Thứ sáu, 12/07/2019 16:21 GMT+7

Sản xuất thử nghiệm giống lạc ldh.01 và ldh.04 tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên

Tổng diện tích tự nhiên của vùng Duyên hải Nam Trung bộ (gồm các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) và Tây nguyên (gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là 9.880.200 ha. Trong đó, đất sản xuất và có khả năng sản xuất nông nghiệp trên 2.200.000 ha, chiếm khoảng 22,5% so với tổng số.

Do đặc thù của đá mẹ và ảnh hưởng của điều kiện địa hình, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng sinh thái Nam Trung bộ và Tây nguyên chủ yếu tập trung vào các nhóm sau: đất phù sa thành phần cơ giới nhẹ và nặng, đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ, đất cát trắng ven biển, đất đỏ vàng feralit và đất đỏ bazan. Ngoài ra, khí hậu của cả 2 vùng là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa hàng năm biến động từ 1.500mm - 2.200mm (ngoại trừ tinh Ninh Thuận), có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, cường độ bức xạ lớn,… Như vậy, điều kiện đất đai và khí hậu ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên thích hợp để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung đối với các loại cây trồng nguồn gốc nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây lạc. Hơn nữa, trước diễn biến bất thường của hạn hán do biến đổi khí hậu gây nên, cây lạc được xem là đối tượng cây trồng được ưu tiên lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng trong cả nước nói chung và Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên nói riêng.

Nhằm mục tiêu góp phần khắc phục những hạn chế trong sản xuất lạc ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên như đã nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2564/QĐ-BKHCN ngày 19 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt tổ chức và cá nhân chủ trì dự án SXTN độc lập cấp Nhà nước bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Cơ quan chủ quản Viện KHKT Nông nghiệp DH Nam Trung Bộ phối hợp với chủ nhiệm đề tài TS. Hồ Huy Cường cùng thực hiện đề tài “Sản xuất thử nghiệm giống lạc LDH.01 và LDH.04 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên”.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau: Hoàn thiện được 4 quy trình thâm canh và sản xuất hạt giống đối với hai giống lạc LDH.01 và LDH.04:

- Quy trình thâm canh đối với giống lạc LDH.01 cho vùng nước trời Tây Nguyên và đất cát vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các biện pháp canh tác bổ sung và thay thế là: khoảng cách trồng 25cm x 20cm x 2 hạt/hốc, thay thế phân hữu cơ vi sinh hoặc khoáng hữu cơ trong điều kiện không có phân chuồng, xử lý hạt giống bằng carban, xử lý phân chuồng trước khi gieo trồng bằng chế phẩm Trichoderma và phun bổ sung phân bón lá trung vi lượng (Ca, Mg, Bo, Zn). Với các biện pháp trên, năng suất bình quân của giống lạc LDH.01 trên đất cát Duyên hải Nam Trung bộ đạt 28,6 tạ/ha và trên đất bazan ở Tây Nguyên đạt 36,9 tạ/ha;

- Quy trình thâm canh đối với giống lạc LDH.04 trên đất phù sa vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các biện pháp canh tác bổ sung và thay thế là: khoảng cách trồng 25cm x 20cm x 2 hạt/hốc, thay thế phân hữu cơ vi sinh hoặc khoáng hữu cơ trong điều kiện không có phân chuồng, xử lý hạt giống bằng carban, xử lý phân chuồng trước khi gieo trồng bằng chế phẩm Trichoderma và phun bổ sung phân bón lá trung vi lượng (Ca, Mg, Bo). Với các biện pháp trên, năng suất bình quân của giống lạc LDH.04 trên đất phù sa Duyên hải Nam Trung bộ đạt bình quân 35,0 tạ/ha.

- Quy trình sản xuất hạt giống lạc LDH.01 với các biện pháp canh tác bổ sung và thay thế là: khoảng cách trồng 25cm x 20cm x 2 hạt/hốc, xử lý hạt giống bằng carban, xử lý phân chuồng trước khi gieo trồng bằng chế phẩm Trichoderma và phun bổ sung chế phẩm ức chế sinh trưởng siêu Ca và siêu K. Với các biện pháp trên, năng suất hạt giống bình quân đạt 27,9 tạ/ha và hạt giống đạt yêu cầu theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN01-48:2011/BNNPTNT;

- Quy trình sản xuất hạt giống lạc LDH.04 với các biện pháp canh tác bổ sung và thay thế là: khoảng cách trồng 25cm x 20cm x 2 hạt/hốc, xử lý hạt giống bằng carban, xử lý phân chuồng trước khi gieo trồng bằng chế phẩm.

Trichoderma và phun bổ sung chế phẩm ức chế sinh trưởng siêu Ca và siêu K. Với các biện pháp trên, năng suất bình quân của hạt giống đạt 33,6 tạ/ha và hạt giống đạt yêu cầu theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN01-48:2011/BNNPTNT. (2) Trong kỳ dự án đã sản xuất, sử dụng và tiêu thụ 1,78 tấn hạt giống siêu nguyên chủng, 20,0 tấn hạt giống nguyên chủng và 150,0 tấn hạt giống xác nhận của 2 giống lạc LDH.01 và LDH.04. Hạt giống các cấp được sản xuất từ dự án đạt Quy chuẩn Quốc gia QCVN01-48:2011/BNNPTNT. (3) Xây dựng được 3 mô hình sản xuất thử giống lạc mới LDH.01 và LDH.04, quy mô 5,0 ha/mô hình, năng suất đạt từ 30,2 - 37,8 tạ/ha và cao hơn từ 8,0 - 44,8% so với đối chứng. (4) Tổ chức 03 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác và sản xuất hạt giống lạc với 150 lượt người tham gia, trong đó tỷ lệ nữ giới chiếm từ 26 - 38%. (5) Tổ chức 6 hội nghị tham quan đầu bờ với 300 lượt người tham dự, trong đó tỷ lệ nữ giới chiếm từ 25%. (6) Được Hội đồng KHCN của Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức: Giống lạc LDH.01 để mở rộng sản xuất ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; Giống lạc LDH.04 để mở rộng sản xuất ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13852/2017) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2138

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)