Chủ nhật, 01/11/2020 22:04 GMT+7

Kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp

Tiếp nối chuỗi sự kiện trong Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 (Techdemo - Techmart - Growtech - Startup - Job fair), chiều ngày 30/10, tại Học Viện Nông nghiệp Hà Nội diễn ra Hội thảo “Kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp”.

Hội thảo “Kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp” do Cục Ứng dụng  và Phát triển công nghệ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp thực hiện. Tham dự Hội thảo có ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cùng gần 200 đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ - Bộ Khoa học và Công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Đổi mới KH&CN được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chia sẻ, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế đòi hỏi càng phải nỗ lực trong việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách quản lý về khoa học và công nghệ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc sống; tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.
 

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật,… Hơn nữa, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới; Thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn: Đã hình thành nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn kết hợp các dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản với những ưu đãi nhất định.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chính là tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 68/2013/QĐ-TTg quy định tổ chức cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi khi mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp không phân biệt máy chế tạo trong nước và nhập khẩu.

Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Qluyết định số 319/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp,… thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 – 2025.

Chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả.

Nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao là yêu cầu cấp bách

Tại Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, công nghệ cao có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Phát triển nhân lực công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao.

Những năm vừa qua việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực như công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin,... trong nông nghiệp. Việc đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ cao,bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực công nghệ cao; sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành công nghệ nông nghiệp năm 2019 là 65.409 chỉ tiêu, chiếm 15,5% tổng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành trong cả nước. Ngành Công nghệ thông tin có số lượng chỉ tiêu lớn nhất với 29.106 chỉ tiêu, chiếm 44,5 tổng chỉ tiêu của nhóm, cho thấy vị trí và vai trò dẫn dắt của ngành trong lĩnh vực công nghệ.

Các ngành công nghệ chuyên sâu trong nông nghiệp như Công nghệ nông nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội và Công nghệ cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh thấp do là các ngành mới mở và tuyển sinh năm đầu. Kết quả tuyển sinh năm 2019 của nhóm công nghệ đạt 76% chưa đủ đáp ứng nguyện vọng của thí (71.648 nguyện vọng 1) và năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo GS.TS Phạm Văn Cường, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đang đặt ra. Căn cứ vào tình hình thực tế và thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho nông nghiệp nước ta hiện nay, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Trong nghiên cứu cũng như đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt như công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin với việc phát huy các kiến thức kinh nghiệm truyền thống trong nông nghiệp.

Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng đó, cần có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nghiên cứu và đào tạo, hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ nông nghiệp, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ nông nghiệp.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Tham dự Hội thảo, đại biểu được lắng nghe những tham luận của các nhà khoa học liên quan đến chính sách khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, xu hướng phát triển công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản và các giải pháp kết nối, nâng tầm giá trị chuỗi nông sản Việt. Các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận sôi nổi, phản ánh thực trạng, cơ hội và thách thức đối với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đề xuất nhiều nội dung và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về mô hình kết nối cung cầu công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại các vùng, địa phương.
 


 

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp công nghệ chạy đua với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn – Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, trong đó: Các công nghệ bảo quản chế độ tiên tiến phải được tích hợp thông qua phần mềm ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất; về khoa học công nghệ (giai đoạn 2018 – 2025), Nhà nước cần ưu tiên cho thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ bảo quản chế biến nông lâm thủy sản sau thu hoạch; cần có chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo đối với các viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực chuyên ngành bảo quản chế biến nông lâm thủy sản,…

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá cao các báo cáo được trình bày tại Hội thảo. Ông Thịnh nhấn mạnh, để thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp, cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của vùng theo chuỗi giá trị, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển sản phẩm ở địa phương. Việc huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài vùng cũng rất cần thiết để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông giới thiệu; đánh giá, cập nhật hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương để hỗ trợ kịp thời, giải quyết các vấn đề về chính sách, kỹ thuật, công nghệ; tập trung tổng thể các nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của vùng, địa phương./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 1875

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)