Thứ bảy, 29/09/2018 11:22 GMT+7

Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng barit và tận thu chì trong quặng barit khu vực Bao Tre tỉnh Thanh Hóa

Việt Nam có nguồn tài nguyên barit tương đối lớn, quặng chứa ba kiểu khoáng chính: Barit - thạch anh, barit - đất hiếm và barit sunfua đa kim. Vùng mỏ barit Bao Tre có diện tích khoảng 46 ha, thuộc xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả báo cáo thăm dò đã khoanh định được 3 thân quặng có trữ lượng cấp 121 122 và tài nguyên cấp 211 là 374,1 ngàn tấn quặng barit, trong đó trữ lượng chì kim loại đi kèm là 6.040 tấn. Hiện nay, các mỏ quặng barit có chứa chì đi kèm, đặc biệt đối với các mỏ có hàm lượng Pb < 1%, công tác nghiên cứu tuyển mới chỉ dừng lại trong việc thu hồi sản phẩm quặng tinh barit đạt chất lượng mà chưa chú trọng thu hồi quặng tinh chì, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng môi trường, giảm hiệu quả kinh tế của đơn vị sản xuất.

 

Công nghệ tuyển được áp dụng đối với khu vực mỏ barit Bao Tre là công nghệ tuyển nổi barit gồm 1 khâu tuyển chính, 1 khâu tuyển vét và 1 khâu tuyển tinh từ quặng nguyên khai có hàm lượng BaSO4 trung bình là 53,71%, hàm lượng Pb là 0,88%. Yêu cầu sản phẩm thu được sau quá trình tuyển tại nhà máy là sản phẩm quặng tinh barit 1 có hàm lượng 95% BaSO4, tỷ trọng 4,2 g/cm3 phục vụ cho ngành khoan khai thác dầu khí và xuất khẩu; quặng tinh barit 2 có hàm lượng 85% BaSO4 phục vụ nhu cầu làm vật liệu xây dựng sản xuất xi măng nặng và bê tông chống phóng xạ... Các sản phẩm quặng tinh barit thu được từ sơ đồ công nghệ tuyển đạt chất lượng yêu cầu cung cấp thị trường trong nước, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu làm sản phẩm xuất khẩu do hàm lượng các tạp chất trong quặng tinh khá cao, đặc biệt là hàm lượng SiO2. Mặt khác, hiện nay nhà máy chưa có công nghệ tuyển thu hồi các khoáng vật có ích đi kèm trong quặng barit như chì, kẽm, bạc. Các khoáng vật này, đặc biệt là chì đi theo quặng tinh barit làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc theo quặng thải gây thất thoát và lãng phí nguồn tài nguyên.

Với tình hình như trên, Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát đã có công văn số 151/CV-APT đề nghị Viện khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim phối hợp thực hiện nghiên cứu công nghệ tuyển quặng barit và tận thu chì trong quặng barit, từ đó là cơ sở để áp dụng công nghệ trực tiếp vào thực tiễn  sản xuất cho đơn vị này.

Để triển khai nghiên cứu quy trình công nghệ tuyển phù hợp, đồng thời tận thu được tối đa quặng tinh chì đi kèm, năm 2016, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim do ThS. Phạm Đức Phong làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng barit và tận thu chì trong quặng barit khu vực Bao Tre tỉnh Thanh Hóa”.

Đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật sau:

- Quặng barit khu vực Bao Tre tỉnh Thanh Hóa là đối tượng quặng có thành phần vật chất thuộc loại hình barit - thạch anh - sunfua. Trong mẫu, barit và thạch anh chiếm thành phần chủ đạo, ngoài ra còn có các khoáng vật khác như galenit, sphalerit, chalcopyrit, pyrit xâm nhiễm trong nền quặng barit - thạch anh. Kết quả phân tích hóa đa nguyên tố mẫu quặng nguyên khai, hàm lượng BaSO4 là 53,25%, hàm lượng Pb là 0,81%, các thành phần có ích khác có hàm lượng rất nhỏ.

- Kết quả nghiên cứu thành phần độ hạt mẫu nghiên cứu đã được gia công xuống độ hạt -2mm, thu hoạch các cấp hạt thô (0,074mm) chiếm 85,25%, cấp hạt mịn (-0,074mm) chiếm 14,75%. Hàm lượng BaSO4, Pb có xu hướng tăng khi giảm dần độ hạt. Để thu được quặng tinh barit và quặng tinh chì đạt yêu cầu chất lượng cần gia công giảm độ hạt để phá vỡ được các kết hạch xâm nhiễm trong mẫu.

- Kết quả nghiên cứu tuyển mẫu công nghệ trên thiết bị bàn đãi không hiệu quả: Sản phẩm quặng tinh chì đạt hàm lượng 23,01% Pb, với thực thu là 24,37%, sản phẩm quặng tinh barit đạt hàm lượng 93,67% BaSO4, với thực thu 54,68%.

Sơ đồ công nghệ tuyển mẫu quặng barit khu vực Bao Tre, Thanh Hóa bao gồm 2 khâu tuyển nổi chọn riêng thu hồi quặng tinh chì và tuyển nổi chọn riêng thu hồi quặng tinh barit. Kết quả nghiên cứu đối với từng khâu tuyển như sau:

Đối với khâu tuyển nổi chọn riêng chì: Sơ đồ công nghệ tuyển gồm 1 lần tuyển chính, 2 lần tuyển vét, 2 lần tuyển tinh với chế độ tuyển như sau: Độ mịn nghiền: 85% cấp hạt -0,074 mm; Môi trường tuyển pH=8; Chi phí thuốc đè chìm: Na2SiO3=200 g/t; Chi phí thuốc tập hợp: Butyl xantat= 200 g/t; Chi phí thuốc tạo bọt: Flotinor 7166=100 g/t;

Đối với khâu tuyển nổi chọn riêng barit: Sơ đồ công nghệ tuyển gồm 1 lần tuyển chính, 2 lần tuyển vét, 2 lần tuyển tinh với chế độ thuốc tuyển như sau: Môi trường tuyển pH=8; Chi phí thuốc đè chìm: Na2SiO3=600 g/t; Chi phí thuốc kích động: BaCl2=300 g/t; Chi phí thuốc tập hợp: Flotinor S72=700 g/t; Chi phí thuốc tạo bọt: Flotol B=20 g/t.

Tổng hợp kết quả thí nghiệm tuyển nổi sơ đồ vòng kín đã thu được sản phẩm quặng tinh chì đạt hàm lượng 51,56% Pb, thực thu Pb đạt 75,09%; sản phẩm quặng tinh 1 barit đạt hàm lượng 95,28% BaSO4, sản phẩm quặng tinh 2 barit đạt hàm lượng 87,43% BaSO4 ; tổng thực thu sản phẩm quặng tinh barit đạt 95,89%. Các chỉ tiêu về hàm lượng và thực thu đều vượt so với mục tiêu đặt ra và có tính lặp lại. Điều đó khẳng định quy trình công nghệ cũng như các chỉ tiêu công nghệ đạt được có tính khả thi cao.

Kết quả nghiên cứu nâng cao hàm lượng SiO2 trong quặng thải đã thu được sản phẩm phụ có hàm lượng SiO2=98,11%, hàm lượng các nguyên tố TiO2 =0,01%, Fe2O3=0,32%, Al2O3=0,29%, đều trong giới hạn cho phép đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu làm sản phẩm khuôn đúc.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13475) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4409

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)