Ở nước ta từ trước đến nay nhu cầu tiêu thụ niken ngày càng tăng cao, nhưng phải phụ thuộc chủ yếu vào nhập ngoại. Trong khi đó nước ta lại có một số điểm quặng niken có giá trị, cụ thể Mỏ niken Bản Phúc - Sơn la có trữ lượng quặng tương đối dồi dào. Theo đánh giá thăm dò, trữ lượng và chất lượng quặng của mỏ này có thể đáp ứng cho việc xây dựng nhà máy luyện kim có quy mô công nghiệp vừa. Đây là tiền đề rất quan trọng để nghiên cứu cơ sở khoa học và công nghệ luyện kim niken phù hợp với điều kiện của nước ta. Vì thế, trong thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Vật liệu - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam do PGS.TS Phạm Đức Thắng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ điều chế kim loại đồng và niken điện phân từ quặng sunfua đa kim loại Bản Phúc - Sơn La”.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Tiến hành lập phương án và tổ chức lấy 20 tấn quặng sunfua đa kim Bản Phúc Sơn la làm mẫu công nghệ nghiên cứu
- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ tuyển nổi quặng sunfua đa kim xâm tán nguyên khai.
- Nghiên cứu tách loại bớt manhê khỏi tinh quặng xâm tán sau tuyển nổi
- Nghiên cứu quá trình thiêu oxy hoá tinh quặng đặc xít nhằm khử bớt lưu huỳnh, bảo đảm hàm lượng lưu huỳnh trong tinh quặng sau thiêu nằm trong khoảng từ 3 - 9%.
- Nghiên cứu quá trình nấu luyện tinh quặng ra sten. Xác định ảnh hưởng của lưu huỳnh trong tinh quặng thiêu đến tổng hàm lượng niken và đồng trong sten và tỷ lệ thu hồi các kim loại này. Từ đó đề ra chế độ nấu luyện tối ưu nhằm nấu luyện ra sten với tổng hàm lượng niken và đồng cao từ 33-40% và tỷ lệ thu hồi chúng đạt trên 95%.
- Nghiên cứu quy trình chế biến nguyên liệu điện phân trực tiếp và thu hồi đồng từ sten đã nấu luyện, áp dụng phương pháp sunfat hóa trực tiếp bột sten và phát triển phương pháp oxyclorua hóa bột sten
- Nghiên cứu quy trình công nghệ điện phân niken kim loại từ các nguyên liệu trực tiếp đã được chế biến
- Tiến hành nghiên cứu định hướng công nghệ chiết trong dung môi hữu cơ để tách thu hồi thành công riêng rẽ các hợp chất của niken và đồng. Tuy nhiên trong phạm vi của đề tài, chưa áp dụng được công nghệ này vào xử lý thực nghiệm mẻ lớn.
- Thực hiện điện phân tách đồng từ dung dịch sunfat kim loại thứ cấp đậm đặc và khử đồng còn sót bằng bột sắt, khử sắt bằng chất kiềm, thu được dung dịch niken sunfat sạch có hàm lượng niken cao có thể dùng ngay làm dung dịch điện ly và chế tạo muối cacbonat bazơ niken.
- Điện phân các nguyên liệu đã được chế tạo để thu hồi niken kim loại điện phân có độ sạch 99%.
- Xây dựng quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật cơ bản về chế tạo niken điện phân từ nguồn quặng niken Bản Phúc theo quy trình công nghệ mới;
Đề tài nghiên cứu tạo cơ sở khoa học và công nghệ để có thể xây dựng ngành công nghiệp sản xuất niken kim loại từ quặng nguyên khai phù hợp với điều kiện nước ta.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13490) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.