Thứ năm, 28/11/2019 14:05 GMT+7

Khai thác và phát triển nguồn gen các loài nưa (Amorphphallus spp.) giầu glucomannan

Trong ít năm gần đây, cây Nưa (Amorphophallus spp.) được đánh giá là cây tiềm năng cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Đã có một vài nghiên cứu về thành phần loài cũng như một số loài Nưa ở Việt Nam cho glucomannan. Các nghiên cứu khoa học gần đây ở nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, v.v… đã cho biết trong củ một số loài Nưa có chứa một loại đường polysacharid có phân tử lớn, cấu trúc sợi rất có lợi cho sức khỏe và có thể chế biến thành bột để sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng. Loại thực phẩm này khi ăn vào sẽ trương nở tới gần 200 lần trong dạ dày làm cho người ăn luôn có cảm giác no do đó làm giảm sự thèm ăn ở những người béo phì và cơ thể họ sẽ sử dụng năng lượng đã tích lũy trong cơ thể dẫn tới giảm cân. Ở Nhật Bản, không chỉ người béo phì sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ củ Nưa mà thức ăn từ củ Nưa được người ta ăn hàng ngày do bột glucomannan có tác dụng nhuận tràng, điều hòa tỉ lệ đường huyết trong máu, giảm cholesterol, v.v... bột củ Nưa còn được sử dụng trong công nghệ bánh kẹo như làm giấy bọc kẹo ăn được, bột làm bánh hay kẹo có pha tỉ lệ bột glucomannan nhất định sẽ làm tăng độ giòn của sản phẩm;sản xuất mỳ, miến, giò, súc xích có phụ gia là bột glucomannan sẽ làm tăng độ dai, độ giòn, dai, v.v... Ngoài ra, nó còn kích thích lên nhu động của dạ dày và ruột nên có tác dụng nhuận tràng. Củ Nưa konjac còn được sử dụng trong mỹ phẩm để làm đẹp da. Khoảng hai chục năm trở lại đây, khoai Nưa trở thành loài cây kinh tế và được trồng với diện tích lớn ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Do có nhiều công dụng như vậy, cây Nưa đã được trồng ở nhiều nước đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước tiêu thụ và có diện tích trồng Nưa lớn nhất thế giới. Hàng năm hàng vạn ha Nưa được trồng ở 2 nước trên.


 

Do nắm được các công dụng của bột củ Nưa, năm 2010 Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cho tiến hành thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về các loài Nưa cho glucomannan. Nhiệm vụ đã chỉ ra được một số loài Nưa có hàm lượng glucomannan ở Việt Nam và các điểm phân bố của chúng. Năm 2012, để tiếp tục phát triển vấn đề nghiên cứu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật do PGS. TS. Trần Huy Thái đứng đầu đã đề xuất và được chấp thuận triển khai nghiên cứu đề tài: “Khai thác và Phát triển nguồn gen cây Nưa (Amorphophallus spp.) giàu glucomannan” nhằm nghiên cứu khả năng khai thác và phát triển nguồn gen các loài Nưa thành vùng sản xuất nguyên liệu chế biến glucomannan dùng trong chế biến thực phẩm và sản xuất bánh kẹo.

Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả như sau:

1. Về đánh giá các đặc điểm nông sinh học của các loài Nưa

Đã xác định được khu phân bố của 3 loài Nưa cho glucomanan ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Cả 3 loài Nưa đều sống dưới tán rừng ẩm ở vùng núi cao với độ cao từ 600 m tới 2.000 m. Thời gian sinh trưởng của cây Nưa dao động từ 150 - 180 ngày tùy theo từng loài và theo thời tiết từng năm. Trong đó thời gian từ khi chồi vượt lên khỏi mặt đất tới khi lá xòe hết phiến là 15 - 20 ngày. Năng suất Nưa trồng dưới tán với mật độ 30.500 cây/ha (cây cách cây 50 cm), với củ 2 năm tuổi (kích thước đường kính 4 - 5 cm, khối lượng 10 củ/kg) sẽ cho năng suất hơn 20 tấn/ha. Hàm lượng glucomannan ở 2 loài Nưa krausei và Nưa đầu nhăn là cao nhất, lần lượt là 49 và 48% khối lượng khô, loài Nưa vân nam có hàm lượng glucomannan thấp hơn tương đương với 28% khối lượng khô. Khối lượng phân tử của bột glucomannan ở loài Nưa krausei là cao nhất với hơn 19.240.523 Da.

