Thứ hai, 08/10/2018 16:21 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway cho mạng di động thế hệ sau LTE Advanced tại Việt Nam

Theo xu hướng chung, các mạng di động của Việt Nam cũng đang dần chuyển sang mạng thế hệ 4G, một số nhà mạng đã đưa vào thử nghiệm kỹ thuật hệ thống 4G LTE như VNPT, Viettel, FPT… Bởi vậy việc khởi động các nghiên cứu lý thuyết cũng như nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống Serving Gateway (SGW) (thành phần cấu thành mạng LTE) có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao. Hướng nghiên cứu về LTE đã được thực hiện trong đề tài nghiên cứu trong 2- 3 năm gần đây nhưng chủ yếu chỉ là tổng hợp lý thuyết, việc chế tạo sản phẩm liên quan đến LTE ở Việt Nam chưa từng được thực hiện. Việc phát triển sản phẩm liên quan đến mạng LTE thể hiện mức độ làm chủ công nghệ sâu nhất.

 

Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT do ThS. Nguyễn Kim Quang đứng đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway cho mạng di động thế hệ sau LTE Advanced tại Việt Nam” trong thời gian từ năm 2012-2013. Mục tiêu của đề tài là thiết kế, chế tạo một hệ thống SGW với các chức năng được mô tả trong tiêu chuẩn của 3 GPP và dung lượng xử lý 2000 session đồng thời.

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

- Đã thiết lập được Hệ thống Serving Gateway (SGW) có các chức năng và giao diện tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế với khả năng giao tiếp với các thành phần mạng LTE Advanced của các hãng khác nhau. Chức năng hệ thống SGW tuân thủ chức năng của SGW quy định trong tiêu chuẩn: ETSI TS 123 401 V10.3.0 (2011-03).

- Đã tạo được gói các phần mềm mô phỏng các thực thể mạng lõi của LTE Advanced dùng để thử chức năng của SGW gồm: MME Simulator với giao diện S11 và S1-MME; PGW Simulator với giao diện S5 và S8; eNodeB Simulator với các giao diện S1u và S1-MME; PRCF Simulator với giao diện Gx. Các phần mềm này có các giao diện với SGW tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đề cập chi tiết trong tài liệu ETSI TS 123 401 V10.3.0 (2011-03).

Việc chủ động xây dựng quy hoạch mạng lõi 4G đã làm giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng định kỳ mạng lõi 4G LTE do không cần chuyên gia nước ngoài. Sản phẩm nội địa thấp hơn so với sản phẩm nhập ngoại, tiết kiệm một lượng ngoại tệ mạnh cho quốc gia. Kết quả đề tài nghiên cứu góp phần nâng cao khả năng hội nhập khu vực và thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ mạng viễn thông.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13995) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2125

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)