Thứ hai, 27/07/2020 14:41 GMT+7

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và điều khiển gối điện từ tích cực hỗ trợ giảm dao động

Vấn đề nghiên cứu nâng cao độ tin cậy hoạt động của các thiết bị trong các môi trường chịu tác động rung xóc đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm và nghiên cứu. Một số kết quả nghiên cứu được công bố gần đây đã minh chứng hướng nghiên cứu giảm dao động bằng phương pháp cách ly, điều khiển tích cực đem lại hiệu quả cao, phù hợp để đạt được các chỉ tiêu ổn định cho thiết bị, khí tài trên phương tiện cơ giới.


Mô hình bàn cách ly dao động

 

Trong các phương pháp làm giảm dao động cho hệ thống máy, kết cấu và khí tài, phương pháp cách ly dao động thụ động được sử dụng phổ biến nhất. Nguyên tắc cơ bản của phương pháp là cách ly nguồn gây dao động và kết cấu, tiêu hao một phần hoặc toàn bộ năng lượng do nguồn kích động sinh ra bằng phần tử hoặc hệ thống phần tử hấp thụ và tiêu tán năng lượng. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng gối cách ly dao động điện từ tích cực để nâng cao độ ổn định và cải thiện hiệu quả làm việc của các trang thiết bị, khí tài lắp trên phương tiện cơ giới.

Với việc lắp thêm gối cách ly dao động tích cực, hiệu quả giảm dao động trong vùng tần số thấp được nâng cao. Gối cách ly dao động có thể lắp thêm giảm chấn trong để giảm tỷ số truyền lực tại vùng cộng hưởng. Điều này rất được chú ý khi kích động năng lượng cao. Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng kỹ thuật điều khiển thích nghi, bộ cách ly dao động tích cực có thể “tích cực” thay đổi phù hợp với những biến đổi bất thường xuất hiện trong hệ thống.

Hiện nay, một vấn đề rất quan trọng cần được giải quyết hiệu quả đó là việc bảo đảm độ êm dịu, độ ổn định và độ bền của trang thiết bị, khí tài như khối nguồn; hệ thống các kính ngắm, kính quan sát, nhìn đêm; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chỉ huy chiến trường số... Trong các hệ thống này thường bao gồm nhiều bộ phận yêu cầu cao về độ ổn định và độ bền khi làm việc. Do đó, nghiên cứu ứng dụng các phương pháp tiên tiến để giảm dao động cho trang thiết bị, khí tài lắp trên phương tiện cơ giới rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Vì những lý do đó đề tài được Cơ quản chủ trì Viện Nghiên cứu Cơ khí phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Đăng Định thực hiện.  Đây là hướng nghiên cứu mang ý nghĩa thực tiễn cao góp phần giảm dao động cho trang thiết bị, máy móc lắp trên phương tiện cơ giới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đề tài  mang ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần giảm dao động, nâng cao độ ổn định làm việc cho trang thiết bị, khí tài lắp trên phương tiện cơ giới quân sự. Sản phẩm của đề tài rất có ý nghĩa đối với quốc phòng nước ta hiện nay, đặc biệt với những thiết bị, máy mọc chính xác.

Đề tài đã nghiên cứu một cách hệ thống và khá đầy đủ về giải pháp giảm dao động, nâng cao độ ổn định cho thiết bị bằng gối đỡ điện từ. Trình bày cơ sở khoa học để tính toán thiết kế gối đỡ điện từ và thiết bị thử nghiệm gối đỡ điện từ. Xây dựng mô hình vật lý, mô hình toán học khảo sát dao động của sàn công tác có lắp các gối đỡ điện từ, phân tích các bài toán điều khiển hệ thống điện – lực điện từ.

Kết quả nghiên cứu đã được xác định qua mô hình thử nghiệm giảm dao động có nguồn kích thích chủ động, phân tích kết quả đo lường thử nghiệm cho thấy gối đỡ điện từ có khả năng ứng dụng lắp trên các sàn công tác để giảm dao động, tăng tính ổn định làm việc cho thiết bị, khí tài đặc chủng quân sự tích hợp trên phương tiện cơ giới.

Sản phẩm của đề tài:

Đề tài đã hoàn thành tất cả các nội dung theo đăng ký trong thuyết minh đề cương đã được phê duyệt, sản phẩm cụ thể của đề tài bao gồm:

- Báo cáo phân tích (06 chuyên đề);

- Tập bản vẽ thiết kế gối đỡ điện từ;

- Báo cáo khoa học tổng kết đề tài;

- 02 gối đỡ điện từ;

- 01 bài báo được đăng trên Tạp chí Cơ khí Việt Nam.

*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14040/2017) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)