2. Về nghiên cứu kỹ thuật nhân giống 3 loài Nưa

Đã tiến hành nhân giống 3 loài Nưa bằng 2 phương pháp: nhân giống sinh dưỡng bằng củ cắt, củ con và nuôi cấy mô; nhân giống hữu tính bằng hạt. Trong các phương pháp đó, phương pháp nhân giống bằng củ nhánh (củ con hay củ bi) là kinh tế nhất, có hệ số nhân giống cao nhất, dễ ứng dụng nhất. Phương pháp nuôi cấy mô cho cây sạch bệnh, cây đồng đều, giống không bị pha tạp nhưng giá thành khá cao. Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng 2 quy trình nhân giống là quy trình nhân giống bằng củ nhánh và quy trình nhân giống nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất.

3. Về nghiên cứu kỹ thuật trồng Nưa

- Cây Nưa có thể trồng từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4 hàng năm. Nếu trồng muộn hơn cây Nưa sẽ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và ảnh hưởng tới năng suất củ. Nếu trồng vào mùa mưa cây sẽ dễ nhiễm bệnh hơn.

- Thời gian sinh trưởng của cây Nưa dao động từ 165 đến 178 ngày. Thời gian trồng không ảnh hưởng nhiều tới năng suất củ của cây Nưa. Năng suất củ Nưa giống 2 tuổi, dao động từ 18 - 23 tấn/ha tùy theo mật độ và phương thức trồng.

- Mật độ và phân bón khác nhau ảnh hưởng rõ rệt tới năng suất của các giống trong thí nghiệm, mật độ phù hợp nhất là 40 x 40 và lượng phân bón 120 N + 150 P2O5 + 120 K2O + 1,0 tấn phân vi sinh, cho năng suất 18 - 23 tấn/ha.

 - Phòng trừ sâu bệnh cho cây Nưa, cần hết sức chú trọng phòng trừ bệnh thối củ Nưa do nấm Fusarium. Biện pháp phòng trừ tốt nhất là chọn giống sạch bệnh và vệ sinh đồng ruộng thật kỹ.

- Củ thu hoạch vào tháng 11, khi lá cây Nưa đã hoàn toàn lụi và thời tiết đã vào giữa mùa khô, củ Nưa có tỉ lệ phần trăm khối lượng khô cao hơn nhiều so với thời điểm thu hoạch vào tháng 9, khi lá cây Nưa đang lụi.

- Củ Nưa sản phẩm khi chưa sơ chế ngay cần được bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ thích hợp để bảo quản là 10 - 18 độ C. Có 2 cách bảo quản củ Nưa giống đó là bảo quản bằng kho lạnh và bảo quản theo lối truyền thống (để trên giàn hoặc để dưới đất khô, chỗ tối).

4. Sơ chế và chế biến bột Nưa

- Các bước sơ chế củ Nưa gồm: chọn lựa và phân loại củ Nưa - vệ sinh củ Nưa (rửa, gọt vỏ hoặc không) - Thái lát - Sấy khô (Phơi, sấy lạnh hoặc sấy nóng).

- Các bước chế biến bột Nưa gồm: Xay nghiền - tách bột glucomannan bằng quạt gió - tinh chế bột Nưa bằng phươn pháp lọc cồn ethanol.

5. Đánh giá các mô hình

- Trong các mô hình trồng Nưa thử nghiệm, mô hình trồng Nưa dưới tán rừng trên đất dốc tại các tỉnh vùng núi cao là phù hợp đối với tập quán canh tác của đồng bào miền núi và đem lại thu nhập phụ thu cho vườn rừng của đồng bào miền núi.

Như vậy, cây Nưa là một cây mọc hoang dại ngoài thiên nhiên, việc nghiên cứu đưa cây Nưa trở thành một cây trong cơ cấu cây nông nghiệp là rất có ý nghĩa. Kết quả của nhiệm vụ mới chỉ là những bước nghiên cứu ban đầu, để biến cây Nưa thành một cây nông nghiệp mang lại lợi nhuận thực thụ cần phải có thời gian dài để nghiên cứu và thử nghiệm do đó cần có những nghiên cứu nhập nội một số giống Nưa ở nước ngoài thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.


*Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13451 /2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2995

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)