Thứ sáu, 01/11/2019 10:57 GMT+7

Số lượng tổ chức thử nghiệm của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế thuộc top đầu ASEAN

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB bên lề Đại hội nhiệm kỳ IV vừa diễn ra tại Hà Nội.

Qua hơn 10 năm triển khai Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và hàng loạt các Luật Chuyên ngành như An toàn Thực phẩm, an toàn thông minh, Luật chuyên ngành trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, số lượng các phòng thử nghiệm đã phát triển đáng kể. Theo thống kê, cả nước ước tính có hàng ngàn phòng thử nghiệm trong các lĩnh vực, trong đó có gần 2000 phòng thử nghiệm đã được công nhận theo chuẩn mực quốc tế, có hơn 400 phòng thử nghiệm độc lập, được đăng ký theo quy định của pháp luật phục vụ theo nhu cầu doanh nghiệp, nhà nước và xã hội.
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB. Ảnh: Thanh Uyên
 

Đánh giá về năng lực của các phòng thử nghiệm của Việt Nam, ông Linh cho biết, trong ASEAN, Việt Nam được đánh giá là nước có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá bài bản, phù hợp thông lệ quốc tế và là nước có số lượng tổ chức thử nghiệm phù hợp thông lệ quốc tế trong top đầu của ASEAN.

Tuy nhiên, theo ông Linh thử nghiệm của Việt Nam cần phải đương đầu và vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hiện nay. Thực trạng chất lượng của các tổ chức thử nghiệm còn bị kêu ca về tính chưa chính xác, chưa chuyên nghiệp. Việc sản phẩm hàng hóa phải mang ra nước ngoài để thử nghiệm vì Việt Nam không thử nghiệm được hay thiết bị thử nghiệm của Việt Nam còn lạc hậu. Năng lực của đội ngũ thử nghiệm chưa được đào tạo, phát triển đáp ứng đúng nhu cầu đang đặt ra cho hoạt động thử nghiệm của Việt Nam nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập.

Theo đó, ông Linh cho rằng thử nghiệm Việt Nam cần phải phát triển để hỗ trợ cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Công nghệ thử nghiệm, phương pháp thử nghiệm, thiết bị thử nghiệm hiện nay có sự phát triển hết sức nhanh chóng nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây cũng là bài toán thách thức đối với các phòng thử nghiệm của Việt Nam để có thể được tiếp cận với các công nghệ, thiết bị mới, phương pháp thử nghiệm mới để liên tục đáp ứng được các nhu cầu liên tục thay đổi của doanh nghiệp, xã hội, để có thể xác định được “chỗ đứng” của chính mình.

Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống thử nghiệm như thế nào để đảm bảo tính tiên phong, đồng bộ, hiện đại phục vụ việc đấu tranh về gian lận thương mại, gian lận hàng giả, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, cũng như sẵn có các trang thiết bị thử nghiệm hiện đại, tân tiến phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới, sáng tạo cũng là một bài toán thách thức không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Để giải quyết các vấn đề trên, người đứng đầu VinaLAB cho rằng, hoạt động KHCN trong lĩnh vực thử nghiệm trong thời gian tới cần phải tập trung vào các vấn đề như: Xây dựng và thúc đẩy hoạt động thử nghiệm thành thạo đảm bảo chất lượng, uy tín, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy và xúc tiến các hoạt động chia sẻ và kết nối kịp thời các công nghệ, thiết bị thử nghiệm mới, tiên tiến trên thế giới cho các phòng thử nghiệm của Việt Nam; xã hội hóa các tổ chức thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước một cách mạnh mẽ; đẩy mạnh kết nối tri thức thử nghiệm tiên tiến trên thế giới về Việt Nam và cuối cùng là phải thúc đẩy đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ thử nghiệm, đánh giá đáp ứng yêu cầu của nhà nước, yêu cầu của công tác thử nghiệm.
 

Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB hiện có hơn 100 hội viên và đã trải qua 16 năm hoạt động và có nhiều đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển ngành thử nghiệm Việt Nam. Hoạt động thử nghiệm đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước xác định mức độ phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp tiêu chuẩn mà doanh nghiệp công bố áp dụng; Kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; Giải quyết tranh chấp thương mại…

 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 1852

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)