Thứ bảy, 02/11/2019 20:10 GMT+7

Việt - Úc tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo

Các chuyên gia của Úc đã chia sẻ những kinh nghiệm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Úc và đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam nhằm phát triển hệ sinh thái thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ Úc về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đưa ra các đề xuất để tăng cường chương trình quốc gia về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, chiều 31/10/2019, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đã phối hợp với CSIRO (Cơ quan nghiên cứu KH&CN Úc) tổ chức Hội thảo “Hợp tác Việt –Úc nhằm nhằm tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo”.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do năng lực nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu còn hạn chế, đặc biệt năng lực hấp thụ và tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi cho nghiên cứu và triển khai (R&D), mức độ đổi mới sáng tạo (ĐMST), hạ tầng KH,CN&ĐMST thiếu đồng bộ.

Để giải quyết những khó khăn trên, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Việt Nam là đẩy mạnh hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nâng cao năng lực ĐMST để doanh nghiệp có thể giành được vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN. Vì vậy, trong thời gian qua Việt Nam chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ nhằm điều chỉnh hệ thống ĐMST theo hướng tập trung vào các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống.

“Thông qua Hội thảo này Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của Úc cũng như tăng cường hợp tác với Úc để tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST cấp quốc gia, khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ mong muốn.
 

Ông Thomas Wood, Tham tán, Cơ quan nghiên cứu KH&CN Úc, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
 

Ông Thomas Wood, Tham tán, Cơ quan nghiên cứu KH&CN Úc, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation tại Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức là một cơ hội tốt nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Úc và đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam nhằm phát triển hệ sinh thái thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã giới thiệu chương trình quốc gia về phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 và phương hướng 2021-2030. Theo đó, mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để phát triển thị trường KH&CN trong bối cảnh mới; Phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường KH&CN; Thiết lập và hình thành mạng lưới các định chế trung gian; Nâng cao hiệu quả xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu của Viện trường.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Nghiệm cũng cho biết thêm: Định hướng của chương trình giai đoạn 2021 -2030 sẽ tập trung hỗ trợ vào 3 nhóm dự án (gồm Dự án nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian; Dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; Dự án xúc tiến phát triển thị trường KH&CN); 01 nhóm đề án (Thí điểm hợp tác công tư trong đầu tư phát triển sàn giao dịch công nghệ/trung tâm giao dịch công nghệ quốc gia); 01 nhóm đề tài (Nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách tạo đột phá trong phát triển thị trường KH&CN).

Ông Duncan Ferguson, Quản lý thương mại, Bộ phận Lương thực và Nông nghiệp, CSIRO cũng đã trình bày tổng quan về các cách tiếp cận khác nhau để nghiên cứu và hợp tác trong ngành sản xuất nhằm hỗ trợ khả năng đổi mới sáng tạo về kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Ông Duncan Ferguson cũng chia sẻ thêm tổng quan về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học Úc từ năm 2015; những chính sách của chính phủ hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, các cơ quan thương mại hóa tại các viện nghiên cứu và các trường đại học. Theo ông Duncan Ferguson, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thành tố trong hệ sinh thái, hỗ trợ về tài chính cũng như nâng cao năng lực cho cả khối nghiên cứu và tư nhân.

Hội thảo là cơ hội tốt nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ý kiến từ các cơ sở khoa học công nghệ, hiệp hội doanh nghiệp, các viện nghiên cứu công, các trường đại học để cải thiện các chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nạm và chương trình quốc gia về phát triển thị trường KH&CN 2021-2030.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2897

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)