Thứ ba, 16/06/2020 16:17 GMT+7

Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngày 12/6/2020, Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Sở KH&CN tỉnh Long An tổ chức Hội thảo "Đề xuất khung mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ KH&CN phục vụ liên kết vùng phát triển các sản phẩm chủ lực Đồng bằng Sông Cửu Long" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu. Trong đó có sự tham dự của Lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh thành phía Nam như Bến Tre, Sóc Trăng, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, ... và các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu để lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực cung ứng dịch vụ KH&CN cũng như liên kết sản xuất trong nông nghiệp.
 

Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Hội thảo đã giới thiệu các tham luận về vai trò cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, các sản phẩm mới về máy móc cơ khí, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh hóa thế hệ mới, tăng cường tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh hạn mặn đang là nguy cơ đe dọa hệ sinh thái nông nghiệp khu vực miền Tây Nam Bộ. Các sản phẩm chủ lực phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo PGS.TS. Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong vấn đề phát triển KH&CN mà chủ yếu chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện thực hiện của các doanh nghiệp cũng như đơn vị nhà nước. Bên cạnh đó là sự phát triển, nghiên cứu KH&CN chưa đồng bộ, còn chồng lấn trong các nhiệm vụ do thiếu nguồn thông tin liên kết. PGS.TS. Phạm Xuân Đà cho rằng phải lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới KH&CN và xem dịch vụ trong lĩnh vực này là một nhân tố quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó gia tăng hiệu quả ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn. Bên cạnh các doanh nghiệp, vai trò của các trường đại học, các viện nghiên cứu và chế tạo cũng được Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng, định hướng, đặt hàng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm máy móc mang tính thực tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
 


Hội thảo cũng thảo luận và đề xuất các giải pháp huy động nguồn nhân lực, nguồn vốn để thực hiện các mô hình chuỗi giá trị khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước các cấp, cần huy động nguồn vốn doanh nghiệp, vốn tài trợ từ các tổ chức khoa học quốc tế khi thực hiện mô hình liên kết cho toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Thứ trưởng Lê Xuân Định thay mặt chủ trì Hội thảo, cảm ơn UBND tỉnh Long An đã phối hợp với Bộ KH&CN trong công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, quan tâm lãnh đạo, đầu tư phát triển tiềm lực và triển khai hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, cũng như chỉ đạo và tạo điều kiện cho Sở KH&CN Long An phối hợp với Cục Công tác phía Nam tổ chức Hội thảo quan trọng này. Thứ trưởng cho biết sẽ ghi nhận và có kế hoạch cho ba đề xuất của tỉnh Long An về phát triển KH&CN của vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

 

Nguồn: Cục Công tác phía Nam

Lượt xem: 1502

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)