua khảo sát thị trường đồ chơi trẻ em tại Hà Nội, có thể nhận thấy rõ, bên cạnh nhiều sản phẩm đồ chơi từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…số lượng sản phẩm đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ trong nước xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các cửa hàng đồ chơi, các siêu thị, nhà sách. Trong đó, những loại đồ chơi làm bằng gỗ, tre, chất liệu tự nhiên cũng được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hơn.

Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Huyền (chung cư 789, Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian qua, đã có những thông tin về việc đồ chơi Trung Quốc có chất gây hại được bán trên thị trường, dễ khiến trẻ mắc bệnh nếu sử dụng. Vì vậy, đã hai ba năm nay, tôi chọn mua cho con mình những đồ chơi có xuất xứ từ Việt Nam. Tôi nghĩ đồ chơi trong nước dù giá có cao hơn đôi chút nhưng sẽ an toàn hơn vì có nhiều loại được làm từ nguyên liệu thiên nhiên gần gũi. Hơn nữa, cũng có nhiều loại đồ chơi mang tính giáo dục truyền thống cao, đã quen thuộc với tuổi thơ của nhiều trẻ em Việt từ trước tới giờ”.

Cùng quan điểm trên, một nhân viên nhà sách Tiến Thọ (Đường Láng, Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây có nhiều khách hàng đến hỏi mua đồ chơi trẻ em có nguồn gốc trong nước. Các loại đồ chơi làm từ gỗ như bảng tính, bộ xếp hình, tàu hỏa… cũng được nhiều vị phụ huynh lựa chọn.

“So với thời điểm cách đây chừng 3-4 năm, đồ chơi trẻ em xuất xứ trong nước chưa được ưa chuộng nhiều bởi giá khá cao, hơn nữa, mẫu mã ít, không đa dạng như hàng nhập ngoại nhất là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã có những thay đổi nhất định trong sản xuất đồ chơi trẻ em. Họ đầu tư thêm công nghệ, thay đổi mẫu mã, cải tiến các sản phẩm mới hơn, bắt mắt hơn. Đây cũng chính là lý do mà hàng Việt ngày càng được ưa chuộng hơn”, nhân viên này cho hay.

Đồ chơi ngày càng 'hợp chuẩn'

Tại Hà Nội, có nhiều cửa hàng, siêu thị, quầy đồ chơi bày bán đồ chơi “Made in Việt Nam”. Thậm chí, có nơi chỉ chuyên bán các loại đồ chơi xuất xứ Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm có màu sắc tươi sáng, chi tiết sắc nét và đều được gắn dấu hợp quy CR - dấu thể hiện sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy, được kiểm tra an toàn trước khi lưu thông trên thị trường.
 

Trên thị trường, có nhiều mặt hàng đồ chơi đảm bảo chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, có tem CR đầy đủ. Ảnh: Bảo Lâm 
 

Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đồ chơi Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm các loại đồ chơi trẻ em. Đồng thời, vận dụng những giải pháp tối ưu hóa quá trình sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường vừa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, vừa đảm bảo mức giá vừa phải - thứ trước kia vẫn là điểm yếu của hàng Việt khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Trao đổi với PV, chị Hương - cán bộ Phòng Marketing của Công ty CP đồ chơi an toàn Việt cho biết, tất cả các đồ chơi của công ty trước khi ra thị trường đều được đem đi kiểm định và đảm bảo chất lượng trước khi ra thị trường. Về chất lượng hạt nhưa, các sản phẩm của công ty đều là hạt nhựa nguyên sinh, không phải là hạt nhựa tái chế. Cùng với đó, trong khâu sản xuất, sản phẩm không thêm tạp chất và được pha chế phẩm màu theo đúng quy chuẩn an toàn.

“Về nguyên liệu và sản phẩm đầu ra của công ty đều có nhân viên kiểm tra sản phẩm do đó khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Sản phẩm được tiêu thụ trên toàn quốc và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Những năm gần đây, do lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ nên nhiều bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Khá nhiều người hồ hởi cho rằng cảm thấy yên tâm với đồ chơi Việt Nam vì có nguồn gốc xuất xứ chứ không phải hàng trôi nổi độc hại", chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn Hà Nội không thực hiện đầy đủ những quy định về nhãn sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn không có bao bì gói mà để trần, một số loại thậm chí đã cũ, xỉn màu, tem nhãn của sản phẩm có dấu hiệu bong tróc.... 
 

Tuy nhiên, còn xuất hiện đồ chơi dù có ghi nhãn nhưng lại không thể hiện rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Bảo Lâm 
 

Không chỉ “thiếu chuẩn” về nguồn gốc, xuất xứ hay những lỗi vi phạm về ghi nhãn, thị trường đồ chơi trẻ em tại Hà Nội còn xuất hiện tình trạng có những mặt hàng đồ chơi bạo lực vẫn được bán “lén lút”. Dù không bày bán trực tiếp ở quầy nhưng khi phát hiện thấy những khách hàng có nhu cầu, các chủ cơ sở vẫn đồng ý cung cấp hàng một cách kín kẽ.
 

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc đồ chơi bạo lực lưu thông ra ngoài thị trường nhưng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em lại chưa ý thức đầy đủ về tác hại của hành vi nêu trên. Thêm vào đó, không ít các chủ cửa hàng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh các mặt hàng bị pháp luật cấm, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, người tiêu dùng nhất là các phụ huynh có con nhỏ nên cân nhắc kỹ khi mua đồ chơi Trung thu cho trẻ nhỏ trên thị trường. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên mua các sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ và không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi bạo lực.

 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 4734

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)