Thứ hai, 14/10/2019 09:50 GMT+7

Hội thảo góp ý 02 Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Nhằm thực hiện Hiệp định CPTPP, hướng dẫn Nghị định số 78/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Sáng ngày 09/10/2019 tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã diễn ra Hội thảo khoa học lấy ý kiến hoàn thiện 02 dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 về hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và Thông tư số 23/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 về hướng dẫn xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL, đại diện các Bộ quản lý chuyên ngành, các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TCĐLCL các tỉnh phía Bắc.
 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh.  
 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhận định, qua 10 năm triển khai xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bên cạnh sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương còn có sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi điều chỉnh. Có thể thấy gần đây, vai trò của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được Chính phủ hết sức quan tâm và luôn luôn thúc đẩy các Bộ, ngành xây dựng và đảm bảo hệ thống quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, từng ngành, từng lĩnh vực sẵn sàng xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian qua, rất nhiều yêu cầu của Chính phủ đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa, hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng được cải tiến với tinh thần chung là hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, quy chuẩn còn không ít bất cập. Có thể kể đến có những văn bản ban hành ra nội dung y như quy chuẩn thế nhưng không được coi là quy chuẩn, dẫn đến cách thức triển khai, tổ chức, thực hiện không đúng theo pháp luật, hay có những quy chuẩn kỹ thuật khi xây dựng, yêu cầu nội dung chưa đầy đủ dẫn đến khi tổ chức triển khai bị chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật lẫn nhau…

“Chúng ta phải sẵn có quy chuẩn tương đương, đâu đó chúng ta vẫn nhận được sự đóng góp, đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp là phải làm rõ các tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm tra, phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành, quản lý nhà nước vẫn bị thiếu hoặc chưa đầy đủ, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, hiệp hội, cá nhân… phải tham gia tích cực hơn trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn”.

Bên cạnh đó, liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn với sự nỗ lực rất lớn đã có hơn 11.500 tiêu chuẩn quốc gia ra đời, đáng tự hào số lượng tiêu chuẩn quốc gia và tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam hiện nay đứng trong top đầu các nước Đông Nam Á. Việc tổ chức xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào thực tiễn và xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia, các hệ thống đánh giá sự phù hợp, tổ chức chứng nhận, giám định, kiểm định… hiện nay trong ASEAN, Việt Nam được đánh giá một trong những nước tổ chức, triển khai, tuân thủ bài bản theo thông lệ quốc tế. Đó là những điểm nổi bật trong 10 năm tổ chức triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Hệ thống tiêu chuẩn tương đối nhiều nhưng so với yêu cầu xã hội, chủ trương của Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cùng với cuộc cách mạng 4.0 đặt ra rất nhiều vấn đề, chính vì vậy chúng ta cần xây dựng và phát triển hơn nữa tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhanh hơn, sát hơn với đời sống thực tiễn, đặc biệt với hàng hóa chủ lực.
 

Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐLCL. 
 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL đã có bài tham luận về dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thay thế Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 18/9/2007. Theo đó, ông đã đưa ra một số điểm mới trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư 21 như tiêu chuẩn quốc gia được xuất bản và phát hành dưới dạng bản điện tử. Trường hợp tiêu chuẩn quốc gia có nhiều phần thì có thể đóng rời từng phần tiêu chuẩn hoặc thành một bộ tiêu chuẩn gồm nhiều phần để tiện cho việc sử dụng, tra cứu.

Bộ, ngành có thể xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia do mình tổ chức, xây dựng dự thảo sau khi có sự thống nhất với Tổng cục TCĐLCL về hình thức xuất bản, đảm bảo chính xác về nội dung, ký hiệu tiêu chuẩn và chịu trách nhiệm về bảo vệ quyền tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài và quy định pháp luật liên quan. Dự thảo cũng quy định rõ phương thức áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc gia mà không thông qua tài liệu trung gian khác. Nếu tiêu chuẩn quốc gia áp dụng thông qua tài liệu trung gian khác thì có viện dẫn tiêu chuẩn quốc gia đó.

Tham luận về Dự thảo thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện việc xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật thay thế Thông tư 23, bà Phạm Thị Phương Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục TCĐCL đã chỉ ra những điểm mới trong dự thảo này, trong đó, đối tượng áp dụng được mở rộng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Đối với quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành không tạo ra rào cản kỹ thuật không cần thiết với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, không chồng chéo, trái với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đặc biệt, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể phê duyệt kế hoạch xây dựng quy chuẩn địa phương nhưng sau khi có ý kiến của Bộ KH&CN để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy chuẩn kỹ thuật.

Hội thảo là cơ hội tốt để cơ quan biên soạn giải thích, làm rõ các quy định mới trong 02 dự thảo Thông tư, qua đó các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, trao đổi, góp ý các nội dung của 02 dự thảo Thông tư, tập trung làm rõ nội hàm thế nào tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở, đổi mới công tác xây dựng,công bố tiêu chuẩn và ban hành quy chuẩn, tách bạch vị trí, vai trò của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải quyết những đề bất cập trong ban hành QCVN, xây dựng và áp dụng quy chuẩn địa phương trong tình hình mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy SXKD, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế.

Hội thảo thành công tốt đẹp với nhiều góp ý thiết thực, sâu sát của các đại biểu đến từ các bộ ngành và địa phương được cơ quan biên soạn tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Thông tư.

Theo kế hoạch 02 dự thảo Thông tư sẽ trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, ban hành trong tháng 11/2019.
 

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2493

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)