Thứ năm, 07/05/2020 16:30 GMT+7

Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế “bình thường mới” của Việt Nam

Tìm kiếm những cơ hội trong bối cảnh khủng hoảng luôn là một trong những bài học thành công của nhiều công ty lớn và nhiều quốc gia phát triển. Sau mỗi một cuộc khủng hoảng, có rất nhiều công ty bị phá sản nhưng cũng có nhiều công ty đã vượt qua và khẳng định chỗ đứng của mình. Khủng hoảng cũng có thể trở thành cơ hội để quốc gia phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nếu nhận thức và ứng phó tốt. Với mục đích đem lại những góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức buổi hội thảo online “Covid-19 và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam” vào ngày 02/5/2020.

Hội thảo có sự tham gia của bốn diễn giả là những chuyên gia, người nghiên cứu chính sách và nhà kinh doanh có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và Nhật Bản bao gồm: Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế độc lập; Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Thành viên Ban Cố vấn VANJ; Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ ACE; Bà Trần Thị Huệ, Nghiên cứu viên Đại học Kyorin, Giám đốc Công ty dịch vụ Y tế Nippon Star. Buổi thảo luận cũng có sự góp mặt của “Nhóm Thông tin Covid-19 tại Nhật Bản”- một nhóm tình nguyện được thành lập để chia sẻ tới cộng đồng Người Việt tại Nhật những thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng tránh và những chính sách liên quan của Chính phủ Nhật Bản.



Poster của Chương trình

 

Chính phủ sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng hay từ mọi tầng lớp trong xã hội

Năm 2020 thực sự là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung khi Covid-19 bùng phát với những hậu quả nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, Covid-19 gây tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội, ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là chuỗi giá trị, sự đứt gãy tuyến cung cấp nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình và hậu quả tiêu cực do Covid-19 gây ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào một “cuộc chiến đấu mới trong thời bình” - cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “Chống dịch như chống giặc”.

Ngay sau khi xảy ra đại dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Chính phủ đã tổ chức hội nghị “diên hồng” trong khối các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước để nắm bắt tình hình. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tổ chức Hội nghị giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp để lắng nghe những ý tưởng hay từ phía 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước.

Với tinh thần hướng về Tổ quốc, đem lại những góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) đã tổ chức buổi hội thảo online “Covid-19 và Ảnh hưởng Kinh tế Việt Nam” để tổng hợp thông tin, gửi tham vấn từ các nhà trí thức Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản tới Chính phủ.


Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam và Nhật Bản

Chia sẻ về doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nào bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19, Bà Trần Thị Huệ, Nghiên cứu viên Đại học Kyorin, Giám đốc Công ty dịch vụ Y tế Nippon Star cho biết: Khảo sát tại Nhật Bản với hơn 12.000 doanh nghiệp cho thấy có khoảng 65% doanh nghiệp quy mô lớn và 53% doanh nghiệp quy mô nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành bán buôn, bán lẻ, bảo hiểm, tài chính, bất động sản. Trong khi đó, theo khảo sát ở Việt Nam thì 85% doanh nghiệp chịu tác động xấu bởi đại dịch và các ngành bị ảnh hưởng nặng nề là du lịch, vận tải, thương mại và các ngành công nghiệp gia công như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông lâm thủy sản, những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã vấp phải khó khăn trong cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ bởi quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu thiết bị và các sản phẩm trung gian phụ trợ công nông nghiệp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tổng cầu trong nước cũng như nước ngoài đều sụt giảm. Các chuyên gia nhận định rằng khả năng phục hồi của những ngành nghề này nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ phải kéo dài nhiều năm, do còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi sâu sắc.

Chia sẻ về cơ hội và thách thức trong việc chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do, bà Trần Thị Thu Hà, Thành viên Ban Cố vấn VANJ cho biết: các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Mỹ và các nước châu Âu đang có kế hoạch rút một số doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, chuyển hướng về nước họ hoặc sang các nước khác, trong đó có ASEAN. Điều này vừa đem lại cơ hội, song cũng là thách thức cho Việt Nam. Việt Nam đang chuẩn bị thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và triển khai FTA với nhiều quốc gia như EPA với Nhật, FTA với Hàn Quốc. Việt Nam có cơ hội lớn để tăng cường hợp tác với các nước này, cùng tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để tăng nội lực, nội khối, bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và tận dụng lợi ích của các FTA. Một thực trạng hiện nay mà Chính phủ và giới chuyên gia đều nhận thấy đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào FDI và các doanh nghiệp nước ngoài, giá trị gia tăng nội địa không cao chỉ 10-15% chuỗi giá trị tổng thể. Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp trong nước còn nhỏ về qui mô, khá lạc hậu về công nghệ và quản trị, ít kết nối với FDI và dễ bị tổn thương. Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những điều chỉnh trong chính sách các quốc gia như việc Mỹ rút Việt Nam ra khỏi danh sách “quốc gia đang phát triển” trong Luật Thuế chống trợ cấp của Mỹ, hay công ty nước ngoài sẽ lợi dụng cơ hội để đầu tư thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam đang bị khủng hoảng vì Covid-19. Việc Chính phủ cần làm ngay lúc này là nhanh chóng nâng cấp và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa, hệ thống tổ chức đánh giá sự phù hợp và cơ chế thừa nhận lẫn nhau với các thị trường lớn, bộ máy trọng tài quốc tế và tòa án hành chính về thương mại, dịch vụ đủ năng lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế của doanh nghiệp, nhất là về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là thực hiện các cam kết của Việt Nam khi thực thi CPTPP, EVFTA liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và công đoàn độc lập của người lao động, nhất là tôn trọng quyền của người lao động đình công và đình công liên ngành. Cần chủ động xây dựng quy định quản lý các tổ chức công đoàn độc lập và tạo cơ chế phối hợp hoạt động với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về trình tự, thủ tục đình công và trách nhiệm của tổ chức công đoàn độc lập khi đình công tập thể và liên ngành.

