Thứ bảy, 21/12/2019 11:15 GMT+7

Truyền thông góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống

Qua thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ngành khoa học và công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, trong đó, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới được ứng dụng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm nêu bật các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST và những kết quả nổi bật của hoạt động ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò của truyền thông KH,CN&ĐMST trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này thời gian tới.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
 

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh vai trò của truyền thông KH&CN trong bối cảnh Cách mạng 4.0.
 

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, hoạt động truyền thông KH&CN tại các nước phát triển rất được coi trọng. Việc tăng cường truyền thông, phổ biến tri thức KH&CN sẽ góp phần nâng cao dân trí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Thông qua truyền thông, giúp công chúng và các cơ quan quản lý có thêm nhiều thông tin chân xác hơn về KH&CN, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Nhiều thông tin KH&CN đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, thông tin về khoa học tự nhiên cũng góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và làm chủ công nghệ mới. Qua thông tin khoa học đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều ngành KH&CN gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, trong đó, nhiều thành tựu KH&CN mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao nǎng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất nông nghiêp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, nǎng lượng, dầu khí, hành tiêu dùng, hàng xuất khẩu..., xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, truyền thông KH&CN giúp các nhà hoạch định chủ trương, chính sách đưa ra những mục tiêu và giải pháp phát triển phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Đồng thời, góp phần giảm thiểu chi phí về thời gian và tiền bạc cho quá trình hoạch định chủ trương, chính sách. Thông tin khoa học tạo điều kiện mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận trong quá trình hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá khách quan tác động chính sách. Để xây dựng một chính sách tốt, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phân tích, dự báo những tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách đối với các đối tượng chịu tác động của chính sách, đồng thời dự báo, so sánh lợi ích, chi phí của các phương án chính sách nhằm cung cấp cơ sở để lựa chọn phương án chính sách tối ưu.


TS.Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
 

Theo ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, trong những năm gần đây, các từ khóa như: Truyền thông khoa học và công nghệ, nhà báo khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được tìm kiếm, chia sẻ rất phổ biến trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong quá trình phát triển truyền thông khoa học và công nghệ hiện nay, bên cạnh 5 lực lượng chính làm khoa học ở Việt Nam (gồm nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học- nhà khoa học trong doanh nghiệp – cán bộ hoạch định chính sách về KH&CN - nhà khoa học ở nước ngoài- người dân đam mê nghiên cứu khoa học (nhà khoa học “chân đất”), không thể không kể đến đóng góp quan trọng của những nhà báo, các cơ quan truyền thông về khoa học và công nghệ.

Dẫn trường hợp của Hàn Quốc nhờ vào khoa học và công nghệ từ một quốc gia nghèo, nhiều tàn tích sau chiến tranh để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ chỉ trong khoảng 20 năm, ông Trần Quang Tuấn cho rằng, để đạt được những thành công này, Hàn Quốc đã làm rất tốt trong công tác truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, xây dựng nên văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Hiệu quả từ thực tiễn

PGS.TS. Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám sát Dự án FIRST phát biểu tại Hội thảo. 

Hội thảo đã được nghe PGS.TS Trần Quốc Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám sát Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (FIRST) chia sẻ về kết quả đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu KH&CN, nhìn từ Dự án FIRST và đề cập đến tác động của hoạt động truyền thông KH&CN trong việc cung cấp, chuyển tải thông tin của Dự án đến các đối tượng thụ hưởng. Theo đó, Bộ KH&CN coi doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động ĐMST và đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực KH&CN. Dự án FIRST là một điển hình. 

Nói về cách tiếp cận của FIRST về ĐMST, ông Trần Quốc Thắng cho biết, một cách hiểu ngắn gọn về ĐMST đó là quá trình/chuỗi hoạt động để “biến tri thức thành tiền, hoặc rộng hơn là các giá trị cho xã hội”. Đây không nhất thiết là một quá trình tuyến tính và tuần tự từ ý tưởng đến thị trường mà hoàn toàn có thể rút ngắn để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với kỳ vọng từ Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới, Dự án FIRST đã lấy trọng tâm là liên kết, lan tỏa, thực hiện vai trò “bà đỡ”, “tạo cú hích” để liên kết, tạo nên chuỗi hoạt động ĐMST. Cụ thể, tài trợ cho các dự án thu hút chuyên gia giỏi nước ngoài và chuyên gia người Việt ở nước ngoài; tài trợ 16 dự án hỗ trợ tự chủ và tiếp cận thị trường cho một số tổ chức KH&CN công lập, tạo “cú hích” và đầu tư “đến ngưỡng” để tổ chức KH&CN đủ năng lực tự chủ bền vững. Đồng thời, tài trợ cho 11 nhóm hợp tác để thúc đẩy liên kết giữa viện/trường với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (doanh nghiệp định vị thị trường cho sản phẩm), liên kết với nhà khoa học để hoàn thiện công nghệ, chuẩn hóa dây chuyền, sản xuất thử nghiệm chất lượng sản phẩm.

