Thứ ba, 15/01/2019 22:03 GMT+7

IPP2 - Chương trình ODA tiên phong trong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

Lễ kết thúc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) khép lại một chặng đường Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng hành trong tình hữu nghị và hợp tác gần một thập kỷ cho con đường phát triển đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã bày tỏ cảm xúc rất đặc biệt khi phát biểu tại buổi Lễ kết thúc Chương trình IPP2 sáng ngày 15/01/2019 tại Hà Nội.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ

 

Mang đến cho Việt Nam một tư duy mới về đổi mới sáng tạo

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, IPP là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, Đổi mới sáng tạo - Innovation còn là một phạm trù mới và chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Với các nỗ lực của IPP trong giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một tư duy mới về đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm Phần Lan như một công cụ mới để phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cho đến hôm nay, đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những động lực mới quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới, một trong sáu phương châm hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm 2019: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá và Hiệu quả”. Đổi mới sáng tạo cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chính thức đảm nhiệm. Hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò dẫn dắt của đổi mới sáng tạo là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo là phạm trù xuyên ngành và cần đặt trong một hệ sinh thái có mối liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa các thành tố. Trong bối cảnh mới, Chương trình IPP giai đoạn 2 đã lại một lần nữa đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng mới và tiến bộ ở Việt Nam. Đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các kết quả đạt được và tác động mang tính bền vững mà Chương trình IPP2 mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Từ việc hỗ trợ thiết kế các chính sách lớn của Chính phủ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, đào tạo đội ngũ tư vấn khởi nghiệp và giảng viên nguồn của các trường đại học, cho tới việc thử nghiệm các mô hình mới trong tài trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học và kết nối doanh nghiệp Phần Lan với thị trường năng động của Việt Nam: Trong từng hoạt động, IPP2 luôn đổi mới sáng tạo và linh hoạt điều chỉnh để có cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng trúng nhu cầu của thực tiễn Việt Nam. Và điều đó rất đáng được biểu dương, nhân rộng.

Thành công của các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp được IPP2 hỗ trợ, trong đó nhiều dự án đã tiếp tục gọi vốn thành công và vươn ra thị trường khu vực, quốc tế, đã minh chứng sự phù hợp của các mô hình mới, tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IPP2 đối với Việt Nam, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nếu có các can thiệp chính sách kịp thời và phù hợp, thì tiềm năng đó có thể trở thành hiện thực, các nhóm khởi nghiệp non trẻ có thể trở thành doanh nghiệp trưởng thành có tiềm lực mạnh trong tương lai, mang lại việc làm và giá trị gia tăng cho xã hội. 
 

Cách tiếp cận đổi mới và linh hoạt

Bà Trần Thị Thu Hương - Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Chương trình IPP2 xúc động chia sẻ: Nhìn ngược lại hơn 4 năm trước, khi giai đoạn 2 của Chương trình IPP được bắt đầu, mảnh đất nuôi dưỡng các hạt mầm khởi nghiệp của Việt Nam mới bắt đầu hình thành, từ khung pháp lý, thiết chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, hạ tầng dịch vụ, cố vấn - tư vấn khởi nghiệp cho tới sự vào cuộc của các trường đại học. Trong khi nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực như Singapore, Malaysia, hay xứ Bắc Âu như Phần Lan, họ đã đi trước chúng ta gần thập kỷ trong hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Còn đối với chúng tôi khi đó, khái niệm khởi nghiệp, hay hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, còn hết sức mới mẻ và cần rất nhiều nỗ lực tìm hiểu để có cách tiếp cận đúng.

Trong bối cảnh đó, IPP2 bắt đầu đi tiên phong trong các hỗ trợ mang tính thử nghiệm của mình. Lẽ ra, chúng tôi có thể chọn một con đường dễ dàng mà đi đó là thuần túy hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp và lặp đi lặp lại các vòng kêu gọi tài trợ, vốn đã được thiết kế trình tự, thủ tục, tiêu chí hết sức công phu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Quỹ Tekes Phần Lan. Nhưng chúng tôi đã chọn con đường khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, để luôn thử nghiệm các mô hình mới và các công cụ can thiệp chính sách mới mà chúng tôi cho rằng sẽ hữu ích đối với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam – Bà Trần Thị Thu Hương nhớ lại.



Bà Trần Thị Thu Hương - Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Chương trình IPP2 phát biểu tại buổi lễ

 

Năm 2015, theo kế hoạch, Chương trình bắt đầu đợt kêu gọi tài trợ đầu tiên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhóm liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhưng không chỉ tập trung cho việc đó, nhóm triển khai Chương trình đã thảo luận về sự cần thiết phải hỗ trợ phía Việt Nam thiết kế các chính sách nền tảng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Căn cứ để Chương trình lựa chọn các chính sách để hỗ trợ là Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án của Bộ KH&CN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.

Bằng việc đưa chuyên gia quốc tế từ Hoa Kỳ và Phần Lan vào Việt Nam trực tiếp làm việc và tư vấn cho các nhóm soạn thảo, IPP2 đã hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN xây dựng và trình ban hành các chính sách lớn như Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844), Luật Chuyển giao công nghệ, và một số văn bản quan trọng khác.

Với cách tiếp cận đổi mới và linh hoạt đó, IPP2 đã không chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm mô hình hỗ trợ tài chính và hỗ trợ mềm cho các nhóm khởi nghiệp, Chương trình dần mở rộng ra các hoạt động khác, từ hỗ trợ thiết kế chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, cho tới các sáng kiến hợp tác với các trường đại học Việt Nam để đào tạo giảng viên nguồn và đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy trong các trường đại học, và sau này, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Phần Lan tiếp cận thị trường Việt Nam, đào tạo chuyên gia tư vấn doanh nghiệp quốc tế là người Việt Nam, thúc đẩy kết nối hợp tác thành phố với thành phố, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác mới trong tương lai giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan sau khi Chương trình IPP2 kết thúc sứ mệnh của mình ở Việt Nam.

