Thứ năm, 08/11/2018 19:25 GMT+7

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09-11)

Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2018 được xác định là “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

3. Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

4. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

5. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.

II. QUY ĐỊNH VỀ NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

1. Cơ sở pháp lý của Ngày Pháp luật

Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 – Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Sau 05 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11 đã được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, đổi mới, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong nhân dân.

2. Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật

a) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội.

b) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật.

c)Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

d) Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

đ) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

e) Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

3. Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018 tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể:

a) Về công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, cán bộ; tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; quy hoạch, tài chính, đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

b) Về công tác tổ chức thi hành pháp luật:

(i) Các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới; tác động, hiệu ứng của chính sách, pháp luật đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, chính sách an sinh xã hội; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam; các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp...

(ii) Thông tin về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư kinh doanh; tăng cường theo dõi thi hành pháp luật, các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế; các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, nhất là những chính sách đang được quan tâm.

(iii) Giáo dục ý thức và lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật gắn với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ; xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng, khen thưởng, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và chấp hành pháp luật; siết chặt kỷ cương công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

(iv) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp, thực hiện nghiêm pháp luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

4. Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật

Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

III. CHỦ ĐỀ, CÁC KHẨU HIỆU NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2018

1. Chủ đề

Chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2018 được xác định là “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Các khẩu hiệu

a) Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

b) Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.

c) Tích cực tìm hiểu pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân.

d) Thượng tôn pháp luật góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả.

đ) Cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

e) Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Nguồn: Vụ Pháp chế

Lượt xem: 10448

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)