Thứ năm, 05/09/2019 09:30 GMT+7

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030: Phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam

Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”).

Chiến lược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo…) và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Chiến lược gồm ba phần: Quan điểm chỉ đạo, Mục tiêu và Nhiệm vụ, giải pháp. Chiến lược cũng xác định một số đề án, nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện cho giai đoạn đến năm 2025 - đây là một trong những nhiệm vụ tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ ở cả ba lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng trong thời gian tới. Các hợp phần nội dung của Chiến lược được xây dựng theo chu trình của hoạt động sở hữu trí tuệ, bao gồm các khâu sáng tạo, xác lập, bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong giai đoạn tới theo ba quan điểm chỉ đạo lớn, đó là:

- Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo đó, Chiến lược đặt ra 5 nhóm mục tiêu phấn đấu đạt được, cụ thể là:

- Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

- Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

- Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

- Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Ở mục tiêu này, các chỉ tiêu định lượng về số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp/quyền đối với giống cây trồng của cá nhân, tổ chức Việt Nam cũng được xác định rõ, ví dụ như: số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6-8%/năm, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8-10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 -14%/năm… Đây là các chỉ tiêu định lượng có thể tác động tới kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời cũng sẽ là một trong các tiêu chí thể hiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.

- Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao: Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP, phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược đặt ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, bao gồm các nhóm giải pháp về: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; (ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; (iii) Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (iv) Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; (v) Khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; (vi) Phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; (vii) Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; (viii) Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội và (ix) Tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể và đều cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong hệ thống sở hữu trí tuệ. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy mạnh vai trò tạo dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, minh bạch để các chủ thể sáng tạo và khai thác quyền sở hữu trí tuệ phát huy tối đa năng lực đổi mới sáng tạo của mình. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ phải được kiện toàn theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định, củng cố các đầu mối chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở trung ương và địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Trình tự, thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ được công khai, minh bạch, đơn giản hóa, hiện đại hóa. Hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ được xây dựng liên thông và kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được nâng cao rõ rệt thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ quyền, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường kỹ thuật số và tại biên giới; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, theo xu hướng phát triển của thế giới, Chiến lược cũng vượt ra khỏi phạm vi truyền thống của hoạt động sở hữu trí tuệ (tập trung chủ yếu vào hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) khi xác định rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hoạt động tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ như: xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; sử dụng các chỉ số đo lường về sở hữu trí tuệ làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh theo hướng: mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, v.v..

Ngoài ra, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được đề cập tới, một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến lược sẽ là kim chỉ nam để các Bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.

Toàn văn Chiến lược được đăng tải tại địa chỉ:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=197710

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2267

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)