Các hoạt động thử nghiệm theo tư duy sáng tạo đó đã góp phần tác động tích cực và toàn diện tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Bà Trần Thị Thu Hương chia sẻ: “Có những tác động và hiệu ứng lan tỏa mà chính những người thực hiện Chương trình cũng không hình dung được ngay từ ban đầu. Thực sự, việc triển khai Chương trình IPP2 là một trải nghiệm hoàn toàn mới, ngay cả đối với các chuyên gia Phần Lan. Từng bước, từng bước một, chúng tôi vừa làm, vừa quan sát, đánh giá và điều chỉnh, sao cho lựa chọn được các sáng kiến và hành động mang lại hiệu quả tối ưu và thực sự cần thiết cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam”.

“Tôi rất vui mừng chứng kiến các thành quả quan trọng của Chương trình IPP. Đối với Bộ KH&CN Việt Nam, trong những năm qua, IPP được xem là cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, KH&CN. Vì vậy, thành công của Chương trình là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước chúng ta”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Chương trình IPP2, nhiều chính sách, chương trình mới về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã lần lượt được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong đó có các văn bản mang tính bản lề quan trọng như: Luật Chuyển giao Công nghệ 2017, chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các bài học kinh nghiệm và công cụ thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Chương trình IPP2 là nguồn tham khảo hữu ích để các cơ quan, tổ chức liên quan ở Việt Nam nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị mình.

Việc bước đầu có được một hệ sinh thái thuận lợi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo và nỗ lực chung của cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có vai trò đóng góp tiên phong của Chương trình IPP2 với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Phần Lan.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Bộ KH&CN gửi lời cảm ơn chân thành vì sự ủng hộ và hỗ trợ quý báu của Chính phủ Phần Lan, Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam thông qua Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan cả hai giai đoạn.

“Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Bộ Ngoại giao Phần Lan trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đặc biệt trong việc thúc đẩy triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương mới đã được Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Kinh tế - Việc làm Phần Lan ký kết cuối năm 2018 vừa qua trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh các dự án hợp tác nghiên cứu chung và tăng cường năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chúc quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan ngày càng phát triển tốt đẹp. Chúc quan hệ hợp tác đối tác giữa Bộ KH&CN với Bộ Ngoại giao Phần Lan và các cơ quan Chính phủ Phần Lan phát triển lên một tầm cao mới, mang lại các lợi ích thiết thực hơn nữa cho cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và nhân dân hai nước chúng ta” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nói.



Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN cho ông Marko Saarinen Tham tán, Trưởng bộ phận hợp tác phát triển- Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo Chương trình IPP2 và ông Lauri Laakso, cố vấn trưởng dự án IPP2



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao bằng khen của của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các công chức Việt Nam tham gia Ban Quản lý dự án IPP2



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan Kahiluoto trao bằng khen của Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các cán bộ, chuyên gia dự án IPP2



Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan Kahiluoto chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và cán bộ, chuyên gia dự án IPP2

 

5 yếu tố đặc thù giúp IPP2 vượt qua các khó khăn, trở ngại để có thể đến đích thành công

Thứ nhất, có cam kết chính trị và sự ủng hộ, tin tưởng của các cấp lãnh đạo cao nhất của hai Bộ chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan (Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội); trao quyền tự chủ và không gian sáng tạo cho Ban Quản lý Dự án và kiểm soát thực hiện bằng kết quả, hiệu quả đầu ra của Chương trình thông qua đánh giá độc lập.

Sự ủng hộ của Bộ trưởng và Thứ trưởng trực tiếp phụ trách, của Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Phần Lan tại Helsinki, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Chương trình cùng với sự trợ giúp và hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng của các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, các đơn vị truyền thông của Bộ,…), Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, là thuận lợi rất lớn đối với Chương trình IPP2.

Thứ hai, có đội ngũ cán bộ dự án mạnh, kết hợp và bổ sung lẫn nhau giữa chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Phần Lan và cán bộ Việt Nam thấu hiểu nhu cầu thực tiễn của phía Việt Nam, cùng hợp tác đồng sáng tạo trong môi trường khuyến khích sáng tạo.

Môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, đề cao tinh thần làm việc nhóm, khuyến khích đồng sáng tạo, suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, sự kết hợp hài hòa giữa đội ngũ chuyên gia tư vấn kỹ thuật trình độ cao của Phần Lan với các cán bộ dự án người Việt có năng lực, chuyên nghiệp cũng là nhân tố quan trọng giúp Dự án triển khai thuận lợi.  

Thứ ba, áp dụng nguyên tắc không ngừng cải tiến (continuous improvement) trong mọi hoạt động của Chương trình; cho phép linh hoạt điều chỉnh và chuyển hướng kịp thời để tối ưu hóa hiệu quả, tác động.

Thứ tư, gây dựng niềm tin (public trust) trong cộng đồng khởi nghiệp và các đối tượng thụ hưởng thông qua các giá trị cốt lõi mà Chương trình theo đuổi: trao cơ hội công bằng cho mọi đối tượng; minh bạch thông tin; độc lập, khách quan trong quá trình lựa chọn các đề xuất dự án; đồng thời, tôn trọng pháp luật của cả hai quốc gia Việt Nam và Phần Lan.

Thứ năm, lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Lợi ích quốc gia chi phối mọi sáng kiến mới trong thực thi Chương trình và khiến các đàm phán, thảo luận song phương giữa hai bên dễ đạt được sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng thuận.

(Bà Trần Thị Thu Hương - Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Chương trình IPP2)

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3231

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)