Dự án FIRST sau 5 năm triển khai đã góp phần lan tỏa tinh thần và tính hữu cơ trong hợp tác giữa doanh nghiệp với viện/trường để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ được thị trường đón nhận; tinh thần dấn thân, chấp nhận mạo hiểm của doanh nghiệp để đầu tư cho R&D, và mở rộng thị trường.

Hoạt động truyền thông KH&CN thời gian qua đã góp phần lan tỏa thông điệp của Bộ KH&CN và cơ quan nhà nước: đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống ĐMST, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, giải phóng sức sáng tạo của các tổ chức KH&CN, thu hút các chuyên gia giỏi KH&CN quốc tế và người Việt ở nước ngoài. Tất cả để thúc đẩy hoạt động ĐMST cho Việt Nam.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y học và vật liệu sinh học, Công ty CP Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP) rất chú trọng đến công tác truyền thông để đưa các kết quả nghiên cứu đến với công chúng, tiếp cận với đời sống, sản xuất. Theo bà Cao Thị Vân Điểm - Phó Tổng Giám đốc MEDEP, nhờ sự đầu tư của Nhà nước (Chương trình KC10, Dự án FIRST,…), MEDEP đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất thủy tinh thể nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; làm chủ được đồng bộ các qui trình công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật kháng khuẩn Nano bạc từ khâu chế tạo chất kháng khuẩn nano đến các khâu phủ chất kháng khuẩn nano lên sợi chỉ khâu, dập kim vào chỉ đóng gói và tiệt trùng sản phẩm. Việc tự nghiên cứu và sản xuất chất kháng khuẩn Nano bạc với chi phí chưa bằng 1/10 so với nhập khẩu giúp làm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hoạt động truyền thông KH&CN đã giúp ích rất nhiều cho đơn vị trong quá trình tìm kiếm thông tin, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo bà Điểm, truyền thông có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, doanh nghiệp biết và tham gia. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các doanh nghiệp nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học (giới thiệu công nghệ của mình), mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN. Đồng thời, hoạt động này còn góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh.
 

Bà Cao Thị Vân Điểm - Phó Tổng Giám đốc Công ty MEDEP chia sẻ về hoạt động truyền thông của đơn vị.
 

“Nếu không nắm bắt được thông tin từ truyền thông, chúng tôi sẽ không biết được các kênh đầu tư từ Nhà nước và không tham gia vào thị trường KH&CN được”, bà Cao Thị Vân Điểm chia sẻ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông về KH,CN&ĐMST trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Theo đó, để truyền thông đúng, trúng và đạt hiệu quả, khi tiếp cận thông tin, các phóng viên, nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH,CN&ĐMST để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả; cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi cả chuyên môn và nghiệp vụ báo chí; có kinh phí đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên về KH&CN, đào tạo nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ khoa học, thậm chí có cả những khóa đào tạo trong nước và nước ngoài; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở truyền thông chuyên nghiệp.
 

Hoạt động thử nghiệm lâm sàng sản phẩm của MEDEP.
 

Cơ quan quản lý KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình, hoạt động thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Khi nhận thức của toàn xã hội về KH,CN&ĐMST thay đổi, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của KH,CN&ĐMST thực sự là một trong những yếu tố quyết định của quá trình phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay.

Các cơ quan báo chí cần chú trọng và tăng cường các hoạt động truyền thông KH,CN&ĐMST trên tất cả các kênh: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các websites về thông tin KH&CN. Các đài phát thanh, truyền hình Trung ương nên có các kênh khoa học hấp dẫn phát sóng liên tục 24 giờ mỗi ngày… Cần xây dựng các trung tâm truyền thông để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, chủ động kết nối với giới truyền thông.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2488

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)