Thứ hai, 05/08/2019 16:10 GMT+7

Nghiên cứu, phát triển cây Đào chuông tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn

Đình Lập là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lạng Sơn, nằm trên trục đường 4B nối giữa thành phố Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh, nối vùng biên giới Việt - Trung với các tỉnh phía Đông Bắc Bộ của Việt Nam. Đình Lập có địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất, tạo thành các dải đất dài, bằng và hẹp. Tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định (nhiệt độ trung bình 21,4 0C, lượng mưa trung bình 1.448 mm, ẩm độ trung bình 62%), rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt là những loại cây trồng ưa lạnh. Cây Đào chuông (người dân địa phương còn gọi với tên khác – Hoa Anh Đào) với các đặc điểm có hình dáng cây bắt mắt, cấu trúc hoa đặc biệt được kết bằng những cánh mỏng trong như thủy tinh. Với sức sống mãnh liệt, bộ rễ bám chặt giữa những vách đá, khe suối nên dù có những thời điểm khí hậu trong vùng khắc nghiệt nhiệt độ xuống âm 30C mà cành Đào chuông vẫn đâm chồi nảy lộc xanh mướt.


Đặc điểm hình thái hoa cây Đào chuông, tại Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn

 

Theo quan niệm phong thủy, Đào chuông có thể trị bách quỷ, là biểu tượng cho sự đổi mới, với sức sinh trưởng phát triển mạnh mẽ. Hoa Đào chuông thường nở vào dịp tết, do vậy nhu cầu về cây Đào chuông ngày càng cao. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (2018, 2019) cho thấy, phần lớn các hộ được phỏng vấn đều trả lời đã từng đi bứng cây Đào chuông trong rừng để bán cho các thương lái hoặc mang về trồng trong vườn nhà với số lượng 1 - 3 cây.  Đến mùa quả chín để thu hái quả ăn tươi, mang về ngâm rượu,... Do thân cây cao, to, phân cành cao nên bà con chủ yếu lấy quả bằng cách hạ cành, thâm chí hạ cả cây. Ngoài ra, trên một số diện tích rừng trồng cây Đào chuông có phân bố tự nhiên đều bị chặt hạ để nhường chỗ cho cây Thông nhựa, Hồi, sa nhân... Qua điều tra theo tuyến và đánh giá trên các trạng thái rừng khác nhau tại địa bàn xã Bắc Xa, số lượng cá thể Đào chuông phân bố trong tự nhiên không còn nhiều, những cá thể có kích thước lớn chủ yếu còn xuất hiện rải rác ở các khe, hay ở lưng chừng đồi, nơi mà địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn. Cây nhỏ (cây tái sinh) thi thoảng gặp bên đường thuộc các bản Khuổi Tà, bản Háng, Bắc Xa, Nà Thuộc,...



Đặc điểm hình thái thân mang hoa của cây Đào chuông tại Bắc Xa, Đình Lập, Lạng Sơn

 

Đình Lập được coi là một trong những xứ sở của loài hoa Đào chuông. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như góp phần khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây bản địa tại địa phương thì việc nghiên cứu đặc tính sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống (hữu tính, vô tính); điều tiết khả năng ra hoa và phát triển nhân rộng các mô hình trồng Đào chuông trên địa bàn xã Bắc Xa và các xã vụ cận có điều kiện tương tự là rất cần thiết. Thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đình Lập (Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của Chủ tịch UBND), Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đang triển khai nhiệm vụ: “Nghiên cứu, phát triển cây Đào chuông tại huyện Đình Lập” nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại nêu trên cũng như khai thác và phát triển bền vững nguồn gen cây bản địa, phát triển cây Đào chuông tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân địa phương, sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, những cập nhật về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ được gửi tới quý bạn đọc thông qua website chính thức của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng.

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 4889

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)