Thứ tư, 01/07/2020 17:37 GMT+7

Nghiên cứu tạo chủng Trichoderma có hoạt tính cellulase cao bằng xử lý chiếu xạ

Chiều ngày 25/06/2020, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu tạo chủng Trichoderma có hoạt tính cellulase cao bằng xử lý chiếu xạ” do CN. Nguyễn Thị Thơm trình bày.

Đến dự Hội thảo có Lãnh đạo Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN), các các cán bộ trong Trung tâm và khách mời.



Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, CN. Nguyễn Thị Thơm đã trình bày báo cáo. Mục đích của nghiên cứu là sử dụng bức xạ gamma tạo chủng Trichoderma đột biến có khả năng sinh cellulase cao dùng trong sản xuất chế phẩm phân giải nhanh rơm rạ ngay trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các nội dung thực hiện: Tuyển chọn các chủng Trichoderma có hoạt tính sinh cellulase cao (từ bộ chủng giống của các phòng thí nghiệm và ngân hàng giống trong nước); đánh giá ảnh hưởng của bức xạ gamma tới tỷ lệ sống sót và khả năng sinh cellulase của chủng nấm Trichoderma tiềm năng trong dung dịch bào tử và thạch đĩa; từ đó, sàng lọc các chủng Trichoderma sau chiếu xạ có hoạt tính sinh cellulase cao và đánh giá tính ổn định của chủng mong muốn.



 
Cấu trúc không gian các loại cellulase

Với những nội dung đặt ra ban đầu, kết quả nghiên cứu cho thấy: Từ 10 chủng giống Trichoderma ban đầu, đã chọn được chủng Trichoderma koningiopsis VTCC 31435 có khả năng sinh cellulase cao và ổn định sử dụng làm đối tượng xử lý đột biến; xử lý chiếu xạ có khả năng tạo ra các khuẩn lạc có khả năng sinh cellulase cao, dải liều 700 - 1500 Gy là tối ưu để sàng lọc chủng mong muốn; đã sàng lọc được 05 khuẩn lạc sau chiếu xạ có khả năng sinh cellulase cao vượt trội, hoạt độ CMCase và FPase của các khuẩn lạc này cao hơn chủng thuần tương ứng là 1,51-2,48 lần và 1,2-1,87 lần; khuẩn lạc VTCCI-1 tạo được ở liều chiếu 1500 Gy có khả năng sinh cellulase vượt trội và ổn định ít nhất sau 4 thế hệ; hoạt độ CMCase và FPase cao hơn chủng gốc tương ứng 2,48 và 1,87 lần.


 
Chủng thuần T. koningiopsis và 02 chủng sau chiếu xạ có khả năng sinh cellulase cao trên MT PDA ở 28oC (A- Hình thái khuấn lạc sau 2 ngày; B- Khả năng tiết sắc tố sau 7 ngày; C- Hình thái bào tử sau 7 ngày)

Báo cáo nhận được sự quan tâm của các thành viên có mặt tại Hội thảo. Các thành viên và khách mời thảo luận sôi nổi về những nội dung trong báo cáo và đánh giá cao kết quả thực hiện của tác giả. Thông qua Hội thảo, các thành viên tham dự và khách mời có thêm cơ hội học tập, trao đổi, nâng cao kiến thức về lĩnh vực Sinh học Thực nghiệm./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1486

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)