Thứ hai, 18/11/2019 07:49 GMT+7

Làng công nghệ tác động xã hội – xu hướng khởi nghiệp bền vững trong tương lai

Áp dụng giải pháp thông minh về công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội đã trở thành một hướng đi mới mẻ, nhiều tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng về xã hội

Khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường; đói nghèo; thiên tai; sự bất cập về giáo dục, y tế… Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn cho những cá nhân, tổ chức đi tìm kiếm những mô hình mới giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng, lặp lại được ở nhiều vùng, nhiều quốc gia.
 


 

Ảnh minh họa.
 

Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được phát động trong toàn dân cùng với sự vào cuộc của các bộ/ban/ngành, đặc biệt dành cho các thế hệ trẻ, các tầng lớp xã hội lan tỏa đến đời sống kinh tế cộng đồng. Khởi nghiệp hướng đến cộng đồng là một xu thế tất yếu vì bản chất của khởi nghiệp ĐMST là phục vụ cộng đồng tạo ra các giá trị gia tăng cho xã hội, cho đất nước.

Theo Báo cáo nghiên cứu Hiện trạng doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam của Tổ chức doanh nghiệp xã hội Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam rất đa dạng, sôi động. Phong trào khởi nghiệp tạo tác động xã hội đang ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam. Các startup hướng về xã hội phát triển trong sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng và nhận được sự hỗ trợ, vốn đầu tư cũng như sự định hướng từ nhiều tổ chức như Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Hội Đồng Anh…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh và có sức lan rộng khắp mọi nơi trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc áp dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật trong hoạt động khởi nghiệp đang dần trở nên phổ biến và là một trong những thế mạnh của các startup, đặc biệt là những startup lãnh đạo bởi thế hệ trẻ.

Làng Công nghệ tác động xã hội tại Techfest 2019

Làng Công nghệ tác động xã hội là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với yếu tố bản địa được khai thác mạnh mẽ và có hiệu quả, tạo ra nhiều tác động tích cực tới môi trường, địa phương, tạo sinh kế cho các thành phần thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người lao động chưa có việc làm hoặc thu nhập thấp trên toàn quốc.

Tất cả những con người có hoàn cảnh khó khăn, các số phận chưa may mắn cùng được lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tạo động lực cống hiến cho xã hội và cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Khởi nghiệp sáng tạo đã len lỏi đến mọi miền của tổ quốc và mọi tầng lớp trong xã hội bằng ứng dụng công nghệ.

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp hướng về xã hội cũng như hỗ trợ các startup về nhiều mặt, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội sẽ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng 12 năm 2019 tại tỉnh Quảng Ninh. Trong sự kiện Techfest 2019 nói chung và triển lãm Techfest với 12 làng khởi nghiệp nói riêng, với sự góp mặt của làng công nghệ tác động xã hội, nhiều hoạt động thú vị, bổ ích hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người tham dự trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong ngành cũng như đem lại cơ hội đầu tư cho các startup tiềm năng.
 

Bà Nguyễn Như Quỳnh, trưởng làng công nghệ tác động xã hội.
 

Bà Nguyễn Như Quỳnh, hiện đang là Cán bộ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên và cán bộ chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP tại Việt Nam, đồng thời cũng là trưởng làng công nghệ tác động xã hội tại Techfest 2019. Công việc chính của bà là hỗ trợ các nhóm xã hội như người khuyết tật, thanh niên và phụ nữ, thông qua một số dự án của UNDP, ngoài ra bà còn là người quản lý dự án Youth CoLab - dự án hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG)  thông qua lãnh đạo, đổi mới xã hội và tinh thần kinh doanh.

Nói về việc tuyển chọn các startup chất lượng để dự thi tại Techfest 2019, bà Quỳnh cho biết: “Trong năm 2019, UNDP và CSIE đã tổ chức nhiều cuộc thi về khởi nghiệp và đã chọn được những startup chiến thắng của từng cuộc thi. Làng Tác động xã hội (Impact) sẽ chọn từ các start-up chiến thắng này ra 02 đơn vị đại diện để tham dự cuộc thi chung, lọt vào top 40 TECHFEST 2019”.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1989

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)