Chia sẻ về cách tiếp cận với thị trường, khách hàng và nguồn cung ứng: Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ ACE đã tập trung phân tích và thảo luận về sự thay đổi nguồn cung ứng do đại dịch Covid -19. Do sự cách ly xã hội, các hoạt động online trở nên phổ biến và phát triển hơn, chẳng hạn học trực tuyến, mua sắm online, bán hàng online. Trong các ngành nghề thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe cả phòng bệnh và điều trị được quan tâm và đầu tư hơn cả, tuy vậy cách tiếp cận với khách hàng đã thay đổi từ việc lấy cơ sở là trung tâm trở thành lấy người bệnh là trung tâm. Điều này dẫn đến sự phát triển các công nghệ khám chữa bệnh tại nhà (telehealth, telemedicine), chăm sóc sức khỏe cho người dân, kể cả người trẻ, các vật tư thiết yếu cho thời dịch (test kit, vắc xin, máy thở, khẩu trang...) và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nếu có thể sản xuất được các mặt hàng này và cung cấp các dịch vụ này phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế.

Buổi thảo luận cũng có sự góp mặt của “Nhóm Thông tin Covid-19 tại Nhật Bản”, một nhóm tình nguyện được thành lập để chia sẻ tới cộng đồng Người Việt tại Nhật những thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng tránh và những chính sách liên quan của Chính phủ Nhật Bản.Theo Ban Tổ chức VANJ, buổi hội thảo không chỉ dừng lại ở những thông tin chuyên sâu mà còn ở những kết nối rất giá trị. Đó là sự kết nối giữa cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, kết nối những chuyên gia kinh tế và các nhà hoạt động kinh doanh thực tiễn ở trong và ngoài nước, và kết nối cộng đồng học thuật với xã hội để cùng nhìn nhận và đưa ra những gợi ý góp phần cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Điều này khẳng định giá trị tích cực của những đóng góp từ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cũng như từ khắp nơi trên thế giới dành cho nước nhà. Việc lan tỏa những tri thức và đóng góp giá trị cho xã hội cũng là điều mà VANJ muốn gửi gắm thông qua những Hội thảo như hôm nay và các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới.



Các diễn giả tham gia Hội thảo

 

Tổng kết các cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong và sau đại dịch Covid-19, Chuyên gia kinh tế độc lập - Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng: Ở Việt Nam, việc phòng chống, phát hiện và điều trị Covid-19 được Chính phủ coi như một “cuộc chiến”, “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ”. Qua công tác chỉ đạo và điều hành thời gian qua, Chính phủ đã tạo niềm tin cho người dân và sự gắn kết bên trong giữa các bộ, ban ngành. Chính phủ cần tận dụng cơ hội này để tích cực thực thi các biện pháp thay đổi. Bên cạnh đó, nhà nước cần cởi mở đối thoại về việc chảy máu chất xám, việc hợp tác với các nhà khoa học để thương mại hóa các bằng sáng chế, hợp tác các doanh nghiệp tư nhân trong nghiên cứu. Cùng với đó, Chính phủ cần có cơ chế để các chuyên gia người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc và vận hành nền kinh tế của tất cả các quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do vậy, cần coi đây là một thời cơ để Việt Nam tự nhìn nhận lại, điều chỉnh chiến lược, tăng cường nội lực, và triệt để tư duy bứt phá. Để có thể vượt qua khủng hoảng, Việt Nam cần xác định rõ vị thế của mình, đánh giá sâu sắc về thực trạng, tìm kiếm những thế mạnh và mũi nhọn thực sự. Chính phủ cần chú trọng phục hồi và phát triển những ngành ứng dụng công nghệ cao hơn, mang lại thu nhập / giá trị gia tăng nhiều nhất, lao động có kỹ năng nhiều nhất và toàn lực tập trung phát triển nó trong thời gian ngắn nhất, giống như chúng ta toàn lực dập dịch đợt vừa qua. Việt Nam không thể cứ mãi gia công mà phải phát triển công nghiệp, dịch vụ sáng tạo một cách mạnh mẽ hơn. Chính phủ và doanh nghiệp cần phân bổ và sử dụng các gói cứu trợ một cách khôn ngoan, chính xác để phát huy và tạo nên các thế mạnh mới. Việc đầu tư cần mang tính lâu dài, bền vững và cũng cần một cơ chế minh bạch, rõ ràng với tinh thần’’chống tụt hậu như chống giặc’’. Hy vọng rằng, VANJ cũng như nhiều Hội, Hiệp hội về học thuật và doanh nghiệp khác tại Nhật Bản luôn giữ được tinh thần kết nối của người Việt, ngày càng có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung của Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối tin cậy trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.





Các khán giả tham gia Hội thảo

 

Các bài trình bày của diễn giả có thể download tại link này: https://vanj.jp/2020/05/04/cac-bai-trinh-bay-cua-dien-gia-tai-hoi-thao-covid-19-va-anh-huong-den-kinh-te-viet-nam/

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4967

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)